Thứ Hai, 17 tháng 4, 2023

Tam nông nhìn đến năm 2030

VĂN VIỆT

Để đạt và vượt chỉ các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, toàn tỉnh Lâm Đồng tăng cường huy động tối đa các nguồn lực từ ngân sách nhà nước kết hợp với nguồn lực xã hội hoá; đặc biệt có những chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, tạo sinh kế việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo ngành chức năng, triển khai chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân (tam nông) đến năm 2030, toàn tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đạt tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân 4 - 4,5%/năm, chiếm tỷ lệ hơn 32 % trong cơ cấu kinh tế. Trong đó tăng bình quân năng suất lao động 5,5 - 6%; giá trị sản xuất đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm.

Ở khu vực công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu tăng trưởng bình quân trên 10%/năm. Giá trị xuất khẩu hàng năm tăng bình quân từ 10 - 12%; kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 800 triệu USD, tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chế biến, chế biến sâu đạt trên 35%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 50%; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 75%. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp 2,5 - 3 lần năm 2020. Giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên 1,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số bằng ít nhất 75% bình quân toàn tỉnh; hàng năm thu hút 3 - 5% lao động vùng dân tộc thiểu số chuyển sang làm việc phi nông nghiệp.

Ngoài ra, toàn tỉnh phấn đấu 100% công trình thủy lợi trọng điểm được khởi công; cứng hóa 100% đường trục thôn xóm và trên 90% đường trục chính nội đồng; 75% diện tích canh tác được tưới; trên 40% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên 50%, xã nông thôn mới kiểu mẫu 20-25% và có 4 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý trên 80%. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định trên 55%.

Với các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030 nêu trên, giải pháp trọng tâm trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Lâm Đồng là cơ cấu lại cây trồng có lợi thế cạnh tranh như cây rau, hoa, cây ăn quả, cây đặc sản, cây dược liệu. Đồng thời tập trung chuyển đổi, giảm tỷ lệ diện tích thu nhập dưới 50 triệu đồng/ha/năm còn 3%; ổn định vùng trồng lúa từ 14.000 ha đến 15.000 ha. Tiếp tục tái canh, cải tạo giống cà phê già cỗi, nhân rộng diện tích cà phê theo tiêu chuẩn bền vững, năng suất đạt 36 tạ/ha và giá trị sản xuất bình quân đạt trên 154 triệu đồng/ha; chú trọng trồng xen cây ăn quả, cây đa mục đích đạt trên 50% diện tích cà phê. Đặc biệt cây rau, hoa mở rộng diện tích canh tác tại các huyện có điều kiện sản xuất phù hợp như: Lạc Dương, Đam Rông, Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm. Trong đó, tăng cường ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn; khuyến khích chuyển đổi sang canh tác ngoài trời với các giống cây trồng mới phù hợp, đạt hệ số sử dụng đất ở mức 3,0 đến 3,5, giá trị sản xuất bình quân tăng lên 6 tỷ đồng/ha/năm. Riêng cây dâu tằm ổn định diện tích từ 13.000 ha đến 15.000 ha; cây dược liệu phát triển dưới tán rừng; hỗ trợ xây dựng và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến tinh chế dược liệu…

Ngoài ra với cây ăn quả, cây đặc sản mang tính đặc hữu của vùng như sầu riêng, bơ, chuối, chanh leo, hồng, dâu tây…tập trung phát triển trên cơ sở chuyển đổi các diện tích sản xuất kém hiệu quả, vườn tạp, mở rộng diện tích trồng xen canh với cây công nghiệp; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá quy mô lớn gắn với xây dựng phát triển thương hiệu, quản lý, bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nông sản trên thị trường trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý; hỗ trợ cấp chứng nhận chất lượng, ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến, bảo quản, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của các thị trường xuất khẩu truyền thống và các thị trường mới...

Đáng kể đến năm 2030, toàn tỉnh có 3.000 ha canh tác thông minh và 60% đàn vật nuôi được chăn nuôi theo quy trình tự động hóa; có 50% diện tích cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng; trên 200 cơ sở sản xuất nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc khi đưa ra thị trường; 100% các sản phẩm sử dụng thương hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được số hóa toàn bộ quá trình quản lý sản xuất và giám sát chất lượng. 

Ngành chức năng Lâm Đồng cho biết thêm giải pháp toàn diện ở đây là: “Đẩy nhanh ứng dụng chuyển đổi số vào nông nghiệp, nông thôn; đồng bộ trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất từ khâu chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đến khâu kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm; ưu tiên phát triển trên các nhóm cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao như rau, hoa, bò sữa…”

THÁNG 4/2023