Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2021

Không khuyến khích mở rộng diện tích hồ tiêu

VĂN VIỆT  

Mặc dù trồng xen canh với cây cà phê đã tăng thêm thu nhập hàng năm từ 30- 40%, nhưng cây hồ tiêu đến nay vẫn không được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng khuyến khích khích đầu tư mở rộng diện tích với lý do thị trường tiêu thụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu ổn định.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, cây hồ tiêu Lâm Đồng phát triển trên diện rộng từ 5 năm trở lại đây theo hình thức trồng thuần và trồng xen canh trên diện tích cà phê, điều và các loại cây ăn quả.

Thống kê đến cuối tháng 9/2021, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh Lâm Đồng gần 2.000ha. Cụ thể diện tích hồ tiêu trồng thuần khoảng 828ha và trồng xen canh khoảng 1.172ha. Trong đó chiếm gần 94% trồng hồ tiêu xen canh diện tích cây cà phê; còn lại 6% trồng xen canh trên diện tích cây điều và các loại cây ăn quả.

Địa bàn trồng hồ tiêu phổ biến chiếm các tỷ lệ trên tổng diện tích toàn tỉnh Lâm Đồng tương ứng gồm: Di linh 670,5ha (chiếm 33,6%), Đức Trọng 464ha (23,2%), Lâm Hà 350ha (17,5%), Bảo Lâm 200 ha (10%)…

Đáng kể những mô hình trồng hồ tiêu xen canh với cây cà phê đạt sản lượng khá cao như:  Hộ ông Nguyễn Văn Chu (thôn Tân Nghĩa, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) với 2ha hàng năm thu hoạch 8 tấn hồ tiêu và hơn 6 tấn cà phê nhân. Hộ ông Phạm Quang Trung (thôn 8, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) với 1,5 ha cho thu hoạch bình quân 1,5-2 tấn hạt hồ tiêu/ha và trên 4 tấn cà phê nhân/ha/năm. Ở huyện Đức Trọng có hộ ông Đoàn Thế Hiệu (thôn An Bình, xã Liên Hiệp) mỗi năm thu hoạch 1,5 tấn hồ tiêu/ha và 4,5 - 5 tấn cà phê nhân/ha. Và hộ bà Nguyễn Thị Lan (thôn Tân Phú, xã Ninh Gia) thu hoạch bình quân 2,8-3 tấn hồ tiêu/ha/năm và 4 – 4,5 tấn cà phê nhân/ha/năm...

So với cùng kỳ năm 2020, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh Lâm Đồng đến nay giảm hơn 10ha. Cùng với đó, mức lợi nhuận “thu hoạch kép” hàng năm hồ tiêu và cà phê trên cùng một diện tích đạt giá trị gia tăng từ 30- 40% nói trên vẫn chưa thể thuyết phục để ngành Nông nghiệp khuyến khích nông dân mở rộng diện tích hồ tiêu.

Vấn để quan tâm là toàn bộ sản phẩm hồ tiêu thu hoạch từ trước đến nay chỉ tiêu thụ ngoài hợp đồng thông qua các điểm thu mua nhỏ lẻ, các cửa hàng tạp hóa hoặc cửa hàng đại lý tại địa phương. Trong khi đó trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đổng hiện chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với nông dân sản xuất hồ tiêu theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ theo hợp đồng trong nước và xuất khẩu.

 Bởi vậy cây hồ tiêu trước khi tính đến mở rộng diện tích thì giải pháp xuyên suốt đối với từng hộ sản xuất phải chủ động ứng dụng khoa học công nghệ thâm canh theo hướng sinh học hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm với giá thành cạnh tranh, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ theo từng thời điểm biến động của thị trường, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng được mùa, mất giá xảy ra…

tháng 10/2021