Bài 2/ Nhìn từ 3 yếu tố với 5 bài học kinh nghiệm
VĂN
VIỆT
Đánh giá tổng quan từ khi thực hiện Nghị quyết 05, ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng đến nay, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã chủ động tiếp cận, xây dựng và triển khai đồng bộ 3 yếu tố hiện đại, toàn diện, bền vững, kết tinh thành thương hiệu hàng hóa giá trị cao trong khu vực Đông Nam Á.
Đạt 6 chỉ tiêu phát
triển nông nghiệp hiện đại, toàn diện, bền vững
Đi vào thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/11/2016 của Tỉnh uỷ Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp hiện đại, toàn diện bền vững đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định phân công nhiệm vụ cụ thể từng sở, ban, ngành, địa phương, trong đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng là đơn vị chủ trì, tham mưu. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã trình HĐND tỉnh Lâm Đồng ban hành 9 Nghị quyết và 5 văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành xây dựng và phê duyệt 11 chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ Ngân sách tỉnh Lâm Đồng và lồng ghép nguồn vốn từ Trung ương để tạo nguồn lực thực hiện.
Xác định nhiệm vụ phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại là công tác trọng tâm, các huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng sau đó đều đã ban hành chương trình hành động nhằm phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương, đồng thời bố trí nguồn lực tương xứng để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất của ngành theo đúng tinh thần Nghị quyết 05 này.
"Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các nội dung Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, các chủ trương, định hướng, nhiệm vụ của UBND tỉnh Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại được các sở, ngành, UBND các huyện thực hiện thường xuyên, liên tục trên địa bàn. Nhờ đó, các chủ trương, cơ chế chính sách trong phát triển nông nghiệp được cán bộ công chức, viên chức, doanh nghiệp, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cụ thể hóa thành các nhiệm vụ chuyên môn được giao và đưa vào thực tiễn sản xuất ngày càng đạt hiệu qua cao hơn...”, nhận định ban đầu của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng.
Kết quả thống kê sơ bộ,
ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã đạt 6 chỉ tiêu quan trọng sau 6 năm triển khai
Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp hiện đại, toàn diện,
bền vững trên địa bàn. Cụ thể tốc
độ tăng trưởng bình quân đạt 4,56%/năm; cơ cấu kinh tế chiếm 40,38%; cơ cấu trồng
trọt 80,6%, chăn nuôi 17,1%, dịch vụ 2,3%. Tổng diện tích canh tác nông nghiệp
khoảng 300.000 ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao 63.108 ha; ước đạt trên 35%
giá trị sản xuất toàn ngành. Liên kết sản xuất an toàn 182 chuỗi liên kết với 18.386
hộ tham gia; sản phẩm tiêu thụ qua chuỗi đạt khoảng 12% sản lượng nông sản toàn tỉnh,
tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng đạt khoảng 45%. Tỷ lệ diện tích
canh tác được tưới 66%; trong đó, diện tích tưới tiết kiệm đạt 38.500 ha. Đến đầu
năm 2022, tỷ lệ diện tích sản xuất dưới
50 triệu đồng/ha/năm xuống còn 16,5%. Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đạt 1.500 doanh nghiệp,
kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 320 triệu USD. Lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp chiếm tỷ lệ 55%...
Tiệm cận với nền nông nghiệp hiện đại
Đáng kể toàn tỉnh Lâm Đồng, mỗi năm có 118 doanh nghiệp chế biến khoảng 44.212 tấn rau, củ, quả; 167 công ty chế biến 39.500 tấn chè thành phẩm/năm, 65 cơ sở chế biến 10.000 tấn rau, củ, quả; 26 doanh nghiệp và 250 cơ sở sơ chế biến cà phê quy mô hộ gia đình với công suất khoảng 300.000 -320.000 tấn cà phê nhân; 168 cơ sở rang xay cà phê bột; 88 cơ sở chế biến trái cây các loại với sản lượng 11.000 tấn thành phẩm; 2 công ty chế biến điều với quy mô 3.100 tấn thành phẩm; 31 cơ sở và doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến mắc ca 883 tấn; 207 cơ sở chế biến thực phẩm thịt và các sản phẩm từ thịt, 2 nhà máy chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa. Tỷ lệ nông sản qua sơ chế đạt 67%; chế biến đạt trên 21%.
Từ kết quả trên, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã nhìn nhận yếu tố hiện đại thể hiện qua trình độ canh tác, ứng dụng khoa học công nghệ thông
minh, công nghệ số phát triển mạnh mẽ trong tất cả các khâu của sản xuất từ quy
trình theo dõi, cảnh báo thời tiết; kiểm soát tiểu khí hậu, dinh dưỡng, đến truy
xuất nguồn gốc, quản lý sản phẩm..., từng bước tiệm cận với các nền nông nghiệp
hiện đại trên thế giới. Tiếp theo yếu tố toàn diện thực hiện trong giai
đoạn vừa qua, các tiểu ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, dịch vụ trong
nông nghiệp đã phát triển tương đối đồng đều, rút ngắn khoảng cách giữ hai
ngành chủ lực là trồng trọt và chăn nuôi. Các vùng sản xuất hàng hóa tập trung
tiếp tục được củng cố, hoàn thiện gắn chặt với công nghiệp chế biến sau thu hoạch;
hình thành nhiều mô hình trung tâm sau thu hoạch; thu hút đầu tư chế biến nông
sản quy mô lớn. Còn lại yếu tố bền vững trong quan hệ
sản xuất trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới; các hình thức liên kết trong
sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và người sản xuất;
tỷ lệ nông sản được tiêu thụ qua hợp đồng và các hình thức liên kết tăng mạnh. Sản xuất an toàn thực phẩm
được quan tâm cải thiện với các chỉ số vượt ngưỡng an toàn cho phép trong nông
sản của tỉnh chiếm tỷ lệ thấp, diện tích sản xuất đạt chứng nhận có chiều hướng
tăng.
Đồng thời ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đúc kết thành 5 bài học kinh nghiệm tiếp tục phát triển hiện đại, toàn diện, bền vững cho giai đoạn năm 2022- 2025. Thứ nhất, việc ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thứ hai, tích cực huy động và lồng ghép các nguồn lực từ Nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác vào phát triển nông nghiệp. Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xác định loại hình công nghệ, mức độ áp dụng phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, từng chủng loại cây trồng; đồng thời đảm bảo hài hòa giữa hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường, cảnh quan. Thứ tư, liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi và công nghiệp chế biến. Thứ năm, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước, công nghệ, tuyên truyền vận động để giải quyết và khắc phục các nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng tới môi trường...
THÁNG 10/2022