Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2021

Nhà kính, nhà lưới - hai chiều thuận, nghịch

VĂN VIỆT


Hơn 16 năm phát triển đại trà nhà kính, nhà lưới bên cạnh những hiệu quả kinh tế vượt trội, giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong tỉnh Lâm Đồng đã phát sinh nhiều nhược điểm làm phá vỡ môi trường sinh thái, ảnh hưởng cảnh quan đô thị, làm tăng nhiệt độ cục bộ, nên cần có bài toán khắc phục hữu hiệu gắn với quy họach chiến lược để quản lý, phát triển bền vững hơn.

Bài 1- Nhà kính, nhà lưới - đột phá công nghệ cao

Qua 3 giai đoan phát triển nông nghiệp công nghệ cao với nhiều giải pháp khác nhau, trong đó giải pháp phát triển nhà lưới, nhà kính trên các vùng nông nghiệp trọng điểm của Lâm Đồng đã tạo ra những bước đột phá về giá trị thu nhập đã từng mơ ước bao năm của người nông dân và doanh nghiệp.

Nhà kính, nhà lưới từ gần 1.770 ha tăng lên hơn 6.800ha

Theo đó giai đoạn 2004 – 2010, triển khai quyết định số 56/2004/QĐ-UB ngày 2/4/2004 của UBND tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh Lâm Đồng đạt tổng diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 6.407 ha, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác 76 triệu đồng/ha. Trong đó diện tích nhà kính 1.170 ha, nhà lưới 596ha. Đến ngày 11/5/2011, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghi quyết số 05-NQ/TU  về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2011- 2015. Kết quả thực hiện đến cuối năm 2015, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tăng lên 43.084 ha, trong đó bao gồm 3.147,5 ha nhà kính 510 ha và diện tích nhà lưới. Và giai đoạn 2016-2020, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, kết quả canh tác nông nghiệp công nghệ cao phát triển lên 60.200 ha vào cuối năm 2020. Tương ứng với diện tích nhà kính đạt 4.342,8 ha,  nhà lưới 2.458,6 ha, tăng lần lượt so với năm 2015 là 1.195,2 ha và  1.948,6 ha .

“Trong quá trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt tại các địa phương phát triển nhanh như thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng thì nhà kính, nhà lưới là một trong những giải pháp kỹ thuật được người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ưu tiên đầu tư xây dựng kết hợp với các giải pháp công nghệ cao khác, tạo bước đột phá về chuyển đổi giống cây trồng, nâng cao giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác hàng năm…”, theo đánh giá chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp Lâm Đồng.

Cụ thể đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Lạt với tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp khoảng 10.500 ha thì có 2.554,3 ha diện tích nhà kính (rau 757,5 ha; hoa 1.702,3 ha; cây khác 94,5 ha). Chiếm đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã lắp đặt nhà kính chất lượng cao, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Điển hình như Công ty Dalat Hasfarm lắp đặt 30 ha nhà kính nhập khẩu từ Châu Âu, có thiết kế đường giao thông, vành đai cây xanh quanh với tỷ lệ 10-15%, được phân theo lô, thửa và khoảng lùi 3-5 m, hệ thống tiêu thoát nước. huyện Lạc Dương hiện có 942 ha diện tích nhà kính (rau 431 ha; hoa 497,0 ha; cây khác 14 ha), chiếm 12 % tổng diện tích canh tác và 45% diện tích canh tác rau, hoa của địa phương. Đáng kể huyện Lạc Dương đã có 180 ha nhà kính   được thiết kế  đảm bảo các yêu cầu thuật của doanh nghiệp đầu tư vào trồng hoa, dâu tây, rau các loại tại xã Lát, Đạ Sar…. Ngoài ra còn có 50 ha nhà kính nhập khẩu cũng đã và đang ứng dụng hiệu quả tại trang trại sản xuất rau của thương hiệu Vineco trên địa bàn.  

Doanh thu trồng hoa nhà kính lên đến 24 tỷ đồng/ha/năm


Còn tại địa bàn huyện Đơn Dương thống kê có  340 ha diện tích nhà kính (rau 230 ha; hoa 110 ha); nhà lưới trồng rau hơn 2.050 ha, chiếm 11,8% tổng diện tích canh tác và 20,3% diện tích canh tác rau, hoa của địa phương. Ở đây các doanh nghiệp Trường Hoàng, Apolo, Dalat Hasfarm …đầu tư trồng rau, hoa công nghệ cao trên tổng diện tích 100 ha nhà kính (chiếm 29,4% diện tích nhà kính toàn huyện), trong đó có khoảng 70 ha nhà kính nhập khẩu trồng lan hồ điệp, hoa cúc, hoa trang trí tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tại Đức Trọng, diện tích nhà kính của các doanh nghiệp đạt 108 ha (chiếm 55,8% diện tích nhà kính toàn huyện), trong đó có 95 ha rồng rau tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phong Thúy, HTX Tiến Huy, HTX Nam Sơn…Riêng diện tích nhà kính nhập khẩu có 8,5 ha được xây dựng tại các trang trại của các Công ty Trường Hoàng; Vineco…Tại huyện Lâm Hà với diện tích  rau, hoa nhà kính 280 ha,  nhà lưới 31 ha, chiếm 0,7% tổng diện tích canh tác và đạt tỷ lệ gần 49% diện tích canh tác rau, hoa của địa phương. Thành phố Bảo Lộc và các huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng đến nay chỉ có 33 ha nhà kính gần 215 ha nhà lưới do đặc điểm sinh thái các vùng này phù hợp trồng cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày…

Cũng theo đánh giá bước đầu của ngành nông nghiệp Lâm Đồng, từ giải pháp nhà kính, nhà lưới trên các vùng nông nghiệp, người sản xuất đã chủ động thời vụ, ứng phó với các điều kiện bất lợi của thời tiết trong canh tác, cho năng suất cao, chất lượng tốt,  tăng hệ số sử dụng đất, giảm chi phí vật tư nông nghiệp, tiết kiệm nước tưới; quản lý tốt sâu bệnh hại, kiểm soát phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm thu hoạch đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Điển hình tỷ lệ giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong nhà kính đều 30% (rau pó xôi); 36% và 50%  (hoa hồng); 40% và 50% ( dâu tây)… Tính chung canh tác rau, hoa trong nhà kính giảm được 30% lượng nước tưới, phân bón và giảm 70% chi phí thuốc bảo vệ thực vật.

Thông qua ứng dụng công nghệ nhà kính kết hợp với các công nghệ khác, nhiều doanh nghiệp, nông dân ở Lâm Đồng đã đạt thu nhập hàng tỷ đồng trồng rau, hoa, cao hơn 2-3 lần so với cây trồng cùng loại không trồng trong nhà kính. Điển hình như Công ty TNHH Trường Hoàng trồng hoa lan hồ điệp với mật độ 200.000 cây/ha, giá bán 120.000 đồng/cành, doanh thu 24 tỷ đồng/ha/năm; Công ty TNHH Hoa Mặt Trời trồng lan vũ nữ với mật độ 80.000 cây/ha, thu hoạch 480.000 cành/ha/năm với giá bán 15.000 đồng/cành, doanh thu 7,2 tỷ đồng/ha/năm; Công ty TNHH Đà Lạt GAP trồng cà chua năng suất 280 tấn/ha/năm, giá bán từ 20.000-25.000 đồng/kg, doanh thu  6-7 tỷ đồng/ha/năm. Bên cạnh đó nhà kính còn góp phần phát triển kinh doanh du lịch canh nông ở trên địa bàn…

 Tuy nhiên bên cạnh lợi nhuận “lập đỉnh” nói trên, giải pháp ứng dụng nhà kính, nhà lưới hiện nay ở Lâm Đồng phầ lớn chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa có quy định tỷ lệ được làm nhà kính trên tổng diện tích đất, nhất là khu vực nội đô thành phố Đà Lạt và các khu vực hành lang bảo vệ hồ đập, sông, suối, kênh mương thủy lợi, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan đô thị. Mặt khác, các khu vực sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, nhà lưới chưa được đầu tư hệ thống thoát nước, kênh mương thủy lợi, ao hồ thu nước trong mùa mưa, dẫn đến thời gian tập trung lũ nhanh, gây xói mòn đất, ngập úng cục bộ, nhất là tại những nơi vùng trũng, lòng chảo...Trong khi đó vẫn còn nhà nông, doanh nghiệp đang sản xuất nhiều loài cây trồng không nhất thiết phải nằm trong nhà kính…

Bài 2/ Hài hòa giữa hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường

tháng 11/2021