VĂN VIỆT
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới", 5 năm qua đã tạo bước chuyển tích cực trong đời sống kinh tế xã trên địa bàn Lâm Đồng.
Gần 77% nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trong 5 năm qua, tổng nguồn lực huy động cho chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng đạt 39.455 tỷ đồng. Cụ thể bao gồm các tỷ lệ 18,48% vốn ngân sách nhà nước; 76,82% vốn tín dụng; 3,18% vốn đóng góp của cộng đồng dân cư và 1,52% vốn các tổ chức, doanh nghiệp. Đi vào triển khai nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp cho chương trình xây dựng nông thôn mới hàng năm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được phân bổ cho UBND xã làm chủ đầu tư. Theo đó về trình tự, thủ tục đầu tư, nghiệm thu, giải ngân thực hiện theo quy định cơ chế đặc thù đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó việc lập kế hoạch đầu tư, thi công, quản lý sử dụng công trình đều có sự tham gia của cộng đồng dân cư. Tương tự đối với nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo các sở, ngành mđẩy mạnh việc phân cấp cho UBND xã làm chủ đầu tư. Về dư nợ cho vay chiếm tỷ lệ gần 77% trong tổng nguồn lực xây dựng nông thôn mới, đã tạo điều kiện hỗ trợ người dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, làm tiền đề hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
“Thực tế nợ xấu cho vay tại các xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua rất thấp, chiếm khoảng 0,3 % trong tổng số dư nợ. Để tiếp tục huy động vốn vay tín dụng thực hiện chương trình nông thôn mới trên địa bàn Lâm Đồng, cần tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tái canh cà phê, xây dựng các mô hình liên kết từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…Đặc biệt thực hiện cơ chế cho vay không có đảm bảo bằng tài sản theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 10/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định.
Đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Lâm Đồng trong 5 năm qua cho thấy, kinh tế nông nghiệp tăng trưởng ổn định, công nghiệp và dịch vụ phát triển nhanh và đa dạng. Theo đó, sản xuất nông nghiệp có sự chuyển biến rõ rệt, tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn bình quân chung cả nước. Đặc biệt sau khi triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất tiếp tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, chủng loại sản phẩm ngày càng đa dang, phong phú, trình độ canh tác có bước phát triển vượt bậc, chất lượng nông sản được cải thiện theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng.
Phát triển sản xuất cả về chiều rộng lẫn chiều sâu
Đáng kể chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mở rộng quy mô ra nhiều vùng, nhiều đối tượng và nhiều chủng loại cây trồng trong toàn tỉnh Lâm Đồng. Qua đó cơ cấu cây trồng dịch chuyển theo hướng phát huy lợi thế so sánh của từng vùng sinh thái, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh tập trung, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Trên lĩnh vực công nghiệp ở khu vực nông thôn mới Lâm Đồng tiếp tục phát triển cả về giá trị sản xuất, lĩnh vực và hình thức hoạt động, nhất là công nghiệp chế biến gắn với nguồn nguyên liệu của ngành nông nghiệp.
Nhìn tổng thể những thành tựu nổi bật trong 5 năm xây dựng nông thôn mới ở Lâm Đồng ghi nhận trước hết công tác tuyên truyền, vận động đã đi vào chiều sâu; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực, chủ động, đổi mới phương thức tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân hưởng ứng phong trào thi đua “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới". Tiếp theo phần lớn các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới đều đạt và vượt kế hoạch; gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lâm Đồng với những chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất. Đó là diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, nhận thức về nông thôn mới được tăng cường, kết cấu hạ tầng phát triển, phục vụ thiết thực cho sản xuất và cuộc sống của người dân…
Từ nay đến năm 2025, Lâm Đồng tiếp tục tạo sự chuyển động mới trong chương trình xây dựng nông thôn mới với nhóm giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại. Trong đó đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục nghiên cứu, đầu tư phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ.
Đồng thời hỗ trợ hình thành, mở rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thích ứng biến đổi khí hậu, tập trung vào các nhóm sản phẩm chủ lực. Ngoài ra còn hình thành và phát triển mô hình kinh tế trang trại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã; thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn…
THÁNG 3/2022