Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Ca cao phá thế độc canh ở Đam Rông

VĂN VIỆT
Lần đầu tiên định canh ở Đam Rông, cây ca cao đã góp phần phá thế độc canh cây điều, cây cà phê và các cây trồng khác trong vườn hộ gia đình, hướng tới những khoản “thu nhập kép” ổn định và lâu dài.

Đầu năm 2011, từ các nguồn vốn thuộc dự án phát triển nông thôn miền núi, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã chọn cây ca cao đưa về trồng xen và trồng thuần trên đất Đam Rông với 40 ha. Có 95 hộ gia đình tham gia trồng mới ca cao, mỗi hộ gia đình trồng từ 0,3 ha đến 1 ha, xen canh với cây điều cùng các loại cây ăn quả khác hoặc trồng thuần từ những diện tích phá bỏ cây cà phê già cỗi. Trước đó, từ năm 1999- 2001, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã trồng khảo nghiệm và chọn ra 13 giống đầu dòng tại địa bàn huyện Bảo Lâm và huyện Đạ Huoai. Đúc kết kinh nghiệm từ kết quả những mô hình điểm, Trung tâm tiến hành nhân rộng đại trà kỹ thuật trồng ca cao mới ở Đam Rông gắn với việc liên kết chế biến và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Với kỹ thuật trồng ca cao xen canh, Trung tâm triển khai cho 71 hộ nông dân trồng 30 ha dưới tán điều và tán cây ăn quả vào thời kỳ kinh doanh, thuộc địa bàn các xã Liêng Srônh, Rô Men, Đạ Long, Đạ Tông của huyện Đam Rông. Có 5 giống ca cao được đưa về trồng ở đây gồm TD3, TD5, TD6, TD8 và TD10. Tất cả cây giống đều đạt độ tuổi từ 4- 6 tháng, chiều cao từ 30- 45cm, thân và cành lá chắc khỏe, xanh tốt, không bị dị dạng. Trước khi đưa xuống hố trồng, cây giống ca cao được tưới đẫm nước. Khoảng cách trồng cây ca cao cách cây ca cao 3m; cách cây điều 2,5m; mật độ trung bình 600 cây/ha. 
Ông Võ Văn Lập, Trưởng phòng Kỹ thuật của Trung tâm cho biết thêm: Qua từng giai đoạn bón phân cân đối, phòng trừ dịch hại tổng hợp, tỉa cành tạo tán tỏa đều ở nhiều hướng khác nhau, kết quả năm thứ 1, tỷ lệ cây sống và phát triển chồi, lá đạt yêu cầu hơn 95%. Bước sang năm thứ 2, chiều cao của cây đã tăng lên gần 1,5m; năm thứ 3, đường kính trung bình của tán cây hơn 1,2m. Đến năm thứ 4, mật độ cây ca cao sinh trưởng ổn định khoảng 90%. Các loại bệnh hại như bọ cánh cứng, bọ xít muỗi, nấm hồng…đều được áp dụng các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Riêng vào mùa mưa năm 2014, cây cao cao đang thời điểm ra trái bói thì xuất hiện các bệnh thối thân, thối trái do nấm phytopthora gây hại với tỷ lệ 2,4%. Vụ thu bói cuối năm 2014, ca cao xen canh với cây điều đạt năng suất 1.400kg trái tươi/ha  
Cũng cùng thời gian trên, với kỹ thuật thâm canh ca cao trồng thuần, Trung tâm ký hợp đồng với 24 nông hộ sản xuất 10ha trên địa bàn 3 xã của huyện Đam Rông gồm: Liêng Srônh ( 1ha/3 hộ), Rô Men 8,1ha ( 19 hộ) và Đạ Long ( 0,9ha/2hộ). Giai đoạn đầu xuống giống ca cao chưa khép tán vẫn tận dụng chăm sóc, thu hoạch vụ cuối cùng của cây cà phê, đồng thời trồng mới cây mì ( sắn ) tạm thời làm cây che bóng. Mật độ trồng cây ca cao ổn định 1.000 cây/ha. Kết quả bón phân, tưới nước, diệt trừ sâu bệnh đúng quy trình đề ra, đến cuối năm 2014, cây ca cao thâm canh phát triển đạt yêu cầu khoảng 88%. Trong đó chiếm 80% số cây cho bói trung bình từ 20- 25 trái/cây; các biệt có cây đạt trên 42 trái. Tính chung năng suất thu bói ca cao trồng thuần khoảng 2.500kg trái tươi/ha.
Toàn bộ sản lượng trái ca cao thu bói nói trên đều được Công ty Cao Nguyên Xanh, ĐắkLắk bao tiêu theo thỏa thuận với Trung tâm Khuyến nông Đà Lạt ngay từ khi xuống giống trồng. Đồng thời Trung tâm đã phối hợp với công ty này xây dựng, đưa vào hoạt động 2 điểm thu mua, sơ chế ca cao trên địa bàn huyện Đam Rông, bước đầu đạt tỷ lệ lên men khá cao- từ 12- 13 kg trái tươi sơ chế thành 01kg hạt khô. Hạch toán sau 4 năm trồng, chăm sóc, thu hoạch cây ca cao giai đoạn trái bói ở huyện nghèo Đam Rông cho thấy: đã thu hồi số vốn đầu tư với hơn 40% trồng xen với cây điều và hơn 50% trồng thuần. Chưa kể cây điều nhờ được chăm sóc chung với cây cao cao nên đã tăng thêm năng suất gần 15%.
Dự kiến trong năm 2015, cây ca cao Đam Rông sẽ vào vụ thu hoạch chính, người sản xuất bắt đầu mang về lợi nhuận, nâng cao thu nhập trong cơ cấu cây trồng đa dạng trên khu vườn của mình. Có thể nói, thành công này là những căn cứ khá thuyết phục cả lĩnh vực khoa học và lĩnh vực thực tiễn để tiếp tục thâm canh, nhân rộng cây ca cao trên địa bàn Đam Rông trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài./.
THÁNG 3/2015