Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

Chuyển dịch sản xuất theo chiều sâu

VĂN VIỆT

Trong gần 3 năm vừa qua, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, chuyển dịch sản xuất theo hướng tăng đầu tư theo chiều sâu để phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao trên địa bàn.

Chuyển đổi hơn 40.547 ha cây trồng các loại

Thống kê từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã chuyển đổi hơn 40.547 ha cây trồng các loại. Trong đó cây cà phê tái canh ghép cải tạo (gần 19.193 ha), trồng mới (175 ha); chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả (gần 7.608,7 ha); cây điều trồng tái canh, ghép cải tạo (382,6 ha), chuyển đổi diện tích kém hiệu quả (3.861,7 ha);chuyển đổi trên đất khác (9.326,5ha). Đến nay toàn tỉnh đạt 65.308 ha diện tích sản xuất đạt tiêu chí công nghệ cao, tăng 5.080 ha so với năm 2020.  Đặc biệt đã công nhận mới 5 vùng và 5 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mức độ ứng dụng công nghệ cao khá đa dạng như: 46.920 ha tưới tiên tiến tiết kiệm nước; 718 ha rau, hoa trên giá thể; 160 ha nhà kính nhập khẩu với công nghệ hiện đại tích hợp được các công nghệ thông minh trên thế giới có giá trị đầu tư trên 1 triệu USD/ha; 700 ha nhà kính công nghệ màng PE 3-5 lớp có tác dụng chống tia UV, khuếch tán ánh sáng, chống bám bụi và độ bền cao; 56 cơ sở nuôi cấy mô thực vật (trên 636 box cấy) hàng năm với công suất hơn 72,3 triệu cây giống các loại; gieo ươm giống rau, hoa đã được cơ giới hóa từ khâu rửa vỉ, đóng giá thể vào vỉ và gieo hạt bằng máy cho năng suất lao động tăng gấp 5 - 7 lần so với làm thủ công. Nhiều loại phân bón thế hệ mới (công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh, ...) được ứng dụng trong canh tác thủy canh, trồng trên giá thể...Qua đó diện tích sản xuất kém hiệu quả còn 45.224,2 ha; giảm 10.607,4  ha so với năm 2020.

« Nông nghiệp thông minh có bước phát triển mạnh mẽ về quy mô cây trồng, vật nuôi giúp người sản xuất thiết lập dữ liệu trên phần mềm điện tử đối với các yếu tố vi khí hậu, môi trường, dinh dưỡng của cây trồng, chip điện tử theo dõi sức khỏe vật nuôi...;đồng thời giám sát và điều khiển bằng hệ thống cảm biến IoT. Ứng dụng công nghệ thông minh giúp cây trồng, vật nuôi sinh trưởng tối ưu cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn, góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp của tỉnh…”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng nhận định.  Theo đó toàn tỉnh có trên 456 ha ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ số, giảm 10-20% lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; giảm 30-50% lượng nước tưới và nhân công lao động; tăng thêm lợi nhuận 15-20%. Đồng thời qua khảo sát toàn tỉnh xác định 171 vùng đủ điều kiện sản xuất hữu cơ với diện tích 18.980 ha, các địa phương đã tổ chức xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp đối với từng vùng, từng địa phương và từng loại cây trồng, vật nuôi.

Giá trị sản xuất bình quân 260 triệu đồng/ha/năm

Gắn cơ cấu cây trồng với cơ cấu các loài vật nuôi chủ lực như bò sữa, bò thịt cao sản, heo, gia cầm, tằm, toàn tỉnh đã từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng trang trại chăn nuôi quy mô lớn theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ, bảo vệ môi trường sinh thái; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Kết quả đạt các tỷ lệ đàn bò sữa thuần trên 90%, đàn bò lai đạt trên 78%, giống heo ngoại và heo lai đạt trên 95%. Trong cơ cấu giá trị sản xuất nội bộ ngành chăn nuôi, đàn trâu bò chiếm 16%, đàn heo chiếm 36%, đàn gia cầm chiếm 38% và chăn nuôi động vật khác chiếm 10%...

Đến nay, diện tích đất sản xuất kém hiệu quả (dưới 50 triệu đồng/ha/năm) giảm từ 18,6% xuống còn 15%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt tăng bình quân từ 10% mỗi năm, đạt giá trị 234,5 triệu đồng/ha. Trên cơ sở này, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục phấn đấu đến năm 2025, đạt giá trị sản xuất bình quân 260 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, diện tích kém hiệu quả giảm còn khoảng 15.000 ha. Đặc biệt có ít nhất 75.000 ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao, bao gồm 1.000 ha nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn; 2.500 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Giải pháp trọng tâm, trọng điểm triển khai đến năm 2025 của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng là: Đối với sản xuất rau, hoa mở rộng diện tích tại các huyện phụ cận có điều kiện sản xuất phù hợp như Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm. Tiếp tục đầu tư phát triển vùng lúa đặc sản tại các huyện phía Nam của tỉnh, tăng cường đầu tư thâm canh để tăng năng suất với các giống có năng suất cao, chất lượng tốt đã qua khảo nghiệm. Cây công nghiệp dài ngày cần tiếp tục đầu tư các giống mới có năng suất chất lượng cao và thực hiện tốt kế hoạch tái canh cây cà phê, đầu tư thâm canh, xen canh hợp lý trên cây chè, dâu, cây ăn quả; việc hình thành nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu, việc đầu tư phát triển công nghệ chế biến, tinh chế  nông lâm sản phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung nhằm nâng cao tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển đàn bò sữa, bò thịt chất lượng cao, phát triển đàn heo hướng nạc, nuôi cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao; khôi phục đàn gia súc, gia cầm, tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, an toàn vệ sinh phòng dịch...

tháng 4/2023