Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

Thực trạng sử dụng vật tư nông nghiệp và giải pháp xử lý thu gom rác thải trong sản xuất cà phê

 VĂN VIỆT

Sáng ngày 28/10 tại TP Đà Lạt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Vụ Hợp tác Quốc tế- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng sử dụng vật tư nông nghiệp và giải pháp xử lý thu gom rác thải trong sản xuất cà phê trong cả nước.

Tham dự có khoảng 150 đại biểu Cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Kiểm lâm; Chi cục Quản lý chất lượng, chế biến và phát triển thị trường thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Nông, Đăk Lắk, Kon Tum; Phòng Nông nghiệp và Trung tâm Nông nghiệp các huyện, thành; doanh nghiệp, hợp tác xã, người  sản xuất cà phê, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng; các Trường, Viện nghiên cứu, Hiệp hội sản xuất cà phê; Diễn đàn cà phê toàn cầu, Trung tâm phát triển cộng đồng; Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng giao triển khai Dự án “Xây dựng đối thoại chính sách, nâng cao năng lực và nhân thức về sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm, thu gom xử lý chất thải trong sản xuất cà phê tại Việt Nam ” nhằm góp phần phát triển ngành cà phê bền vững của Việt Nam. Hội thảo chia sẻ kiến ​​thức và nâng cao vai trò trách nhiệm về sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào như giống, thuốc trừ sâu bệnh, thuốc diệt cỏ, phân bón, nước tưới…, qua đó đưa ra các giải pháp xử lý, thu gom chất thải trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong sản xuất cà phê nói riêng.

Ông Nguyễn Hà Lộc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh những năm qua, toàn tỉnh Lâm Đông đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nhưng vẫn còn phát sinh khối lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp, bao gói thuốc bảo vệ thực vật, chất thải hữu cơ, tác động nhất định đến môi trường sinh thái.  

Trong đó tính riêng lượng phụ phẩm được tái sử dụng trong trồng trọt chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng người dân chưa có công nghệ, biện pháp xử lý tối ưu, chủ yếu áp dụng các kỹ thuật thông thường như cày trộn đất, ủ phân không sử dụng vi sinh hoặc bỏ lại trên vườn dễ làm phát sinh lây lan nguồn bệnh, lượng dinh dưỡng trả lại cho đất thấp. 

Để nâng cao hiệu quả trong xử lý thu gom chất thải trong sản xuất cà phê, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng trao đổi tai hội thảo các giải pháp về thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong thu gom, xử lý chất thải, giảm thiểu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác cà phê; xây dựng các mô hình thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật, mô hình nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái…

THÁNG 10.2024