Thứ Hai, 25 tháng 10, 2021

Phát triển thương mại vùng xa- phối hợp nhiều giải pháp

VĂN VIỆT

Để phát triển thương mại các địa bàn vùng xa thuộc  huyện Lâm Hà và huyện Đam Rông nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch với các huyện, thành khác trong tỉnh Lâm Đồng, các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương phải cần phối hợp nhiều giải pháp hiệu quả hơn.

Tăng trưởng hàng năm từ 10- 15% tổng mức bán lẻ và hàng hóa dịch vụ

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, triển khai Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa  trong hơn 4 năm tới, tỉnh Lâm Đồng chọn hai địa bàn huyện Lâm Hà và huyện Đam Rông với mục tiêu đạt tăng trưởng hàng năm từ 10- 15% tổng mức bán lẻ và hàng hóa dịch vụ trên địa bàn. Trong đó hàng hóa bán ra bao gồm những sản phẩm đặc trưng, đặc sản, có nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh về điều kiện đất đai, khí hậu, chỉ dẫn địa lý của địa phương; đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, có thương hiệu để tham gia cạnh tranh hiệu quả trên các kênh phân phối của thị trường trong nước và ngoài nước. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Lâm Hà và huyện Đam Rông tập trung xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi giá trị, đảm bảo cân đối hàng hóa cung- cầu trên địa bàn. Đồng thời chú trọng phát triển nguồn nhân lực quản lý, đảm bảo 100% cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ; khuyến khích phát triển thương nhân, doanh nghiệp tăng trưởng bình quân 8% mỗi năm, phấn đấu đến năm 2025 huyện Lâm Hà và huyện Đam Rông đạt khoảng 12.300 cơ sở thương mại, dịch vụ phát triển hoạt động,

Cụ thể với khẩu hiệu “Tự hào hàng Việt Nam”, huyện Lâm Hà và huyện Đam Rông xây dựng mô hình các điểm mua bán hàng hóa vật tư, nông cụ, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất cùng các mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng địa phương. Riêng các mặt hàng đặc sản, đặc trưng của 2 huyện này tập trung phân phối tại trên từng điểm bán hàng được bố trí xây dựng phù hợp như: Điểm bán hàng “Tinh hoa hàng Việt Nam”, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Với mô hình phân phối chủ lực, huyện Lâm Hà và huyện Đam Rông mở rộng kết nối cung cầu, tổ chức liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ quy mô vừa và nhỏ phù hợp với nhu cầu thị trường địa phương. Trong đó chủ thể được xác định là doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, dự trữ hàng hóa nông sản. Ngoài ra còn xây dựng kênh phân phối  hợp nhất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã trong huyện Đam Rông và huyện Lâm Hà để tập trung hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đảm bảo số lượng và chất lượng theo nhu cầu khách hàng.

Đưa nông sản lên các kênh phân phối hiện đại

Để thúc đẩy phát triển các mặt hàng tiềm năng, lợi thế, huyện Lâm Hà và huyện Đam Rông khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ sản xuất…đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài; truy xuất nguồn gốc nông sản từ đầu vào đến khâu lưu thông, phân phối; tập huấn, tiếp cận khoa học công nghệ sản xuất tiên tiến, bảo quản sau thu hoạch, đạt các tiêu chuẩn chứng nhận OCOP. Mặt khác tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu nông sản, kết nối giao thương gắn với du lịch canh nông, kết nối cung cầu để đưa hàng hóa lợi thế đặc trưng, tiềm năng của huyện Lâm Hà và huyện Đam Rông tiêu thụ ổn định, bền vững tại các kênh phân phối hiện đại trong và ngoài nước.  

Về nhiệm vụ phát triển hạ tầng thương mại, huyện Lâm Hà và huyện Đam Rông triển khai xây dựng mở rộng và đưa vào hoạt động theo quy hoạch lần lượt các chợ Nam Ban, Tân Hà, Bằng Lăng. Bên cạnh đó khuyến khích thu hút đầu tư hệ thống siêu thị, trung tâm thương mai, chuỗi cửa hàng bán buôn, bán lẻ. Đáng kể với dịch vụ hỗ trợ thương mại, huyện Lâm Hà và huyện Đam Rông quan tâm “hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistic, ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh, tham gia các sản thương mại điện tử, trên nền thiết bị di động, giải pháp e-marketing để hỗ trợ xuất khẩu các mặt hàng nông sản tiềm năng, lợi thế và mở rộng tiêu thụ trong nước; thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp…”, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết.

Cũng theo UBND tỉnh Lâm Đồng, nhiệm vụ phát triển thương mại huyện Đam Rông và huyện Lâm Hà đến năm 2025 mong muốn đạt kết quả cao phải phối hợp nhiều giải pháp. Đó là khuyến khích người dân thành lập doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp theo sau đó tạo điều kiện để thương nhân, doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất trên địa bàn được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tiếp cận và kết nối với thị trường trong và ngoài nước.

 Về lâu dài, huyện Đam Rông và huyện Lâm Hà tích cực hỗ trợ bằng các giải pháp khác nhau, nhất là về cơ chế chính sách nhằm giúp thương nhân, doanh nghiệp lớn liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình… hàng năm gắn sản xuất bền vững với tiêu thụ ổn định các mặt hàng có lợi thế so sánh ở địa phương.

Tháng 10/2021