Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

Trước 3 chữ “biến”- kiến tạo thế nào ?

 

BÀI 2/ Đồng bộ đưa dữ liệu “rau lên trời”  

VĂN VIỆT

Triển khai các chính sách khuyến khích hỗ trợ kết hợp với vận động tuyên truyền, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã và đang tạo điều kiện cho ngày càng nhiều nhà nông thay đổi tư duy và thực hành canh tác quy mô tập trung ứng dụng đồng bộ từ công nghệ cao đến công nghệ thông minh, trong đó toàn bộ dữ liệu cây rau chất lượng cao các loại đều đưa lên trên trời lưu trữ thành công trên đám mây điện toán để điều khiển chăm sóc hàng giờ, hàng ngày theo lập trình.

“Rau lên trời” hơn “lúa mặt đất” hàng chục lần thu nhập

Khoảng mười năm trở về trước, khu vực Kim Phát, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng có chừng 10 ha diện tích lúa 1 vụ kém hiệu quả đưa vào chương trình hỗ trợ nhà nông chuyển đổi cây trồng giá trị kinh tế cao hơn. Qua thời gian tiếp cận với các nguồn giống nhập khẩu chất lượng cao, hệ thống giải pháp sản xuất hiện đại, nhà nông Nguyễn Như Thủy (sinh năm 1975) đã tiên phong cùng với một số nhà nông khác ở địa phương đưa giống ớt chuông về trồng trên diện tích đất lúa đang canh tác bằng các giải pháp lạc hậu. Thay vì triển khai trên từng phần diện tích nhỏ một vài trăm mét vuông như trước đây, nhà nông Nguyễn Như Thủy mạnh dạn đầu tư nguồn vốn đáng kể xây dựng một căn nhà kính công nghệ cao hoàn chỉnh trên tổng diện tích 12.000m2, xuống giống đồng loạt cây ớt chuông có nguồn gốc từ châu Âu vào năm 2015. Bên trong lắp đặt các hệ thống tưới nước phun mưa và nhỏ giọt cùng các hệ thống lưới đóng - mở để ngăn chặn côn trùng, điều hòa nhiệt độ, ánh sáng cho cây sinh trưởng. Kết quả sau 3 năm đầu tiên trồng ớt chuông công nghệ cao, nhà nông Nguyễn Như Thủy đã bứt phá tăng thu nhập hàng chục lần so với trồng lúa. Tuy nhiên đây chỉ dừng lại ở giai đoạn xuất phát để nhà nông Nguyễn Như Thủy tiếp tục thử thách với các giải pháp nông nghiệp thông minh để đưa cây trồng lên điện toán đám mây.

Nhà nông Nguyễn Như Thủy đánh giá việc chuyển đổi trồng lúa thông thường sang trồng ớt chuông công nghệ cao đã vận hành phần lớn máy móc, thiết bị thay thế sức lao động giản đơn. Như tưới nước cho cây ớt chuông không phải “dẫn thủy nhập điền” như cây lúa mà chỉ cần bật - tắt cầu dao nguồn điện hàng ngày. Thời gian tưới ở đây tùy thuộc vào quan sát trạng thái của cây, môi trường, độ ẩm của đất trong nhà kính và kinh nghiệm dự báo thời tiết trong 24 giờ tới. Đến khi kết nối internet vạn vật (IoT) với đồng bộ các thiết bị cảm biến thì từng giây, từng phút, từng giờ sinh trưởng của cây trồng đều tích hợp dữ liệu lên đám mây để làm cơ sở dự báo, khuyến cáo điều khiển các chế độ chăm sóc thích ứng, mang lại hiệu quả tối ưu nhất.

Cụ thể chức năng từng thiết bị thông minh cập nhật đưa dữ liệu trong vườn ớt chuông 12.000m2 của nhà nông Nguyễn Như Thủy lên đám mây điện toán gồm: lượng nước tưới nhỏ giọt kết hợp với châm phân trực tiếp từng bộ rễ cây; lượng nước cây trồng hấp thu và lượng nước thoát ra từ giá thể; dự báo nắng, mưa, gió, bão bên ngoài nhà kính; nhận dạng, giám sát các thông số độ ẩm không khí, độ ẩm của đất, cường độ ánh sáng, nhiệt độ trong nhà kính sản xuất…Tất cả thiết bị thông minh kết nối, tương tác đồng bộ chăm sóc cây trồng các loại nói chung, cây ớt chuông của nhà nông Nguyễn Như Thủy nói riêng với mỗi vụ kéo dài 9 tháng trên diện tích 12.000m2, đạt sản lượng thu hoạch khoảng 150 tấn. Sau khi trừ tất cả mọi chi phí đầu tư, khấu hao, ước tính thu về lợi nhuận trong năm qua hơn 1,5 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với sản xuất thông thường, chưa kể giảm 5 nhân công lao động với mức lương bình quân 7- 8 triệu đồng/người/tháng.    

“Tính theo thời giá đầu năm 2023 trên diện tích trồng ớt chuông 12.000m2, hộ gia đình chúng tôi đầu tư vận hành hệ thống thiết bị cảm biến cùng với vật tư, dây chuyền máy móc phụ trợ khoảng 350 triệu đồng. Hệ thống này kết nối chiếc điện thoại thông minh để tương thích chăm sóc cây trồng tại bất kể vị trí nào có mạng internet. Nhờ bên cung cấp, lắp đặt thiết bị kết hợp với hướng dẫn thực hành, nên chỉ qua một vài ngày đầu sử dụng đã dần làm quen với công nghệ thông minh này…”, nhà nông Nguyễn Như Thủy bộc bạch.

Mỗi hộ đưa lên đám mây 1- 6 ha rau

Đại diện bên cung cấp thiết bị cảm biến đưa cây trồng lên đám mây điện toán, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mimosa Technology Phạm Xuân Bách cho biết, công ty này có trụ sở chính tại Thủ Đức, TPHCM qua hơn 5 năm mở Chi nhánh hoạt động tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương đã sản xuất, thiết kế lắp đặt và hướng dẫn sử dụng hệ thống internet kết nối vạn vật cho khoảng 500 khách hàng, chiếm phần lớn quy mô sản xuất từ 1ha đến 6ha. Trong đó trồng các loại rau ớt chuông, cà chua, dưa leo baby…tại vùng nông nghiệp Đơn Dương chiếm tỷ lệ 50%, Đà Lạt chiếm 30%, Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương 30%. Bước đầu trong một năm  vừa qua, công ty còn thực hiện có kết quả vai trò đầu mối liên kết thu mua mỗi ngày trên dưới 3 tấn rau của nông hộ sản xuất IoT các vùng nông nghiệp này với giá tốt hơn giá thị trường trong cùng một thời điểm.

“Công ty TNHH Mimosa Technology thành lập từ năm 2014 tập hợp đội ngũ kỹ sư điện tử, kỹ sư nông nghiệp trẻ trong nước nghiên cứu chế tạo kết hợp lắp ráp các linh kiện điện tử nhập về từ Mỹ, Đức, hoàn chỉnh các dòng sản phẩm thương mại kết nối internet vạn vật từ cuối năm 2017. Chuyển giao các dòng sản phẩm thông minh này đến với nhà nông Nguyễn Như Thủy nói trên với kinh nghiệm 20 năm trồng ớt chuông theo giải pháp thông thường, công ty chúng tôi phối hợp ngành nông nghiệp huyện Đức Trọng hướng dẫn từng thao tác cảm ứng trên điện thoại thông minh để nhận dạng các dữ liệu cây trồng trên điện toán đám mây, điều khiển các lệnh chăm sóc tương ứng với hiệu quả tối ưu nhất… ”, kỹ sư điện- điện tử Phó Giám đốc Phạm Xuân Bách kể lại.

Đến nay, từ bỡ ngỡ, lúng túng những ngày đầu tương tác các thiết bị đưa cây trồng lên đám mây điện toán, nhà nông Nguyễn Như Thủy đã góp phần trao đổi, chuyển giao kỹ thuật thông minh cho 10 nhà nông trong khu vực xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng áp dụng tăng năng suất và giá trị thu nhập trên mỗi hecta cây trồng từ 20% trở lên. Kết nối với phóng viên, nhà nông Nguyễn Như Thủy bày tỏ: “ Giải pháp quản lý tưới kết hợp phân bón tự động đã tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí nhân công. Đặc biệt hệ thống cảm biến kiểm soát độ pH trong đất và độ EC quản lý dưỡng chất nước tưới chặt chẽ hơn, sản lượng tăng lên nhiều. Ứng dụng chăm sóc cây trồng trên điện thoại di động cả khi cả tuần bận việc không trực tiếp xuống vườn vẫn quản lý được… ”

Với sứ mệnh nâng tầm kinh nghiệm làm nông truyền thống trên nền tảng kết nối internet vạn vật quy mô canh tác tập trung chủ yếu diện tích mỗi nông hộ từ 1 ha trở lên trong năm 2023, Công ty TNHH Mimosa Technology- Chi nhánh huyện Đơn Dương bắt đầu áp dụng chính sách trả góp thiết bị đầu tư IoT, bán phân bón trả chậm không thế chấp để đạt mục tiêu tăng thêm 100 khách hàng nhà nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng...

Nhìn xa hơn với chủ doanh nghiệp 30 ha rau, hoa thương hiệu Langbiang Farm Trần Huy Đường thì “chuyển đổi số rất cần liên doanh, liên kết trên cánh đồng lớn. Phần lớn dữ liệu cây trồng, mùa vụ, diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng, dịch hại theo thời gian lưu trữ qua smartphone của từng hộ nông dân. Bởi vậy các quy trình sản xuất, giống, phân bón, vật tư đầu vào, thị trường nông sản đầu ra…cần có những phần mềm số hóa miễn phí cho nông dân…”

 THANG 4/2023

BÀI 3/ Hóa giải lời nguyền “manh mún, tự phát…”