Thứ Hai, 7 tháng 10, 2024

BÀI 1/Thương hiệu nông sản Đà Lạt- biểu tượng của nông nghiệp Nam Tây Nguyên

Để không còn tái diễn giả mạo nông sản Đà Lạt 

VĂN VIỆT

Nông sản gắn thương hiệu Đà Lạt được canh tác trên độ cao trung bình 1.000m đến 1.500m so với mặt biển, trở thành một lợi thế so sánh đặc biệt về chất lượng và giá trị cao của vùng nông nghiệp thành phố Đà Lạt và các huyện phụ cận thuộc tỉnh Lâm Đồng- Nam Tây Nguyên. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực phối hợp bảo vệ, nhưng trong mười năm qua vẫn tái diễn xâm phạm thương hiệu nông sản Đà Lạt, gian lận và lừa gạt người tiêu dùng bằng các hành vi, thủ đoạn tinh vi hơn của những cơ sở kinh doanh từ quy mô vừa, nhỏ đến quy mô lớn trên địa bàn. Để ngăn chặn, xử lý quyết liệt và hướng đến không còn tình trạng giả mạo thương hiệu nông sản Đà Lạt, đòi hỏi những hành động sát thực hơn, hữu hiệu hơn từ người sản xuất, phân phối, tiêu dùng đến đơn vị chuyên trách từ địa phương lên Trung ương.  

BÀI 1/Thương hiệu nông sản Đà Lạt- biểu tượng của nông nghiệp Nam Tây Nguyên

Thương hiệu "Đà Lạt" từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng của chất lượng và uy tín trong ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng - Nam Tây Nguyên. Để không ngừng phát triển thị trường nội tiêu và xuất khẩu của thương hiệu “Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, người sản xuất nông nghiệp Đà Lạt và các huyện phụ cận đã nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới về nguồn giống chất lượng cao, chuyển đổi quy trình canh tác đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Gieo chất lượng- gặt yêu thương

Với thông điệp “Gieo chất lượng- gặt yêu thương”, Công ty TNHH Trang trại Langbiang (Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đà Lạt)  “luôn xem việc nâng cao chất lượng sản phẩm là kim chỉ nam,  mang lại cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất, thân thiện với môi trường bằng chính tình yêu, sự trân trọng của mình”. Nhờ vậy qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, thương hiệu nông sản “Langbiang Farm” với vài hecta khởi nghiệp đã liên tục mở rộng đến nay hơn 30 ha từ các vùng nông nghiệp Đà Lạt sang các vùng nông nghiệp huyện phụ cận Lạc Dương, hàng năm doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng. Đây là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trong tỉnh Lâm Đồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Chứng nhận doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao lần đầu vào năm 2016; được UBND tỉnh Lâm Đồng Chứng nhận mới nhất vào tháng 7/2024, hiệu lực đến tháng 7/2029. Giám đốc thương hiệu nông sản “Langbiang Farm” Trần Huy Đường luôn “đặt tiêu chí hàng đầu về chất lượng và an toàn thực phẩm đối với tất cả nông sản tiêu thụ trên thị trường ”..

Với Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Vườn Nhà bước vào hoạt động đã chuyển đổi một phần diện tích trồng bí mì sợi giống Nhật Bản tại vùng nông nghiệp xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt đạt chất lượng cao trong điều kiện khí hậu ôn hòa, nên được thị trường đón nhận với giá thành tiêu thụ khá cao. Đặc biệt thương hiệu nông sản “Vườn Nhà Đà Lạt” đang nâng cấp 7 sản phẩm rau, củ, quả tươi từ OCOP 3 sao dự kiến lên OCOP 4 sao, đồng thời phát triển mới 3 sản phẩm chế biến rau, củ, quả OCOP xếp hạng 3 sao để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường. Bà Lương Thị Yến Vân, Giám đốc thương hiệu nông sản “Vườn Nhà Đà Lạt” chia sẻ: “Hợp tác xã chúng tôi thành lập từ năm 2019 đến nay phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ rau, củ, quả với 225 nông hộ Đà Lạt, quy mô nông hộ sản xuất ít nhất 0,7ha, cao nhất 3 ha. Với 150 mặt hàng nông sản thu hoạch, đóng gói thương hiệu Vườn Nhà hàng năm, Hợp tác xã chúng tôi cam kết nói không với chất bảo quản, nói không với thuốc trừ sâu, nói không với thuốc kích thích tăng trưởng thực vật và được trồng tại những khu vườn đất hoàn toàn sạch và nguồn nước sạch, đảm bảo được độ tươi ngon cung cấp ra tới tay người tiêu dùng…”

Thống kê chung toàn thành phố Đà Lạt, giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy hiện đạt 5.600 tỷ đồng. Trong đó sản xuất nông nghiệp công nghệ cao khoảng 3.694 tỷ đồng. Diện tích gieo trồng cây hàng năm gồm: Rau (12.057 ha, sản lượng 450.000 tấn); hoa (5.870 ha, sản lượng đạt 2,7 tỷ cành). Diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 7.240 ha, chiếm 67,3% tổng diện tích canh tác. Ngành Nông nghiệp TP Đà Lạt chiếm 15,5% cơ cấu kinh tế.

Không chỉ trở thành tài sản vô hình

Ông Nguyễn Đình Thiện, Phó Phòng Kinh tế TP Đà Lạt nhận định “ Thành phố Đà Lạt với lợi thế thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, nguồn nước dồi dào, thổ nhưỡng màu mỡ, lý tưởng cho phát triển mạnh mẽ nông sản ôn đới và á nhiệt đới đặc trưng. Thương hiệu "Đà Lạt" từ lâu đã trở thành biểu tượng của chất lượng và uy tín trong ngành nông nghiệp. Những sản phẩm mang tên "Đà Lạt" được người tiêu dùng tin tưởng, không chỉ bởi nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mà còn bởi chất lượng vượt trội; không chỉ trở thành tài sản vô hình của người dân và doanh nghiệp địa phương, mà còn là niềm tự hào chung của tỉnh Lâm Đồng…

Theo đó, trong Chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Lâm Đồng, Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam ( JICA) với Dự án “Xây mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp", đã xây dựng thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" gồm các sản phẩm rau, hoa, cà phê arabica, du lịch canh nông, được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận bảo hộ độc quyền.

Qua đó tập hợp các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận cùng xây dựng nhãn hiệu Chứng nhận “Rau Đà Lạt” trở thành một thương hiệu mạnh trên thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, thành phố Đà Lạt đang kết hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh Lâm Đồng đăng ký bảo hộ thương hiệu nông sản “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tại các nước có nền kinh tế lớn trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

(CÒN NỮA)

tháng 10/2024