Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

Xuất khẩu nông sản- những khó khăn cần tháo gỡ

VĂN VIỆT

Tỉnh Lâm Đồng được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng và thế mạnh về các mặt hàng nông sản đặc trưng, nhưng sản lượng xuất khẩu vẫn chỉ đạt được những kết quả còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của thị trường, nên cần nhận diện những khó khăn, vướng mắc để triển khai những giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài.

Đạt 45% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa

Lâm Đồng là tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên tiếp tục khẳng định có tiềm năng và lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hoá với các loại nông sản đặc sản ưu thế so với các vùng miền khác trong nước như: cây công nghiệp dài ngày (chè, cà phê, dâu tằm…), bò sữa, cá nước lạnh, rau, hoa, quả cao cấp có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới.

Hàng năm diện tích đất canh tác nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng ổn định khoảng 300.000 ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 60.200 ha. Cụ thể sản xuất rau khá ổn định về diện tích với trên  65.000 ha, sản lượng khoảng gần 3 triệu tấn. Phân bổ gieo trồng tỷ lệ khoảng 48% nhóm rau ăn lá (xà lách, pó xôi, cải bắp, cải ngọt, cải dưa, rau thơm, cần tây, đọt su su, đọt bí,...); khoảng 32% nhóm rau ăn quả (su su, cà tím, cà chua, mướp đắng, dưa leo, đậu cô ve, ớt ngọt, ớt cay, đậu Hà Lan,...); còn lại khoảng 20% nhóm rau ăn củ (khoai tây, cà rốt, hành tây, củ dền, su hào, củ cải,...).

Ngoài ra diện tích các loại cây trồng khác tương ứng sản lượng ổn định hàng năm như: hoa ( 9.000 ha, 3,4 tỷ cành); cây ăn trái (28.689 ha, 216.551 tấn); chè (11.287 ha, 162.978 tấn); cà phê (173.000 ha, 520.342 tấn); dâu tằm (9.000 ha, 11.000 tấn/năm)…

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã có 13 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; 20 sản phẩm nông nghiệp cấp nhãn hiệu chứng nhận độc quyền. Trong chương trình hỗ trợ của Tổ chức JICA (Nhật Bản), tỉnh Lâm Đồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” với 4 sản phẩm Rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông trên địa bàn.

Tính đến hết năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản tỉnh Lâm Đồng đạt 320 triệu USD, chiếm tỷ lệ khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 13%/năm. Trong đó rau các loại như ớt chuông, bắp ngọt, rau bó xôi, bắp cải, hành baro, khoai lang, bí đỏ, cà rốt, khoai từ, khoai mỡ…xuất khẩu đạt 34.559 tấn, giá trị hơn 60,7 triệu USD. Thị trường xuất khẩu bao gồm Mỹ, EU (Anh, Hà Lan, Pháp, Bỉ), Đông Á (Nhật, Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc), ASEAN (Singapore, Malaysia). Hoa các loại xuất khẩu đạt 371 triệu cành, tổng giá trị hơn 58,7 triệu USD, chiếm tỷ lệ 10,4% trên tổng sản lượng. Thị trường xuất khẩu hoa Lâm Đồng chiếm phần lớn các nước Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc), phần còn lại gồm các thị trường Châu Âu (Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ, Nga), Châu Úc (Australia), khu vực ASEAN (Singapore, Thái Lan, Indonesia). Sản lượng chè xuất khẩu sang thị trường Đài Loan và thị trường Trung Đông như Afghanistan, Pakistan,…đạt 8.928 tấn, giá trị 21,2 triệu USD. Và sản phẩm cà phê nhân xuất khẩu đạt hơn 99.500 tấn sang các nước Anh, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Phần Lan, Nga, Mỹ, Mexico, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore… với tổng giá trị hơn 153,7 triệu USD.

Xuất khẩu chỉ chiếm 10% tổng sản luợng nông sản

“ Nông sản Lâm Đồng đã và đang xuất khẩu đi hơn 40 nước trên thế giới, trong đó tập trung thị trường truyền thống là khu vực Đông Bắc Á, khu vực Liên hiệp châu Âu, khu vực Bắc Mỹ. Đặc biệt, nông sản của tỉnh Lâm Đồng hiện đang cung cấp nguyên liệu chất lượng cao cho nhiều tập đoàn đa quốc gia và các nhà phân phối lớn ở trong và ngoài nước…”, theo nhận định của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng.

Tuy nhiên cũng theo ngành nông nghiệp Lâm Đồng, xuất khẩu nông sản Lâm Đồng mới chỉ chiếm gần 10% trên tổng sản lượng. Nguyên nhân thứ nhất, chưa đạt được sự đồng nhất về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật trong từng lô hàng, chưa đảm bảo các điều kiện về truy xuất nguồn gốc. Thứ hai, các doanh nghiệp thiếu thông tin tiếp cận thị trường. Thứ ba, phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật để thâm nhập thị trường.

Để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản Lâm Đồng, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường EU tiềm năng, ngành nông nghiệp Lâm Đồng xác định giải pháp mở rộng canh tác nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch gắn với chế biến để tạo giá trị gia tăng. Đồng thời tiếp tục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất theo quy trình chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, nhằm tạo thuận lợi cho quá trình tận dụng ưu đãi của Hiệp định EVFTA; kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản và những vấn đề phát sinh đối với nông sản xuất khẩu. 

Đặc biệt các sở, ngành liên quan trong tỉnh Lâm Đồng cần hướng dẫn kịp thời doanh nghiệp về cách xử lý, thực hiện và rà soát kỹ thuật khi có yêu cầu về kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa từ phía nhập khẩu; công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp Lâm Đồng…/.

THÁNG 11/2021