VĂN VIỆT
Chương trình hành động trong mười năm tới, toàn tỉnh Lâm Đồng phát triển đa dạng hình thức kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại du lịch, tín dụng, nông nghiệp với nhiều hình thức liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Nhân rộng các mô hình hợp tác xã khá và giỏi
Theo định hướng đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng khuyến khích phát triển đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động kinh tế tập thể nói chung, kinh tế hợp tác xã nói riêng, trong đó tập trung xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của từng địa phương, thu hút sự tham gia ngày càng nhiều thành viên. Đặc biệt với phương châm “doanh nghiệp là nòng cốt; kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác là trung tâm; nông dân là chủ thể ”, tỉnh Lâm Đồng chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết giữa các bên đối tác, nhằm tạo sự bứt phá thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác ứng dụng khoa học công nghệ cao trên địa bàn.
Cụ thể trên lĩnh vực nông nghiệp, phát huy vai trò kinh tế tập thể, phát triển liên hiệp hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng cường liên kết với doanh nghiệp để từng bước đưa nông sản chủ lực của địa phương vươn ra thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó tiếp tục thành lập mới hợp tác xã, phát triển thành viên mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản chủ lực địa phương, bảo đảm các địa bàn sản xuất nông nghiệp đều có hộ nông dân tham gia hợp tác xã. Ngoài ra trên địa bàn Lâm Đồng đến năm 2030 tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã thuộc lĩnh vực khác như: chú trọng nhân rộng các mô hình hợp tác xã gắn với chương trình khuyến công, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển ngành nghề truyền thống, chế biến nông sản, thực phẩm địa phương; khuyến khích hợp tác xã mở rộng hoạt động kinh doanh tổng hợp, góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Đặc biệt trên lĩnh vực tín dụng, định hướng phát triển trên địa bàn Lâm Đồng là: “ Phát triển hệ thống tín dụng nhân dân theo đúng tôn chỉ, mục đích của loại hình hợp tác xã theo quy định. Trong đó cơ cấu tổ chức chặt chẽ, đủ năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, kiểm soát, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững. Đồng thời góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa bỏ tình trạng cho vay lãi nặng, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương…”
Mở rộng sản xuất gắn với chuỗi giá trị phát triển bền vững
Mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh Lâm Đồng phấn đấu phát triển 804 hợp tác xã, 584 tổ hợp tác và 6 liên hiệp hợp tác xã. So sánh với năm 2020 tăng 380 hợp tác xã, 200 tổ hợp tác và 3 liên hiệp hợp tác xã. Qua đó xây dựng hơn 200 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất gắn với chuỗi giá trị phát triển bền vững. Kết quả đạt 70% trở lên tỷ lệ hợp tác xã khá, giỏi; không còn hợp tác xã tồn tại hình thức. Thu nhập bình quân mỗi lao động hợp tác xã tăng từ 10- 15%/năm.
Để đạt và vượt các mục tiêu đề ra, các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã cần đưa nội dung phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm, 5 năm. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong hợp tác xã.
Nhiệm vụ trực tiếp đối với các sở, ngành địa phương trong thời gian tới cần tiếp tục tạo mọi thuận lôi cho hợp tác xã phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, vận động thành viên hợp tác xã góp vốn và nâng mức vốn, phát triển cả hợp tác xã nông nghiệp và phi nông nghiệp, nâng cao khả năng huy động và tiếp cận nguồn lực cho hợp tác xã.
Trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng, triển khai và tổng kết mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, chương trình OCOP; mô hình hợp tác xã theo quy mô cấp tỉnh, cấp huyện theo ngành hàng, nhằm tạo việc làm ngày càng nhiều và nâng cao thu nhập cho thành viên…
THÁNG 3/2022