VĂN VIỆT
Huyện Đơn Dương phấn đấu đến năm 2025 đạt các chỉ tiêu phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư chuyển đổi sản xuất cây trồng và vật nuôi giá trị cao, nhằm hàng năm nâng cao mức sống và thu nhập bình quân đầu người, góp phần hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5- 2%/năm
Theo thống kê mới đây trên toàn huyện Đơn Dương có hơn 47.470ha diện tích đất lâm nghiệp, 20.325ha diện tích đất nông nghiệp, thuộc địa giới hành chính trên 8 xã và 2 thị trấn. Tổng số có 25.980 hộ với 120.876 nhân khẩu. Trong đó chiếm khoảng 30% tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể trong tất cả 104 thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện Đơn Dương có 36 thôn tập trung đồng bào dân tộc thiểu số bao gồm: 3 dân tộc bản địa Chu Ru, Cơ Ho, Cill; 17 dân tộc thiểu số khác từ các tỉnh, thành trong nước về đây sinh sống như: Tày, Nùng, Hoa, Ba Na, Rắc Lây…Tốc độ tăng trưởng GDP các ngành nông, lâm, thủy sản (7,3%); công nghiệp cơ bản (11%); dịch vụ (12,2%). Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Đơn Dương đến cuối năm 2021 khoảng 0,41%, trong đó tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 0,84%. Bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 1,5- 2%. Tính chung trong 5 năm qua, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng cho hơn 500hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đơn Dương áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, chăn nuôi hiệu quả.
“Ngành Nông nghiệp huyện Đơn Dương thường xuyên tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện canh tác và thực tế của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ các chương trình 135, khuyến nông, khuyến lâm.. của nhà nước đầu tư hỗ trợ của nhà nước, ngành Nông nghiệp huyện Đơn Dương đã tổ chức xây dựng và nhân rộng hình mẫu về canh tác và chăn nuôi, đặc biệt chuyển dần những diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng rau thương phẩm có giá trị kinh tế cao hơn… ”, đánh giá của UBND huyện Đơn Dương cho biết.
Theo đó đáng kể lĩnh vực chăn nuôi trong vùng đồng bào thiểu số Đơn Dương đến nay phát triển hơn 350 con bò sữa, 2.500 con trâu. Đặc biệt tại các cơ sở chế biến gạch tuy nen, chế biến nước chấm, cà phê cô đặc…của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã thu hút hàng ngàn nhân công lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đơn Dương. Một số làng nghề thủ công, ngành nghề truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đơn Dương cũng đã và đang được ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư và khôi phục phát triển như: Làng văn hóa dân tộc Chu Ru, sản xuất gốm, đan lát tại xã Pró; gia công nhẫn bạc tại xã Tu Tra… Ngoài ra vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đơn Dương đã phát triển mạng lưới y tế cộng đồng đến các thôn; chất lượng giáo dục ngày một nâng lên, chương trình dạy tiếng Cơ Ho, Chu Ru được chú trọng tổ chức…
Đạt giá trị sản xuất bình quân 400 triệu đồng/ha/năm
Chỉ tiêu đến năm 2025, huyện Đơn Dương phấn đấu đạt 100% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Các chỉ tiêu khác về phát triển toàn diện vùng đồng bào thiểu số huyện Đơn Dương đến năm 2025 cũng đã thông qua gồm: 100% đường giao thông được bê tông hóa; 100% hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia; 98- 100% học sinh tiểu học và mẫu giáo đến trường; 100% xã, thị trấn, tổ dân phố thôn có thiết chế văn hóa- thể thao; 95% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh. Giai đoạn 2021- 2025, mỗi năm đạt tỷ lệ giảm nghèo hơn 0,5% theo quy chuẩn nghèo đa chiều; thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước từ 10% trở lên…
Để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số với những chỉ tiêu nêu trên, huyện Đơn Dương xác định nhóm giải pháp trọng tâm là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi công nghệ cao theo hướng thông minh kết hợp phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn; đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản ổn định; ưu tiên các nguồn vốn tín dụng phát triển sản xuất và chăn nuôi, phấn đấu sau năm 2025 đạt giá trị bình quân 400 triệu đồng/ha/năm.
Các nhóm giải pháp còn lại rất đáng quan tâm như: Tăng cường nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế- xã hội đồng bộ, hiện đại và phân phối hợp lý giữa các vùng theo quy hoạch; xây dựng các mô hình điểm dân cư nông thôn kiểu mẫu, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với trường phổ thông dân tộc nội trú; phát triển các mô hình trường dạy nghề cho con em người đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng an ninh nhân dân…
THÁNG 10/2021