Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2023

Nông nghiệp hiện đại, toàn diện, bền vững - những bài học kinh nghiệm

VĂN VIỆT


Gần 6 năm triển khai Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp hiện đại, toàn diện, bền vững, các vùng sinh thái nông nghiệp trên địa bàn đã tạo ra bước chuyển quan trọng về tái cơ cấu cây trồng, đột phá nâng cao thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất. Qua đó, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã tổng hợp những bài học kinh nghiệm để làm cơ sở tiếp tục triển khai hiệu quả hơn chương trình hành động đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030.

Bài 1/ Cây trồng chủ lực- những giải pháp chuyển đổi

Qua những cuộc chuyển đổi thường xuyên, liên tục từ cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng hiệu quả kinh tế cao, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã hình thành những vùng định canh ổn định sản xuất hàng hóa nông sản cạnh tranh hiệu quả trên thị trường trong nước và quốc tế, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững trên địa bàn.

Huy động nhiều nguồn lực

Thống kê chưa đầy đủ trong 6 năm qua, toàn tỉnh Lâm Đồng huy động khoảng 4.770 tỷ đồng nguồn vốn Trung ương và địa phương để đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phát triển nông nghiệp, nông thôn như: các công trình thủy lợi đầu mối, hệ thống kênh dẫn, chuyển đổi giống cây trồng, tạo động lực thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân, đạt tỷ lệ giải ngân trên 94%. Ngoài ra còn huy động lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để phát triển, cơ cấu cây trồng phù hợp với tiềm năng, lợi thế, điều kiện tự nhiên trên từng vùng nông nghiệp. Đồng thời tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, liên kết sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chế biến sâu. 

“Việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã phát huy hiệu quả tiềm năng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng. Qua đó phát huy tiềm năng đất đai, lao động dồi dào, xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trên nhiều vùng sinh thái phù hợp, hiệu quả trên địa bàn...”, theo nhận định của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng.

Theo đó cơ cấu, chủng loại giống cây trồng tiếp tục được chuyển đổi phù hợp với điều kiện sinh thái, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, từng bước thích ứng với sự biến đổi khí hậu. Trong đó tập trung phát triển nhanh về diện tích, sản lượng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như rau, hoa các loại, cây ăn quả, dâu tằm, cây dược liệu; đồng thời đẩy mạnh công tác chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả (lúa một vụ, cà phê, chè, điều,....) sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần giảm diện tích canh tác cây trồng kém hiệu quả dưới 50 triệu đồng từ 53.831 ha xuống còn 49.497 ha.

Tăng diện tích và sản lượng nhiều loại cây trồng chủ lực

So sánh sau 6 năm phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiện đại, bền vững, toàn tỉnh Lâm Đồng tăng lần lượt diện tích, sản lượng rau  14% và 19%, hoa gần 2% và 27%, cà phê 5,4% và 25,8%. Cụ thể diện tích rau các loại đạt 67.700 ha, sản lượng hơn 2,3 triệu tấn, tập trung tại 3 huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và thành phố Đà Lạt với các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như pó xôi, xà lách, cải bắp, cải thảo, ớt ngọt, cà chua beef, dưa leo baby, khoai tây, hành tây, cà rốt, củ dền... Hoa các loại với tổng diện tích hơn 9.000ha, sản lượng 3 tỷ cành. Trong đó, diện tích sản xuất hoa cắt cành 8.640 ha tập trung tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương và thành phố Đà Lạt; riêng diện tích hoa chậu 330 ha sản xuất phần lớn tại huyện Đơn Dương và thành phố Đà Lạt. Với cây cà phê diện tích đạt 175.000ha, sản lượng 537.300 tấn,  đã tái canh, cải tạo 45.000 ha. Các vùng sản xuất cà phê vối tập trung tại các huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đức Trọng, Đam Rông và thành phố Bảo Lộc; vùng sản xuất cà phê chè gồm các huyện Lạc Dương, Đơn Dương và thành phố Đà Lạt. Sản phẩm cà phê xuất khẩu chiếm 56% kim ngạch xuất khẩu nông sản. Các mô hình trồng xen mắc ca, cây ăn quả, cây che bóng tiếp tục được nhân rộng trên 22.600 ha diện tích cà phê, góp phần giảm diện tích có giá trị sản xuất dưới 50 triệu đồng/ha xuống còn 16.582 ha, chiếm 5,5% tổng diện tích canh tác toàn tỉnh Lâm Đồng. Cây chè cải tạo, chuyển đổi sang các giống cao sản đã nâng cao năng suất từ 11,5 tấn/ha lên 14,4 tấn/ha, trồng chủ yếu tại huyện Bảo Lâm (7.150 ha) và thành phố Bảo Lộc (2.650 ha). Diện tích sản xuất chè có giá trị dưới 50 triệu chỉ còn 870 ha, chiếm 0,29% tổng diện tích canh tác toàn tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng ứng dụng sản xuất công nghệ cao trên 4.934 ha chè; 22.031 ha cà phê; 2.062,5 ha hoa; 25.910 ha rau. Bên cạnh đó áp dụng quy trình sản xuất an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP với 535,5 ha chè; 274,5 ha cà phê; gần 3.158,5 ha rau. Riêng cà phê với 86.000 ha diện tích sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng đồng bộ, bền vững 4C, UTZ, Rainforest. Đặc biệt được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt- kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đối với 10 sản phẩm cà phê của 10 đơn vị; 405 sản phẩm hoa của 405 đơn vị; 78 sản phẩm rau của 78 đơn vị đóng trên địa bàn các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương và thành phố Đà Lạt…

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu chuyển đổi nói trên, nhận định chung về nông nghiệp Lâm Đồng vẫn còn thiếu tính ổn định, nhiều địa phương lúng túng trong việc lựa chọn cơ cấu cây trồng thực sự có lợi thế để tập trung phát triển bền vững từ sản xuất đến thị trường và xây dựng thương hiệu đặc trưng. Do vậy tình trạng nông dân chạy theo thị trường, tự phát chuyển đổi cây trồng không theo định hướng còn phổ biến ở nhiều nơi, dẫn đến tiềm ẩn không ít rủi ro trong sản xuất. Đây là một những bài học kinh nghiệm triển khai những giải pháp phù hợp, nhằm khắc phục nhanh những hạn chế để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong giai đoạn năm 2022- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đối với ngành Nông nghiệp Lâm Đồng.

THÁNG 6/2022

Bài 2/ Nhìn từ 3 yếu tố với 5 bài học kinh nghiệm