Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

Bài 2/ Hài hòa giữa hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường

VĂN VIỆT

Nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, đảm bảo hài hòa giữa hiệu quả kinh tế và bảo vệ cảnh quan môi trường, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cần tăng cường công tác quản lý và phát triển nhà kính, nhà lưới đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp với thiết kế quy hoạch trên từng địa hình.

Nhà kính xây dựng không quá 50% diện tích đất nông nghiệp

Qua rà soát cho thấy, bên cạnh những hiệu quả, lợi ích kinh tế mang lại trong sản xuất nông nghiệp, việc phát triển nhà kính, nhà lưới tự phát trong thời gian qua với tốc độ nhanh, mật độ cao, thiếu sự kiểm soát nên đã phát sinh nhiều nhược điểm đáng quan tâm. Đó là  tỷ lệ sử dụng nhà kính không đạt chuẩn ở mức cao đã tạo dòng chảy lớn, gây bồi lắng tại các ao, hồ và lòng suối; đặc biệt làm tăng nhiệt độ cục bộ vào buổi trưa so với nền nhiệt độ chung của thành phố Đà Lạt. Thực tế cho thấy, nhiệt độ trong nhà kính hàng ngày tăng so với môi trường bên ngoài từ 3 - 50C, vì vậy nếu không quản lý tốt có thể ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triển của cây trồng, ảnh hưởng đến môi trường của người lao động. Dưới hiệu ứng nhiệt độ tăng cao trong nhà kính và tập quán sản xuất chuyên canh (không luân phiên cây trồng, không cho đất nghỉ), lượng phân bón tồn dư mỗi lúc mỗi cao trong đất vì thiếu tác động cân bằng từ môi trường tự nhiên. Hơn nữa, đa số các nhà kính chưa được quy hoạch đường giao thông nội đồng, chưa xây dựng hệ thống thu, thoát nước; trong khi nhiều nhà kính xây dựng tại các địa hình độ dốc cao, ven sông, suối, đã dẫn đến một số hệ lụy khi gặp phải mưa lớn liên tục gây tốc mái, sạt lở đất, ngập úng cục bộ, hậu quả thiệt hại không nhỏ đối với người sản xuất…

Để khắc phục những nhược điểm nêu trên, ngành nông nghiệp Lâm Đồng dự kiến đến năm 2025 rà soát, giải tỏa 100% nhà kính, nhà lưới xây dựng trái quy định trên đất lâm nghiệp; khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp; công trình thủy lợi và nguồn nước; công trình an ninh, quốc phòng và các công trình khác. Đồng thời quản lý, kiểm soát tỷ lệ diện tích nhà kính trên tổng diện tích đất nông nghiệp của từng phường tại thành phố Đà Lạt dưới 40%; các xã vùng ngoại ô thành phố Đà Lạt và các huyện vùng phụ cận (Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà) không vượt quá 50%. Tiếp theo tập trung cải tạo, chỉnh trang khoảng 600 ha nhà kính kết hợp quản lý xây dựng nhà kính mới, nhằm tăng tỷ lệ lên hơn 50%  nhà kính đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra còn phát triển mới 150 ha nhà kính hiện đại (nâng tổng diện tích nhà kính hiện đại toàn tỉnh Lâm Đòng lên 400 ha), qua đó phát huy hiệu quả các thiết bị công nghệ cao; công nghệ IoT gắn với trồng cây xanh trên bờ lô, bờ thửa hài hòa với môi trường; hình thành 2 -3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kiểu mẫu….

Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển nhà kính, nhà lưới

Theo ngành nông nghiệp Lâm Đồng, giải pháp trọng tâm cần rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển nhà kính vào tổng thể quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn của các huyện, thành phố làm cơ sở quản lý và phát triển nhà kính tại địa phương theo quy định. Trước mắt nên triển khai cho vay thế chấp tài sản gắn liền trên đất đối với nhà kính xây dựng đảm bảo quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi phục vụ cải tạo, chỉnh trang nhà kính không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật gắn với chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trên địa bàn. Tại khu vực vành đai và trong khuôn viên xung quanh nhà kính, tổ chức trồng các loại cây lâm nghiệp, cây đa mục đích có sức sinh trưởng thân, tán phù hợp với địa hình sinh thái như: tùng búp, mai anh đào, mimoza, cây đô la, lài nhật ... góp phần điều hòa tiểu khí hậu trong vùng…

Mặt khác cần tập trung nghiên cứu, ứng dụng các nhà kính hiện đại kết nối với hệ thống cảm biến IoT đáp ứng sự linh hoạt che và mở mái nhà kính thông minh; phát huy hiệu quả thiết bị công nghệ cao kết hợp sử dụng các quy trình canh tác tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.  Bên cạnh đó chú trọng lựa chọn nhập nội giống cây trồng mới triển vọng canh tác ngoài trời có hiệu quả cao, phù hợp với từng địa phương và nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Đặc biệt khuyến khích người sản xuất dỡ bỏ màng ni lông bao quanh nhà kính và thay đổi bằng phương thức canh tác cây trồng ngoài trời hoặc bán nhà kính (sau vài mùa vụ thì tháo trần nhà kính để canh tác mở hoặc xây dựng nhà kính điều khiển tự động mái che), tập trung đối với nhà kính ở những nơi có mật độ cao, khu vực nhà kính ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Thông qua các chương trình, đề án, kế hoạch hàng năm để hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi sản xuất trong nhà kính sang canh tác ngoài trời.

Về phía cơ quan chuyên môn cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tác nhân sinh học, các tiến bộ, kỹ thuật mới, giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM trong công tác bảo vệ thực vật, nhằm giảm thiểu sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp ngoài trời. Định hướng lâu dài phải chuyển đổi dần sang phương thức sản xuất nông nghiệp dịch vụ, du lịch canh nông, phát triển cây cảnh đặc hữu xung quanh khu vực nhà kính gắn với chuyển đổi giống cây trồng chất lượng cao, mở rộng ngày càng nhiều diện tích trồng cây không nhà kính quy mô tập trung trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các huyện phụ cận…

THÁNG 11/2021