VĂN VIỆT
Những năm gần đây với chi nhánh hoạt động tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, Công ty TNHH Mimosa Technology (Thủ Đức, TPHCM) đã đồng hành cùng nhà nông trong tỉnh Lâm Đồng mở rộng diện tích ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số canh tác cây trồng, đạt kết quả ghi nhận về năng suất và chất lượng sản phẩm thu hoạch.
Đến nay, nhà nông Bùi Ngọc Cung (sinh năm 1971) ở xã Lạc Lâm,
huyện Đơn Dương với diện tích trồng ớt chuông hơn 1 ha nhà kính đang trở thành điểm
đến trao đổi về giải pháp kết nối internet vạn vật (IoT) của nhà nông địa phương.
Ông Cung kể lại, để lập trình các lệnh chăm sóc ớt chuông từ điện thoại thông
minh, ông Cung đã tìm đến Công ty TNHH Mimosa Technology (thương hiệu MimosaTEK)
và được tư vấn, lắp đặt, chuyển giao kỹ thuật vận hành đồng bộ từ hệ thống cảm biến
vi khí hậu, đo độ ẩm của đất đến hệ thống tưới nước nhỏ giọt, châm phân tự động
bố trí các khu vực tương thích trên khu vườn ớt chuông của mình.
Theo đó, dựa trên dữ liệu cập nhật về thời tiết, nhiệt độ, ánh
sáng, độ ẩm của đất từ hệ thống cảm biến, ông Cung cài đặt các chế độ tưới nhỏ
giọt kết hợp với châm phân tự động, đạt hiệu quả tối ưu nhất mỗi ngày. Trung bình
mỗi lần tưới kéo dài khoảng 4 phút. Thời tiết không mưa, tưới mỗi ngày 8- 10 lần;
thời tiết mưa, tưới mỗi ngày 4- 5 lần. “Trước khi lắp đặt hệ thống kết nối vạn
vật của MimosaTEK, khu vườn ớt chuông của hộ gia đình chúng tôi chăm sóc gần như
bị động trước thời tiết nắng, mưa thay đổi thất thường, không thể bằng cảm quan
mà cân đối chính xác được lượng phân bón, nước tưới thích ứng với nhiệt độ, khí
hậu diễn biến nhanh trong ngày. Từ ngày sử dụng hệ thống cảm biến thông minh của
MimosaTEK, tình trạng hạn chế này của khu vườn ớt chuông chúng tôi đã được khắc
phục… ”, ông Cung chia sẻ. Cụ thể ứng dụng giải pháp công nghệ số của MimosaTEK,
khu vườn của nhà nông Bùi Ngọc Cung đã nâng cao khả năng đề kháng các loại bệnh
hại của cây ớt chuông, tăng năng suất từ 10- 15%.
Cũng canh tác ớt chuông trên diện tích 1,2ha theo giải pháp công nghệ số của thương hiệu MimosaTEK nói trên, ông Nguyễn Như Thủy (sinh năm 1975) ở xã Bình Thạnh, Đức Trọng đã đạt năng suất vượt trội với 150 tấn/9 tháng. Nhờ chất lượng đảm bảo tuyệt đối an toàn thực phẩm, sản phẩm ớt chuông của ông Thủy tiêu thụ khá nhanh với giá cả ổn định trong năm vừa qua.
Được biết, nguyên diện tích 1,2ha ớt chuông này của hộ gia đình
ông Nguyễn Như Thủy được ngành nông nghiệp huyện Đức Trọng hỗ trợ chuyển đổi sang
trồng các loại rau từ khoảng 10 năm trước. Đến năm 2018, ông Thủy đầu tư nhà kính
và chọn cây ớt chuông chuyên canh với hệ thống thiết bị điều khiển thông minh từ
thương hiệu MimoTEK gồm: hệ thống hòa tan phân bón, tưới tự động nhỏ giọt; 2 bộ
cảm biến vi khí hậu, 2 bộ EC đo lượng nước đầu ra, 1 trạm quan trắc thời tiết, đến
nay không chỉ đạt năng suất, giá trị thu nhập cao, mà còn giảm đáng kể số ngày
công lao động hàng năm. “ Nhiều nông hộ quanh vùng thường xuyên đến tham quan,
trao đổi và mong muốn ứng dụng mô hình công nghệ số trong canh tác, hộ gia đình
chúng tôi luôn tích cực chia sẻ, chuyển giao quy trình kỹ thuật. Thực tế nhiều
nông hộ đã bắt đâu canh tác công nghệ số đạt hiệu quả như hộ gia đình chúng tôi…
”, nhà ông Nguyễn Như Thủy nói. Và dự kiến trong năm 2023, ông Thủy tiếp tục đầu
tư mới các thiết bị công nghệ số của MimosaTEK trên diện tích khoảng 0,5ha nối liền
với diện tích 1,2ha hiện có của mình.
Ông Phạm Xuân Bách, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mimosa Technology cho biết, 2 nhà nông Bùi Ngọc Cung và Nguyễn Như Thủy thuộc danh sách hơn 500 nhà nông trong tỉnh Lâm Đồng đang ứng dụng hiệu quả giải pháp công nghệ số của công ty này. Trong đó nhà nông ứng dụng diện tích ít nhất với 1.000m2, nhiều nhất với 6ha. Số lượng nhà nông ứng dụng công nghệ số ở TP Đà Lạt chiếm 30%, huyện Đơn Dương chiếm 50%, các huyện còn lại và TP Bảo Lộc chiếm 20%.
“Với hệ sinh thái từ các giải pháp phân tích dưỡng chất đất, trung
hòa độ pH trong nước tưới, quản lý tưới và pha phân thông minh, kiểm soát điều
kiện vi khí hậu trong nhà kính, kế hoạch trong năm 2023, Công ty TNHH Mimosa
Technology tư vấn, lắp đặt, chuyển giao ứng dụng khoảng 100 khách hàng nhà nông
mới trong các vùng canh tác cây trồng địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trung bình mỗi khách
hàng ứng dụng trên diện tích khoảng 3.000m2..”, Phó Giám đốc Phạm Xuân
Bách thông tin.
THÁNG 2/2023