Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2021

5 năm thực hiện Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy Lâm Đồng

VĂN VIỆT

5 năm thực hiện Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển du lịch chất lượng cao thuộc giai đoạn năm 2016- 2020, định hướng năm 2025, đã góp phần tạo nên những bước tiến đáng k cho kinh tế Đà Lạt.

Khẳng định du lịch là ngành kinh tế động lực

Đi vào cụ thể hóa Nghị quyết 07, ngày 16/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng và Nghị quyết 06, ngày 28/2/2017 của Thành ủy Đà Lạt, ngày 19/4/2017, UBND thành phố Đà Lạt đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2020, định hướng năm 2025, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan, xác định rõ nội dung, lộ trình thực hiện, khẳng định du lịch là ngành kinh tế động lực. Qua đó tăng cường các hình thức phổ biến, quán triệt đến mọi tầng lớp Nhân dân về những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt phát triển du lịch chất lượng cao, nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. “Nhìn chung Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy Lâm Đồng và Nghị quyết 06 của Thành ủy Đà Lạt về phát triển du lịch chất lượng cao đã được quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, huy động ngày càng nhiều nguồn lực tham gia khai thác tiềm năng, lợi thế theo hướng bền vững, mang lại những hiệu quả thiết thực cho hoạt động du lịch, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế- xã hội của thành phố…   ”, UBND thành phố Đà Lạt đánh giá.

Theo đó, thành phố Đà Lạt tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình du lịch trong 5 năm qua như: du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với dịch vụ chăm sóc sức khỏe; du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa; tham quan danh lam thắng cảnh; du lịch sinh thái; du lịch gắn với tổ chức hội nghị, hội thảo; các sự kiện gắn với Festival Hoa Đà Lạt…Bên  cạnh đó, ngành công nghiệp thành phố Đà Lạt đã chú trọng sản xuất các mặt hàng đặc trưng phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước gồm chế biến rượu vang, các loại nước trái cây, trà, dược liệu cao cấp, các mặt hàng tranh cưa lọng, tranh chạm bút lửa, hoa đất sét nghệ thuật, hoa sấy khô, dệt len…Đặc biệt trong cùng thời gian này, ngành du lịch Đà Lạt đã đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới thu hút khách du lịch điển hình là: Du lịch canh nông gắn phát quảng bá thương hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, các mô hình làng hoa chuyên canh công nghệ cao, sản lượng lớn ở Vạn Thành, Hà Đông, Đa Thiện, Thái Phiên, Xuân Thành; mô hình trang trại Cầu Đất Farm, Green Box, Rau và Hoa…; các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm trekking, đu dây vượt thác, leo núi…Ngoài ra còn nhiều mô hình điểm du lịch mới của các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư đã và đang đưa vào hoạt động có hiệu quả gồm: Rừng hoa Đà Lạt, Lá Phong, Vĩnh Tiến, Fresh Garden, Quê Garden; các điểm dừng chân chụp ảnh, tham quan khác…

Tăng 7% lượng khách du lịch mỗi năm

Thống kê đến nay, toàn thành phố Đà Lạt phát triển 2.217 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số gần 29.000 phòng. Trong đó 37 khách sạn 3- 5 sao; 337 khách sạn 1-2 sao; 265 khách sạn tiêu chuẩn, thu hút tổng số hơn 10.480 lao động, chiếm 83% số lao động được đào tạo chuyên môn và ngoại ngữ.  Bên cạnh đó có 29 đơn vị lữ hành quốc tế và 15 đơn vị lữ hành nội địa; 22 công trình tham quan kiến trúc tôn giáo, đáp ứng nhu cầu tổ chức sự kiện của du khách vào các ngày nghỉ lễ, tết…Kết quả giai đoạn năm 2017- 2020,  Đà Lạt đón gần 21 triệu lượt khách tham quan, trong đó khách quốc tế chiếm 11,7%. Tỷ lệ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 0,4%; đạt 2,2 ngày lưu trú/khách. Tỷ trọng ngành du lịch dịch vụ đạt 66,16% trong cơ cấu GRDP toàn thành phố..

Với những kết quả thực hiện Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy Lâm Đồng và Nghị quyết 06 của Thành ủy Đà Lạt về phát triển du lịch chất lượng cao nêu trên, thành phố Đà Lạt được nhận các giải thưởng có ý nghĩa như: Tờ New York Times (Mỹ) bình chọn Đà Lạt là 1 trong 52 điểm đến lý tưởng cho du khách năm 2016; Giải thưởng Châu Á “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN” lần thứ IV năm 2017 tại Brunei Darussalam; Giải thưởng “Thành phố du lịch sạch ASEAN” lần thứ I tại Hội nghị cơ quan du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 47 năm 2018 tại thành phố Chiang Mai, Thái Lan…

Trên thành tựu này, ngành du lịch thành phố Đà Lạt hướng đến mục tiêu năm 2025 phải đạt tổng lượng khách du lịch hàng năm tăng 7%; khách lưu trú 2,5 ngày/người, chiếm 12% khách du lịch quốc tế. Số phòng lưu trú đạt chuẩn cao cấp hơn 30%. Thu hút 15.000 lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Một trong những nhóm giải pháp trọng tâm được ngành du lịch Đà Lạt tập trung phối hợp thực hiện đến năm 2025, đó là khai thác thị trường khách nội địa truyền thống như thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long, vùng duyên hải miền Trung, đồng thời mở rộng đến các thị trường Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng…, đặc biệt thu hút nguồn khách nội địa cao cấp từ 2 thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh…“Ngành du lịch Đà Lạt tiếp tục nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của du khách để triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá phù hợp. Chiến lược thu hút du khách hàng năm của ngành du lịch Đà Lạt xác định nguồn khách nội địa giữ vai trò quyết định, nguồn khách quốc tế giữ vị trí quan trọng…”, UBND thành phố Đà Lạt nhấn mạnh./.

THÁNG 11/2021