Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

Trước 3 chữ “biến”- kiến tạo thế nào ?

Bài 3/ Hóa giải lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ…

VĂN VIỆT

Định canh, định cư nơi xuất phát điểm vùng sâu, vùng xa phần lớn độc canh cây cà phê thu nhập quanh năm ở mức trung bình, nhiều nông dân ở xã Phi Liêng và xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông đã tập hợp lại tìm cách bứt phá chuyển đổi sang các loại giống cây trồng “tỷ đô” chất lượng cao, hình thành diện tích quy mô lớn gắn với tiếp cận kỹ thuật sản xuất hiện đại, kiên trì “đi cùng nhau” ra thị trường cạnh tranh, hóa giải lời nguyền nông nghiệp “manh mún, nhỏ lẻ…” trên địa bàn.  

Tích tụ 15 ha mắc ca hữu cơ

Sau vài cơn mưa chiều đầu tháng 4/2023, phóng viên về 2 xã Phi Liêng và Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông vượt lên những đường dốc cao đặt chân vào khu rừng thuần loại “cây tỷ đô” mắc ca đang vào mùa thu hoạch. Ngay từ đầu cửa rừng đã mở ra tầm nhìn thẳng tắp hàng hàng cây mắc ca chiều cao từ 5m trở lên, tán phủ xanh đường kính trên dưới 6m, dưới gốc cây sạch bóng cỏ dại, thay vào đó những lớp lá mắc ca khô gom lại để chế biến thành phân hữu cơ cung cấp dinh dưỡng trở lại chính vườn cây này. Vào sâu trong rừng mắc ca càng được cảm nhận không khí trong lành, hoàn toàn không có mùi nồng nặc phát tán của thuốc bảo vệ thực vật trừ sâu và phân bón hóa học. Chủ rừng mắc ca sản xuất liên kết, anh Nguyễn Văn Nghiêm (sinh năm 1970) đưa tay “chỉ dẫn địa lý” toàn bộ diện tích mắc ca khu vực đỉnh đồi thoai thoải bên này với 4 ha trồng 12 năm; ở lưng chừng khu đồi kế tiếp có 3 ha trồng 10 năm; khu đồi nối tiếp cuối cùng phía xa xa với 8 ha trồng 7 năm và 4 năm. Cộng lại tất cả 15 ha mắc ca đang phát triển chuyên canh mô hình theo tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ.

Dạo gót dưới vòm cây xanh mắc ca còn ghi nhận những hàng gốc cây cà phê đã cưa hạ sát mặt đất, “hiện trường” đang chuyển màu đen thẫm, khô cháy. Anh Nghiêm cho biết trong năm 2020, đã huy động nhân công địa phương dùng cưa máy phá bỏ toàn bộ 4.400 cây cà phê diện tích 4 ha đang trong thời kỳ kinh doanh, nhường lại môi trường sinh trưởng chuyên canh cho cây mắc ca đang vào thu hoạch những năm đầu tiên. Trước đó hơn 10 năm, khu đồi 4 ha cà phê này tiếp nhận lần lượt những cây giống mắc ca thực sinh từ các các tỉnh Bắc Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc về chung sống xen canh thử nghiệm. Sau chừng một năm đầu xuống giống trồng, từng cây mắc ca thực sinh được nhà nông Nguyễn Văn Nghiêm tuyển chọn các giống sinh trưởng tối ưu nhất để nhân rộng xen canh hoàn thành trên 4 ha, mật độ 280 cây/ha. Bằng quy trình chăm sóc thay thế phân hóa học bằng phân chuồng, phân vi sinh, loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật để sử dụng thuốc sinh học, anh Nghiêm mở mang liên canh nâng tổng diện tích mắc ca trồng xen cà phê lên 6 ha trong vòng 2 năm kế tiếp. Và tương tự khi cây mắc ca trên diện tích mới xen canh bước vào năm tuổi thứ 8 phát tán phủ rộng trên dưới 6m, kết trái thu hoạch sản phẩm đạt yêu cầu thị trường tiêu thụ, anh Nghiêm cũng đã quyết định phá bỏ toàn bộ cây cà phê kinh doanh. Tính chung đến năm 2020, toàn bộ “cánh đồng” 15 ha mắc ca ở 2 xã Đạ K’Nàng và Phi Liêng đã hoàn thành chuyển đổi giải pháp từ sản xuất xen canh chuyển sang sản xuất chuyên canh.   

Theo bài toán của nhà nông Nguyễn Văn Nghiêm, vùng đất xã Phi Liêng và xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông với 4 ha cà phê kinh doanh vào thời điểm tháng 4/2023 thu hoạch đạt sản lượng cao nhất với 14 tấn nhân, nhân với 50.000 đồng/kg, thành tổng doanh thu 720 triệu đồng. Để “cấu thành” tổng doanh thu này, người nông dân phải đầu tư nguồn giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hạ tầng thủy lợi, hệ thống tưới, công lao động…trong thời gian 3 năm đầu tiên kiến thiết cơ bản với tổng mức vốn khoảng 750 triệu đồng. Cân đối đầu vào – đầu ra thì canh tác đến năm thứ 4 trở đi, cây cà phê thu hoạch mới dần dần hoàn lại vốn đầu tư ban đầu. Trong khi chuyên canh cây mắc ca theo hướng hữu cơ trên cùng diện tích 4 ha chỉ đầu tư năm thứ nhất 120 triệu đồng, 5 năm sau cộng thêm khoảng 400 triệu đồng, thành giá trị đầu vào 520 triệu đồng. Hạch toán thu hoạch mắc ca năm thứ 6 khoảng 10 kg/cây, năm thứ 7 tăng lên 15 kg/cây, đến nay năm thứ 10- 12, thu hoạch lên đến 20- 25 kg/cây. Trừ hết mọi khoản chi phí, cây mắc ca chuyên canh của anh Nghiêm thu lợi nhuận trong năm 2023 ít nhất 400 triệu đồng/ha.  

Tăng thu nhập và tăng độ che phủ rừng


Đáng nói qua hơn 12 năm trồng mắc ca hữu cơ quy mô lớn ở xã Đạ K’Nàng và xã Phi Liêng, huyện Đam Rông cho thấy hiệu quả thích nghi với môi trường thổ nhưỡng, khí hậu, trong đó lượng mưa hàng năm gần vừa đủ nước tưới tự nhiên, nên rất ít khi phải “dẫn thủy nhập điền” ngay cả thời điểm hạn hán gay gắt nhiều ngày trong khu vực lân cận. Đồng thời với chức năng phát triển nông lâm kết hợp, đa mục đích giá trị, cây mắc ca Phi Liêng, Đạ K’Nàng định canh đã góp phần đáng kể gia tăng độ che phủ rừng ở địa phương. Thêm vào đó, bên cạnh thu nhập vừa hạch toán sản xuất kinh doanh nói trên, nông hộ Nguyễn Văn Nghiêm còn tích hợp giá trị sản phẩm mắc ca qua công đoạn sơ chế, chế biến cung cấp cho thị trường tiêu thụ mỗi năm 30 tấn nguyên liệu hạt tươi thu hoạch trên 6 ha diện tích sản xuất hữu cơ của mình và 6 ha của 2 nông hộ liên kết trên địa bàn. “Trước xu thế tiêu dùng sản phẩm mắc ca hữu cơ sản xuất chuyên canh quy mô lớn của các nông hộ liên kết ở 2 xã Đạ K’Nàng và Phi Liêng, huyện Đam Rông đang ngày càng phát triển trên thị trường các vùng miền trong cả nước, bởi vậy nhà nông chúng tôi có đủ niềm tin để mở rộng diện tích lớn hơn nữa theo chuỗi giá trị gia tăng trong thời gian tới.”, nhà nông Nguyễn Văn Nghiêm nhận định.

Nói thêm về dự tính, dự báo liên canh những “cánh đồng” mắc ca mới trong chiến lược lâu dài, chủ Cơ sở chế biến mắc ca Dung Hội, anh Phan Văn Hội chia sẻ rằng, các hộ trong chuỗi liên kết 15 ha mắc ca mô hình hữu cơ đã và đang tiếp xúc trao đổi kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật cho những hộ sản xuất xen canh và chuyên canh quy mô lớn ngoài mô hình. “Hy vọng khi có đủ thời gian tiếp cận quy trình mới, vùng nông nghiệp Phi Liêng, Đạ K’Nàng sẽ nhân rộng mô hình liên kết 15 ha mắc ca hữu cơ của chúng tôi để hình thành thêm nhiều “cánh đồng mẫu” mắc ca hữu cơ mới, tích hợp đa giá trị, tăng nhanh thu nhập làm giàu cho người nông dân định canh, định cư nơi trước đây gọi là vùng sâu, vùng xa, nhiều thiếu thốn, khó khăn…”, anh Phan Văn Hội nhận định với tư cách là người chủ trì mô hình điểm sản xuất 15 ha mắc ca hữu cơ.

Ông Trần Văn Tuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đánh giá mô hình sản xuất mắc ca hữu cơ triển khai tại Cơ sở Mắc ca Dung Hội, huyện Đam Rông quy mô 15 ha  với 4 hộ tham gia thuộc 1 trong 5 mô hình điểm trong tỉnh Lâm Đồng. Trong đó kinh phí nhà nước hỗ trợ một phần vật tư, phân bón và thuốc sinh học, tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc mắc ca cho các hộ làm theo.

“Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng 11 mô hình sản xuất hữu cơ để người dân trong vùng tiếp cận và từng bước nhân rộng. Tuy nhiên so với tiềm năng thì diện tích nông nghiệp hữu cơ tại Lâm Đồng chưa nhiều, vẫn còn hiện trạng sản xuất manh mún và nhỏ lẻ...”, ông Trần Văn Tuận nói.  

THÁNG 4/2023

*BÀI 4/ Kiến tạo đột phá trên “3 trụ cột”