Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Bài 5/ Phát huy lợi thế so sánh của sản phẩm ngành nghề

 

Khơi sáng những miền quê đáng sống

Bài 5/ Phát huy lợi thế so sánh của sản phẩm ngành nghề

VĂN VIỆT

Lâm Đồng là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên phát triển kinh tế trụ cột nông nghiệp, tập hợp nhiều thành phần dân tộc đến định canh, đinh cư, tạo thành sự đa dạng loại hình nghề nghiệp, bản sắc văn hóa ngành nghề và lợi thế so sánh của sản phẩm đặc trưng làng nghề, nên cần được nắm bắt cơ hội mới, phát huy hơn nữa bởi những pháp đồng bộ, phù hợp và hiệu quả cao.

Tổng doanh thu ngành nghề nông thôn khoảng 7.760 tỷ đồng

Thống kê toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 4 nhóm ngành nghề nông thôn với khoảng 76 nghề truyền thống. Trong đó doanh nghiệp (531 cơ sở), hợp tác xã (30 cơ sở), tổ hợp tác (10 cơ sở), hộ gia đình (7.583 cơ sở), tổng số 13.708 lao động (gồm  1.371 lao động người dân tộc thiểu số). Cụ thể lao động thuộc các ngành nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, thu nhập bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng. 

Tổng doanh thu của các cơ sở ngành nghề nông thôn khoảng 7.760 tỷ đồng. Từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và ngân sách địa phương, toàn tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ các “hạng muc” gồm: bảo tồn, khôi phục, phát triển và công nhận 7 làng nghề, làng nghề truyền thống; xây dựng và đầu tư trang thiết bị 12 phòng trưng bày cho 4 làng nghề; tham gia 4 đợt hội chợ và festival làng nghề cho 14 cơ sở, làng nghề; thực hiện 18 mô hình phát triển sản xuất làng nghề; tổ chức 15 lớp tập huấn, đào tạo nghề cho 700 người; triển khai 2 dự án phát triển ngành nghề nông thôn..

Đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã Quyết định công nhận 20 làng nghề và làng nghề truyền thống. Và 2 nghệ nhân cũng được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là bà Rơ Ông K’Tuyn, làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm thôn B’nớr C (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) và ông Ka Tiếu, làng nghề truyền thống đan lát thôn Duệ (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh). Riêng trong năm 2024, tiếp tục hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận thêm làng nghề dâu tằm tơ xã Đạ R’Sal, huyện Đam Rông.  Các làng nghề sản xuất từ nguyên liệu đầu vào khai thác tại địa bàn tỉnh chiếm 80%; nguyên liệu ngoài tỉnh chiếm 10%; nguyên liệu nhập khẩu chiếm 10%. Đặc biệt nguyên liệu 100% trong tỉnh cung cấp cho các làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, rượu cần, mây tre đan. Toàn tỉnh có 9 làng nghề gắn với hoạt động du lịch, các lễ hội; 5 làng nghề đăng ký nhãn hiệu Hoa Đà Lạt và 1 làng nghề nấm đăng ký thương hiệu tập thể; 10 doanh nghiệp, 12 hợp tác xã và 3 tổ hợp tác hoạt động trong làng nghề. Ngoài ra 2 làng nghề với 2 chủ thể có sản phẩm OCOP 3 sao là rượu cần ở huyện Cát Tiên và bánh tráng mắm ruốc ở huyện Đơn Dương.

Theo ông Phạm Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng, tỉnh Lâm Đồng đã có những chính sách thu hút đầu tư và tạo mọi điều kiện phát triển ngành nghề, làng nghề. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có đội ngũ nghệ nhân, chuyên gia tay nghề cao, tâm huyết truyền dạy nghề cho lớp thợ trẻ. Thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc cùng huyện Đức Trọng, huyện Đơn Dương đã lập quy hoạch điểm công nghiệp tập trung, góp phần thuận lợi cho các ngành nghề phát triển và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, Chi cục trưởng Phạm Hưng cũng cho rằng “ngành nghề, làng nghề ở Lâm Đồng vẫn thiếu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi công nghệ và trang thiết bị tiên tiến; chưa đầu tư nghiên cứu và áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; so với quy hoạch thì tốc độ phát triển ngành nghề còn chậm, quy mô sản xuất nhỏ, việc khai thác tiềm năng du lịch quảng bá và tiêu thụ sản phẩm vẫn còn hạn chế

Phát triển sản phẩm ngành nghề, làng nghề theo chuỗi giá trị gia tăng

Bởi vậy, trên cơ sở khai thác và phát huy lợi thế so sánh của các sản phẩm ngành nghề, làng nghề, nhất đối với các sản phẩm theo chuỗi giá trị gia tăng, toàn tỉnh Lâm Đồng cần đồng bộ hơn nữa các giải pháp trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh hàm lượng khoa học công nghệ, giảm tiêu hao năng lượng và vật tư nguyên liệu trong sản phẩm, đặc biệt gắn phát triển ngành nghề với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và dịch vụ, du lịch

Để góp phần khơi sáng những miền quê đáng sống trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đông, giải pháp cụ thể theo phóng viên trước hết quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tập trung ngành nghề mũi nhọn như: trồng hoa, trồng dâu, nuôi tằm, chế biến tơ, dệt thổ cẩm, mây tre đan xuất khẩu, đồ gỗ dân dụng, đồ thủ công mỹ nghệ … Đồng thời chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống rèn thủ công, cơ khí, sửa chữa máy nông cụ, gốm; khuyến khích mở rộng các ngành nghề mới tại địa phương như: Sinh vật cảnh, thêu ren móc sợi…

Tiếp theo bảo tồn và phát triển làng nghề trên cơ sở khai thác và phát huy lợi thế so sánh của các sản phẩm ngành nghề, làng nghề, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng; áp dụng công nghệ cao để giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng, tăng giá trị sức cạnh tranh của sản phẩm; tổ chức và tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm trong nước và quốc tế, đăng ký thương hiệu, mẫu mã, bao bì, chất lượng sản phẩm ngành nghề; cấp bằng công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống cho các cơ sở; xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực ngành nghề thủ công mỹ nghệ.

Và giải pháp xuyên suốt là hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực để hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể, phát triển ngành nghề, làng nghề như hỗ trợ trang thiết bị, hạ tầng nhà xưởng, cơ giới hóa trong sản xuất và chế biến, qua đó góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng mô hình tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản bền vững theo chuỗi giá trị gia tăng thuộc chương trình xây dựng, phát triển kinh tế nông thôn mới trên địa bàn Nam Tây Nguyên Lâm Đồng…

THANG 10.2024