Thứ Năm, 27 tháng 4, 2023

Đà Lạt có làng nấm hữu cơ

VĂN VIỆT

Dịp 30/4 năm nay, Làng Nấm Đà Lạt ở thôn Măng Lin, phường 7 với tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vừa được cấp Chứng nhận trên diện tích 5 ha, đón khách tham quan trải nghiệm mới lạ về sản xuất tuần hoàn, thu hái và thưởng thức đa dạng sản phẩm nấm đặc trưng so sánh của vùng đất “kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Người sáng lập Làng Nấm Đà Lạt Phạm Minh Hoa đưa phóng viên hòa nhập vào đoàn khách du lịch khỏang hơn 20 người đến từ vùng Đông Bắc và Đông Nam Bộ để thuyết minh, hướng dẫn trải nghiệm hơn một buổi sáng đầu tháng 4 này. Thay vì đến khu vực sản xuất nấm đầu tiên, chị Hoa đưa khách đi vòng vào khu vườn hoa arapang xanh biếc và ngọt ngào trong khuôn viên sườn dốc trên cao. Dừng lại bên từng gốc hoa, luống hoa, du khách được chị Hoa giới thiệu các lớp đất dinh dưỡng nuôi gốc rễ và bung nở những khối cầu hoa chính là nguồn giá thể của các loại nấm hữu cơ đặc hữu ở đây sau thu hoạch. Đi xuôi xuống đoạn dốc vòng quanh chừng trăm mét nữa, khu vườn đa canh các lại rau atiso, cải kale, cà chua, xá lách, poa xôi, hành poarô, ngò tây, cải cầu vồng…đón khách trong không gian trong lành vì không có “hiện diện” phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Qua sát cận cảnh trên thân, lá cây rau, du khách nói chung, du khách là học sinh nói riêng khá thích thú chứng kiến những con sâu và nhiều loại côn trùng khác bị chết nhanh sau khi xâm nhập vào đây. Chị Hoa giải thích “Tận dụng bã nấm ủ hoai mục với men vi sinh Nhật Bản thành sản phẩm phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, Làng Nấm Đà Lạt bón trở lại lại phục vụ sản xuất, khép kín quy trình hữu cơ tuần hoàn, tăng sức đề kháng tự nhiên của  các loại cây trồng, khiến các loài sâu bọ, côn trùng không còn môi trường để gây hại…”  

Cũng theo chủ nhân Phạm Minh Hoa, “thức ăn” cho các loại nấm trong Làng Nấm Đà Lạt bao gồm phụ phẩm ngành nông nghiệp như rơm rạ, bã mía hay ngành công nghiệp như: mùn cưa cao su, bông gòn sẽ được lên men bằng xạ khuẩn. Sau khi thu hoạch, những giá thể trồng nấm được lên men lần nữa và trở thành phân bón hữu cơ giàu đạm cho tất cả cây rau, hoa trong vườn. Làng Nấm Đà Lạt hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hay thuốc trừ cỏ ở trên tất cả các khu đất canh tác. Bởi vậy “Việc bón phân cho rau, hoa bằng bã nấm giúp tạo môi trường sống cho giun, côn trùng có lợi và các loài vi sinh vật khác trong đất… Sự sinh sôi, phát triển đa dạng của các loài sinh vật giúp môi trường đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, tránh thay đổi pH và thoái hóa...”, chị Hoa phân tích thêm.

Cụ thể từng loại phụ phẩm mùn cưa cao su, bông gòn, rơm rạ, bã mía vừa nêu, Làng Nấm Đà Lạt tác động các giải pháp công nghệ ủ lê men đến 90 ngày tạo thành giá thể oai mục như lớp tầng nền dưới tán rừng tự nhiên, sau đó đưa vào nuôi trồng hơn 10 loại nấm khác nhau thích nghi với môi trường khí hậu ôn hòa Đà Lạt. Nguồn giống hơn 10 loại nấm được tuyển lựa từ các viện nghiên cứu thế giới, trong nước sản xuất và khai thác trong các khu rừng tự nhiên Lâm Đồng. 

Chị Hoa tiếp tục thuyết minh và hướng dẫn du khách thu hái từng loại nấm trong từng khu vực sản xuất ở đây. Này đây những cây nấm hoàng kim bung từng lớp nhánh vươn cao tua tủa, công dụng ổn định huyết áp, bổ sung protein, giảm cholesterol trong máu… Phía đối diện là những hàng nấm hầu thủ thơm nồng hỗ trợ điều trị ung thư, tiểu đường, tiêu hóa, cải thiện hệ thần kinh… Phía bên kia là không gian nấm notaky màu xám gỗ hỗ trợ điều trị ung thư, tim mạch, tiêu hóa chống oxi hóa….Và kéo dài trên tổng diện tích 5 ha của Làng Nấm Đà Lạt là các khu vực nhà nối tiếp nhà quây quần các “công dân” nấm gọi tên hồng chi, hồng ngọc, tú trân, bào ngư đuôi phượng, hương Langbiang…đều đạt chuẩn hữu cơ, hàm lượng dược tính cao có chức năng thực phẩm nâng cao đề kháng, bảo vệ sức khỏe con người.

Anh Nguyễn Thành Chung (sinh năm 1981) đến từ Hạ Long cảm nhận sau một vòng tham quan Làng Nấm Đà Lạt: “ Lần đầu tiên trải nghiệm Làng Nấm Đà Lạt với không gian sắp đặt, bài trí khoa học, thể hiện tâm huyết, chuyên môn sâu trong lĩnh vực nuôi trồng nấm hữu cơ. Trong đó ấn tượng nhất là việc sử dụng, phối trộn giá thể mùn cưa cao su, bông gòn, bã mía để nuôi trồng nấm trong môi trường không tưới nước. Rồi thu hoạch xong mỗi lứa nấm, toàn bộ khối lượng giá thể đưa vào trồng rau, hoa và các cây trồng khác, trở thành một vòng tuần hoàn canh tác hữu cơ, bảo vệ môi trường xanh tự nhiên của thành phố hoa Đà Lạt…”

 Đến thời điểm tháng 4/2023, Làng Nấm Đà Lạt thu hoạch mỗi ngày hàng trăm ký nấm hữu cơ các loại, một phần chế biến tươi tại chỗ theo nhu cầu sử dụng của khách tham quan; phần lớn đưa vào chế biến khô theo công nghệ sấy lạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Chủ nhân Phạm Kim Hoa cho biết, hiện “công năng” của Làng Nấm Đà Lạt chỉ phục vụ tối đa mỗi ngày 200 khách đặt trước. Số lượng khách được phục vụ sẽ tăng lên theo tỷ lệ thuận tăng nguồn nhân lực phục vụ của Làng Nấm Đà Lạt theo nhu cầu ngày càng cao của du khách khắp nơi.

THÁNG 4/2023