Để ngăn chặn tái diễn giả mạo nông sản Đà Lạt
VĂN VIỆT
TS Dương Thái Trung, Chuyên viên cao cấp Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho rằng, giải pháp trọng tâm bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt trong thời gian tới, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm gắn với thanh tra, kiểm tra, phòng, chống các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tăng cường tuyên truyền pháp luật về bảo vệ thương hiệu
Thời gian qua, sự phối hợp từ
các phòng, ban liên quan và vai trò tích cực của Hội Nông dân các cấp, việc
quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu
từ đất lành" đạt nhiều kết quả quan trọng. Các sản phẩm mang nhãn hiệu này
không chỉ tiêu thụ rộng rãi trong nước thông qua hệ thống siêu thị, chợ đầu
mối, nhà hàng, khách sạn, mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh
thổ. Sản phẩm du lịch canh nông cũng tạo sức hút đáng kể du khách tham quan và
trải nghiệm. Trong đó thương hiệu khoai tây Đà Lạt được các cơ quan chức năng
và thị trường đều công nhận chất lượng tốt, đảm bảo an toàn, nhiều công dụng bổ
dưỡng. Trong khi khoai tây nhập khẩu trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ,
không có nhãn mác, chưa được kiểm định chất lượng, giá cả chỉ bằng một nửa so
với khoai tây thương hiệu Đà Lạt. Mặc dù sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan
chức năng TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, kiểm soát thị trường; tuyên
truyền, phổ biến pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa; quy định các
điều kiện, tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất, cam kết sử dụng nhãn mác
để cấp sử dụng nhãn hiệu Chứng nhận “ Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành"
nói trên.
Giải
pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt nói riêng, trong nước nói chung, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát
triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất về phía Trung ương cần có chính sách hỗ trợ đăng
ký bảo hộ trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền
sở hữu trí tuệ; khuyến khích doanh nghiệp đạt tiêu chí sử dụng nhãn hiệu; truyền
thông, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ trong và ngoài nước. Về phía địa phương gắn phát triển nhãn
hiệu với quản lý xây dựng mã số vùng trồng, mã số doanh nghiệp và
liên kết giữa người nông dân, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến và xuất
khẩu nông sản, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. “Các Hiệp hội, doanh nghiệp
cần nghiên cứu phát triển sản phẩm nông sản mang nhãn hiệu kết hợp phát triển
du lịch, văn hóa. Qua đó truyền thông, quảng bá nhãn hiệu tại các hội chợ, triển
lãm; các trang thương mại điện tử để người tiêu dùng nhận diện hàng đúng nhãn
hiệu chất lượng, tránh nhầm lẫn với hàng giả mạo... ”, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lê
Thanh Hòa khuyến nghị.
Cũng về phía địa phương, Phó Phòng Kinh tế TP Đà Lạt Nguyễn Đình Thiện tiếp tục nhấn mạnh giải pháp tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về pháp luật và sở hữu trí tuệ để doanh nghiệp và người dân nắm rõ vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu Việt Nam và thế giới. Đồng thời thực hiện tốt công tác hậu kiểm, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi giả mạo thương hiệu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến quy trình bảo quản sau thu hoạch, xây dựng mối quan hệ thân thiện với người tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu. Ngoài ra tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị an toàn thực phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tăng cường khả năng xuất khẩu.
Xác định trách nhiệm để xảy
ra kinh doanh giả mạo thương hiệu
TS Dương Thái Trung, Chuyên
viên cao cấp Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương đề nghị cần quản lý chặt
chẽ nguồn cung trên địa bàn, định kỳ hàng tuần, hàng tháng, thương nhân báo cáo nhập nông sản ở đâu, của ai, loại
nông sản gì, bán cho ai, ở đâu, giá mua, giá bán, tồn kho. Công chức, viên chức
phân công quản lý thương nhân kinh doanh nông sản, nếu để xảy ra vi phạm mà
không kịp thời báo cáo, xử lý thì phải liên đới chịu trách nhiệm. Về nguồn cầu
cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến người tiêu dùng nhận diện sản lượng, chất
lượng, thời điểm thu hoạch, các địa điểm phân phối nông sản thương hiệu Đà Lạt.
Cùng với đó, TS Dương Thái Trung cũng
đưa các giải pháp bổ trợ, đó là tăng quy mô sản xuất cánh
đồng lớn; phát triển mạnh mẽ các hợp tác xã cung cấp vật tư đầu vào, bao tiêu đầu
ra để tiết giảm chi phí; áp dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ hạ giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của nông sản Đà Lạt với
nông sản nhập khẩu; giảm đầu mối trung gian, đảm bảo chất lượng nông sản vận
chuyển, sơ chế, đóng gói, tiêu thụ, từ đó tăng lợi nhuận cho các bên tham gia
góp phần phát triển thị trường tiêu thụ nông sản bền vững, kết nối cung cầu
nông sản thông qua hoạt động xúc tiến thương mại...
Đặc biệt TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt nông sản Đà Lạt với nông sản giả mạo nguồn gốc, xuất xứ. Cụ thể qua công nghệ AI, cơ quan quản lý, người tiêu dùng có thể quét bằng điện thoại thông minh để phân biệt khoai tây Đà Lạt với khoai tây Trung Quốc về hình dạng, màu sắc vỏ, ruột, số mắt trên vỏ. Ngoài ra TS Phạm S còn đề xuất đầu tư nghiên cứu bộ giống mới chất lượng và năng suất vượt trội kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất nhằm giảm giá thành bán ra, nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh của thương hiệu nông sản Đà Lạt trên thị trường nội tiêu và xuất khẩu…
thang 10/2024