Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2022

Khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ

VĂN VIỆT

Sau hơn một năm triển khai đề án phát triển nông nghiệp hũu cơ, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình mới để tiếp tục được khuyến khích nhân rộng trên địa bàn.

Tăng 12 lần diện tích sản xuất hữu cơ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, tổng diện tích trồng trọt được cấp giấy chứng nhận hữu cơ trên địa bàn đến nay gần 1.300 ha, tăng hơn 12 lần diện tích so với năm 2020. Trong đó hơn 34,8 ha diện tích rau, củ, quả tập trung tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương và thành phố Đà Lạt; 1,5 ha cây đặc sản tại huyện Lâm Hà; 50 ha lúa, gần 1,4 ha măng cụt và hơn 1.110 ha điều tại huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên…Bên cạnh đó trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng đang phát triển gần 140 ha đồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi khoảng 2.000 con bò sữa tại 2 huyện Di Linh và Đơn Dương, tăng 1.500 con so với năm 2020, tổng sản lượng khoảng 5.200 tấn sữa đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu. Ngoài ra còn có gần 746 ha diện tích các loại cây rau, củ, quả, cà phê, cây ăn quả, lúa, chè, cây đặc sản của các tổ chức, cá nhân đang tiến hành chuyển đổi, đề xuất cấp giấy chứng nhận trong thời gian tới.

Và theo kế hoạch được phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã hỗ trợ xây dựng 3 mô hình liên kết sản xuất, sơ chế, chế, chế biến sản phẩm hữu cơ gần 45 ha với 60 hộ dân tham gia tại Hợp tác xã (HTX) Măng tây xanh Langbiang (xã Nam Hà, huyện Lâm Hà); Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Tư Nghĩa (xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên) và  Công ty TNHH Mắc ca Việt (xã Hoà Trung, huyện Di Linh). Cũng trong một năm vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã xây dựng 17 quy trình sản xuất hữu cơ bao gồm các loại rau, củ năng, lúa, chè, cà phê, sầu riêng, bơ, chuối, macca, atiso, nấm, đương quy, bò sữa, bò thịt, gà đẻ trứng; đồng thời tổ chức 15 lớp tập huấn phổ biến các tiêu chuẩn, quy chuẩn nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam, thu hút 524 lượt nông dân tham gia.

Hiệu quả khả quan trên 8 mô hình cây trồng hữu cơ

Kết quả Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã xây dựng hiệu quả 8 mô hình hữu cơ trên địa bàn. Cụ thể tại thành phố Đà Lạt, Công ty TNHH Kim Bằng thực hiện mô hình 0,5ha rau ăn củ với quy trình sản xuất hữu cơ gồm: Không sử dụng các loại thuốc bảo vê thực vật hóa học, phân bón hóa học, sử dụng nguồn nước tự chảy riêng, ghi chép sổ nhật ký… Thời gian thu hoạch mỗi lứa cà rốt baby từ 75- 90 ngày, năng suất đạt 20-25 tấn/ha. Sau đó công ty này tiếp tục xử lý đất trồng luân canh cây họ hành, tỏi theo từng ô..

Tại huyện Di Linh, Công ty TNHH Mắc ca Việt với quy mô 5 ha/3 hộ được hỗ trợ vật tư, phân bón và hướng dẫn quy trình sản xuất mắc ca hữu cơ, ước đạt năng suất 1,8 tấn hạt/ha. Và tại Tổ hợp tác Cà phê hữu cơ Đỗ Tùng, xã Hòa Bắc được hỗ trợ vật tư để chăm sóc cà phê hữu cơ trên diện tích 1 ha. Các nông hộ đã tuân thủ quy trình kỹ thuật như ủ phân chuồng đúng cách, sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ; tưới nước, làm cỏ theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, đạt năng suất trung bình hơn 3 tấn nhân/ha…

Ở huyện Lâm Hà, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng hỗ trợ thực hiện mô hình điểm 0,5ha tại HTX Măng tây Langbiang. Đánh giá sau 4 tháng sản xuất theo quy trình hữu cơ, cây măng tây cao khoảng 90cm, sinh trưởng 3-4 mầm, sản lượng khoảng 12 tấn/ha.

Với mô hình củ năng hữu cơ tại huyện Đơn Dương, Hợp tác xã Củ năng Pró xây dựng mô hình điểm 0,5ha. Mô hình đã hướng dẫn nông hộ phòng trừ ốc bươu vàng giai đoạn mới trồng cây củ năng bằng cách dùng mồi bẫy để bắt trực tiếp và thu gom ổ trứng. Riêng các bệnh thối thân, bệnh khô đầu lá của cây củ năng, nông hộ được hướng dẫn dùng sản phẩm nấm Nolatri phun kịp thời…Nhờ vậy sau 6 tháng trồng và chăm sóc, cây củ năng hữu cơ đã thu hoạch đạt đến 25 tấn/ha.

Các mô hình sản xuất hữu cơ còn lại cũng đã và đang mang lại những kết quả khả quan như: HTX Nông nghiệp và Du lịch miệt vườn Hà Lâm huyện Đạ Huoai với 1ha sầu riêng ổn định năng suất 19 tấn/ha. Tại  Công ty cổ phần Nguyên Long, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương sản xuất 500m2 nấm hương chăm sóc 20 ngày, thu được 250 kg với giá bán ra 70.000đ/kg. Ở thôn Trung Hưng, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên hỗ trợ thực hiện mô hình điểm 1ha sản xuất lúa ST25, đạt năng suất lúa tươi đạt 5,5 tấn/ha, với giá 10.500 đ/kg, hiệu quả kinh tế tăng hơn 7,5 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường.

“Người nông dân cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có sự đồng thuận chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đồng thời tiên phong tham gia, tiếp cận nhanh và thực hành hiệu quả quy trình kỹ thuật mới trên từng diện tích mô hình ...”, đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết. 

Từ cơ sở này, mục tiêu đến hết năm 2022, Lâm Đồng phấn đấu có thêm 400 ha được công nhận sản xuất hữu cơ, nâng tổng diện tích sản xuất hữu cơ của tỉnh lên trên 1.500 ha. Trong lĩnh vực chăn nuôi hữu cơ, phát triển thêm 600 con bò thịt, bò sữa, nâng tổng số đầu vật nuôi đạt chứng nhận hữu cơ của tỉnh Lâm Đồng lên khoảng 1.650 con…

THÁNG 3/2022