Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Kinh tế tập thể nông nghiệp với hoạt động đa ngành

VĂN VIỆT
Đánh giá về tình hình hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể nông nghiệp trong những năm gần đây, ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhấn mạnh: “Sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp Lâm Đồng luôn có sự đóng góp đáng kể của thành phần kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là các Hợp Tác xã, Tổ Hợp tác hoạt động đa ngành, đa nghề…”

Nếu so với một năm vừa qua thì số Hợp tác xã (HTX) hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp đã tăng thêm 19 đơn vị, nâng tổng số lên 97 HTX nông nghiệp, chiếm 57% trên tổng số HTX hoạt động các lĩnh vực khác nhau trong toàn tỉnh Lâm Đồng. Có tất cả 7.326 thành viên HTX nông nghiệp với tổng số vốn điều lệ gần 188 tỷ đồng. Riêng Tổ Hợp tác (THT) nông nghiệp hiện có 250 đơn vị. Lương bình quân 1 lao động làm việc trong HTX, THT khoảng gần 20 triệu đồng/người/năm. “Kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp đã chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh từ hoạt động thuần túy sang hoạt động đa ngành, đa nghề, hướng đến mục tiêu hỗ trợ kinh tế hộ gia đình phát triển… ”- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, ông Lê Văn Minh cho biết thêm.
Theo đó hàng năm, hoạt động dịch vụ đầu vào, đầu ra cùng các hoạt động hỗ trợ tín dụng khác của thành phần kinh tế tập thể nông nghiệp ở Lâm Đồng đã có những bước chuyển rõ nét. Cụ thể, ở nhiều vùng sản xuất cây công nghiệp phía Nam của tỉnh, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã ghi nhận nhiều HTX tiêu biểu như An Lạc ( Bảo Lâm), Tân Sơn ( Bảo Lộc), Tây Di Linh, Đông Di Linh…đạt doanh thu mỗi HTX hàng ngàn triệu đồng mỗi năm - đã chủ động đứng ra làm đầu mối cung ứng trực tiếp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cho thành viên HTX với giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng; trong đó chiếm không ít số lượng phân bón được bán với hình thức trả chậm, thành viên nhận phân bón chăm sóc cây trồng vào đầu mùa sản xuất, đến cuối mùa thu hoạch mới thanh toán đủ số tiền một lần cho HTX.
Ở các huyện Đơn Dương, Lâm Hà, Đức Trọng…nổi lên nhiều HTX Chăn nuôi bò sữa đã tích cực cung ứng cho thành viên HTX ( người chăn nuôi bò sữa) các nguồn giống bò sữa, nguồn thức ăn, thuốc thú y…chất lượng cao, bên cạnh đó còn làm chiếc cầu nối chuyển giao kỹ thuật phối tinh giống, giúp từng chủ hộ chăn nuôi ổn định sản lượng sữa bò bán ra hàng tháng, đạt doanh thu thấp nhất là 30 triệu đồng/hộ, cao nhất hơn 100 triệu đồng/hộ. Hiệu quả của mô hình này có thể kể đến HTX Nông lâm súc Phi Vàng ( xã Đạ Ròn, Đơn Dương) với tổng đàn bò sữa của thành viên khoảng 200 con. Đồng thời, HTX đã phát triển sản xuất trên 40 ha rau VietGAP của hộ thành viên gắn với thị trường tiêu thụ lâu dài; chưa kể đã bố trí nhiều hecta đất liên kết sản xuất trồng các giống khoai tây mới với Công ty Pepsico Việt Nam, nâng tổng doanh thu hàng năm của HTX lên đến khoảng 5 tỷ đồng.
Trên đồng rau thương phẩm của Đà Lạt và các vùng phụ cận, HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Anh Đào ( đường Nguyễn Công Trứ, Đà Lạt) đã chứng tỏ sự năng động và hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành, đa nghề. Với diện tích 272 ha trồng các loại rau VietGAP, trong vài năm gần đây, HTX Anh Đào đã thực hiện mỗi năm đạt tổng khối lượng giải quyết ổn định đầu vào - đầu ra cho 47 thành viên ( hộ sản xuất) gồm cung ứng 1.700 tấn phân bón và tiêu thụ 26.000 tấn rau, tổng doanh thu khoảng 148 tỷ đồng. Tương tự, HTX Xuân Hương, Đà Lạt tiêu thụ 422 tấn rau các loại cho thành viên ( hộ sản xuất), mang lại doanh thu 7,3 tỷ đồng/năm. Ngoài ra ở các vùng lúa Đạ Tẻh, Cát Tiên có nhiều điển hình HTX thu mua lúa giống, lúa chất lượng cao cho nông dân như HTX Trung Thành; nhiều HTX khác đã phối hợp với ngành nông nghiệp Lâm Đồng tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất và chăn nuôi cho nông dân. Hoặc trên lĩnh vực dịch vụ tín dụng nội bộ, hiện có 11 HTX cho thành viên vay để giải quyết các nhu cầu chi tiêu trong sinh hoạt, sản xuất. Đơn cử trong một năm vừa qua, xuất hiện nhiều HTX nông nghiệp dẫn đầu các hoạt động tín dụng thiết thực cho hộ gia đình thành viên như: HTX An Lạc (Lộc An, Bảo Lâm, cho vay 4.500 triệu đồng); HTX Thiện Lập ( Lộc Sơn, Bảo Lộc, cho vay 2.100 triệu đồng); HTX Đồng Phát ( Lộc Phát, Bảo Lộc, cho vay 512 triệu đồng) …
Những chuyển biến bước đầu của kinh tế tập thể nông nghiệp đa ngành nghề nêu trên ở Lâm Đồng cho thấy: Mọi hoạt hoạt động của HTX và THT trước hết đã hướng đến các nhu cầu của hộ gia đình thành viên, sau đó mới hạch toán đến lợi nhuận từ kinh doanh, dịch vụ trên thương trường để phát triển bền vững./.
THÁNG 3/2015