Thứ Hai, 7 tháng 3, 2022

Chủ động phòng, chống hạn hán năm 2022

VĂN VIỆT

Căn cứ tình hình thời tiết và diễn biến của hạn hán trong những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng dự báo trên địa bàn trong mùa khô năm 2022, khu vực ngoài công trình thủy lợi có khoảng 300 ha đến 500ha cây trồng thiếu nước tưới và khoảng 200 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt; khu vực có công trình thủy lợi nhỏ hoặc hư hỏng sẽ gây thiếu nước tưới cho khoảng 30ha đến 50ha cây trồng.

Dự báo thiếu nước tưới và nước sinh hoạt nhiều nơi

Qua khảo sát trên địa bàn thành phố Đà Lạt có một số công trình hiện đang bị bồi lấp như hồ Cầu Cháy, hồ Lộc Quý, hồ Tà Nung…đã làm giảm khả năng tích nước; dự báo vào cao điểm mùa khô năm 2022, sẽ gây ảnh hưởng nhẹ tới tình hình sản xuất tại khu vực các phường 5, phường 11, xã Xuân Trường, xã Tà Nung…Tương tự trên địa bàn thành phố Bảo Lộc dự báo tình trạng hạn hán cục bộ có thể ảnh hưởng nhẹ đến diện tích cây công nghiệp tại các xã Lộc châu, Đại Lào; một phần xã Lộc Nga, Lộc Thanh, Đạm Bri, phường Lộc Phát, phường Lộc Sơn.  

Ở địa bàn huyện Lâm Hà các công trình hồ chứa thủy lợi cơ bản đã tích đủ nước theo thiết kế sau mùa mưa năm 2021. Riêng các đập dâng được xây dựng trên các sông Đạ Dâng, Cam Ly, Đa Cho Mo… có lưu vực lớn, thảm thực vật dày, hệ thống kênh mương đang tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy. Tuy nhiên dự báo vào mùa khô năm 2022, tình hình hạn hán thiếu nước tưới đối với đất sản xuất cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả ở các xã Phú Sơn, Đan Phượng, Gia Lâm, Tân Thanh; thiếu nước sinh hoạt tại các khu vực có địa hình cao, không có nguồn sinh thủy tại các xã Phú Sơn, Phi Tô, Đạ Đờn, Đinh Văn…

Tương tự ở huyện Di Linh nếu tình trạng nắng nóng kéo dài trong mủa khô năm 2022, các xã Tam Bố, Gia Bắc, Sơn Điền, Hòa Nam, Hòa Trung, Đinh Trang Hòa, Tân Nghĩa, Liên Đầm dự báo sẽ thiếu nước tưới cho cây trồng; ở các xã Sơn Điền, Bảo Thuận, Tân Nghĩa, Tam Bố, Hòa Trung, Đinh Trang Thượng với nhiều công trình cấp nước sinh hoạt sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân.

Hoặc ở 3 huyện phía Nam Lâm Đồng dự báo vào cao điểm mùa khô năm 2022 thiếu nước đối với sản xuất nông nghiệp xảy ra tại địa bàn các xã Đoàn Kết, xã Đạ P’loa, thị trấn Đạ M’ri, xã Hà Lâm (huyện Đạ Huoai); thị trấn Đạ Tẻh, xã Quảng Trị, xã Mỹ Đức, xã Triệu Hải, xã An Nhơn, xã Hà Đông, xã Quốc Oai (huyện Đạ Tẻh);  xã Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Mỹ Lâm, Gia Viễn, Nam Ninh và thị trấn Cát Tiên, thị trấn Phước Cát (huyện Cát Tiên)…

Giải pháp vừa cấp bách vừa lâu dài

Để chủ động phòng, chống hạn hán kịp thời, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại trên địa bàn sản xuất nông nghiệp, giải pháp cấp bách đối với chính quyền 12 huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đến cơ quan, đơn vị và người dân để nâng cao nhận thức sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các đơn vị quản lý khai thác để xác định khả năng cung cấp nước tưới của các công trình thủy lợi, từ đó có những phương án bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng cân đối nguồn nước. Bên cạnh đó cần chủ động bố trí nguồn vốn địa phương để phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Ngoài ra cũng cần huy động và hỗ trợ người dân sử dụng các máy bơm của hộ gia đình, máy bơm dã chiến để bơm nước từ các khe suối, ao, hồ để phục vụ chống hạn; đào giếng, đào các ao hồ nhỏ để cấp nước tưới.

Đáng chú ý đối với những khu vực cách xa công trình thủy lợi, khu vực không có công trình thủy lợi, khu vực canh tác dựa vào nước trời, nước hồi quy từ các công trình thủy lợi, chính quyền địa phương cần khuyến cáo người dân canh tác một cách chủ động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang những cây trồng ít dùng nước, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất…

Về giải pháp trọng tậm phòng, chống hạn lâu dài, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đề nghị “các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng cần kiện toàn bộ máy tổ chức làm công tác quản lý hạn hán và làm công tác quản lý thiên tai. Qua đó vận động nông dân hiểu rõ ảnh hưởng của hiện tượng ElNino, thiếu nước trong mùa khô để nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm; hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển dịch thời vụ cây trồng cho phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo các liên kết chuỗi trong sản xuất, tăng diện tích được chủ động cấp nước tưới khi mùa hạn hán đến…”/. tháng 3/2022