VĂN VIỆT
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn lực đầu tư, điều kiện sản xuất, nhưng khu vục kinh tế hợp tác xã ở vùng xa Đam Rông đã phát huy tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng và mở rộng liên kết hoạt động, từng bước vươn lên xây dựng thương hiệu cạnh tranh trên từng sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Chủ động khai thác thị trường tiêu thụ
Vụ mùa trái cây các loại gồm sầu riêng, chôm chôm, bơ…trong hơn bốn tháng phòng chống Covid- 19 vừa qua của HTX Trái cây Tây Nguyên tại xã Rô Men, huyện Đam Rông phải tạm dừng phần lớn thị trường tiêu thụ ngoài tỉnh Lâm Đồng, thay vào đó trở về thị trường trong tỉnh Lâm Đồng tìm kiếm kết nối bán sỉ và bán lẻ trực tiếp hoặc thông qua các thương lái, cửa hàng nông sản, vựa trái cây, các HTX khác…phân bổ tại các huyện, thành trên địa bàn. Theo đó, các thành viên của HTX được thông tin hàng ngày các nguồn tiêu thụ sản phẩm trái cây thu hoạch để thỏa thuận nhanh giá cả phù hợp nhất trong từng thời điểm thị trường. Cụ thể với giá sầu riêng giống Thái Lan thu hoạch, bán tại vườn của thành viên sản xuất trong bối cảnh Covid-19 trong quý 3/2021 mặc dù gặp nhiều biến động, nhưng HTX đã tích cực “đàm phán” mức giá bán sỉ ổn định trên dưới 30.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá sầu riêng của HTX giảm 5- 10.000 đồng/kg, tuy nhiên vẫn được xem là nằm trong “ngưỡng an toàn”, giá trị thu nhập đạt mức tương đối khá sau khi đã trừ nguồn vốn và các chi phí đầu tư thâm canh cả năm. Tương tự với giá chôm chôm trong bối cảnh Covid- 19 bấp bênh hàng ngày, HTX cũng đã tìm mọi giải pháp linh hoạt để tiêu thụ phần lớn sản lượng thu hoạch khoảng 3 tấn/ha xen canh với cà phê.
“Đến nay đã hơn 2 năm thành lập, HTX Trái cây Tây Nguyên chúng tôi với 15 hộ thành viên sản xuất trên 40ha cà phê ở xã Rô Men và xã Đạ R’Sal, huyện Đam Rông. Trong đó có khoảng 25ha trồng xen canh các loại cây ăn trái sầu riêng, bơ, chôm chôm, bưởi…đã được HTX tổ chức tiêu thụ lên đến hàng trăm tấn trong năm vừa qua….”, Giám đốc HTX Nguyễn Thị Thương chia sẻ. Và kế hoạch những tháng cuối năm 2021, HTX tập trung thu hoạch, sơ chế cà phê của tất cả thành viên để cung ứng toàn bộ sản lượng theo hợp đồng trong điều kiện phòng, chống dịch Covid- 19.
Chỉ đạo nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực
Theo UBND huyện Đam Rông, HTX Trái cây Tây Nguyên và 1 trong 19 HTX nông nghiệp đang phát triển hoạt động hiệu quả trên địa bàn. Để tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp từng bước vươn lên từ khó khăn trong thời gian đầu đi vào hoạt động, UBND huyện Đam Rông đã phối hợp cùng với Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Lâm Đồng, Liên minh HTX Lâm Đồng mở các khóa đào tạo, tập huấn các nội dung chính sách pháp luật của nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác, Luật Hợp tác xã; về kỹ năng nghiệp vụ quản trị kinh doanh cho đội ngũ lãnh đạo, điều hành. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, UBND huyện Đam Rông đã quan tâm phối hợp với Liên minh HTX Lâm Đồng xây dựng phương án, giúp HTX tiếp cận nhanh các nguồn vốn tín dụng ưu đãi như giảm mặt bằng lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay…Qua đó HTX đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, vật tư phân bón cho cây trồng, xây dựng nhà xưởng, máy móc sấy khô, sơ chế cà phê…
Đáng kể hàng năm, UBND huyện Đam Rông còn phối hợp với các sở, ngành chuyên trách chuyển giao khoa học công nghệ sinh học sản xuất giống cây trồng, chuyển đổi canh tác giống mới, bảo quản sau thu hoạch…cho HTX nâng cao năng suất cây trồng, mở rộng quy mô sơ chế, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động địa phương. Đã có nhiều HTX nông nghiệp còn ứng dụng hiệu quả các đề tài sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, đăng ký kiểu dáng, nhãn hiệu hàng hóa…Đặc biệt nhờ nâng cao chất lượng nông sản thông qua quy trình kỹ thuật sản xuất các nguồn giống mới, một số HTX trong huyện Đam Rông đã tiên phong mở rộng thị trường tiêu thụ theo hợp đồng đến hệ thống các siêu thị trong nước, đồng thời kết nối xuất khẩu sang thị trường các nước lớn trên thế giới...
“UBND huyện Đam Rông đã chỉ đạo bằng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi kịp thời cho HTX tháo gỡ khó khăn vướng mắc, từng bước phát triển vươn lên đạt hiệu quả ngày càng cao trong sản xuất, kinh doanh, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của địa phương… ”, đánh giá kết quả chung cho biết.
tháng 9/2021