Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2021

Hiện thực hóa Nghị quyết ở xã nông thôn mới nâng cao

VĂN VIỆT

Hơn mười năm hiện thực hóa Nghị quyết cấp ủy địa phương, xã thuần nông An Nhơn, huyện Đạ Tẻh đã tạo ra những bước đột phá, tăng tốc trên nhiều lĩnh vực, trở thành xã nông thôn mới vào năm 2015, xã nông thôn mới nâng cao năm 2020 và hướng tới mục tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Lâm Đồng vào năm 2025.

Bài 1/ Bám sát thực tiễn để xây dựng Nghị Quyết

 

Từ chủ đề  “Đoàn kết, đổi mới, phát huy nội lực, tranh thủ đầu tư, phấn đấu xây dựng xã An Nhơn cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới gắn với xã văn hóa vào năm 2015” đến chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động mọi nguồn lực, xây dựng xã An Nhơn Phát triển bền vững đến năm 2025”, Đảng ủy xã An Nhơn chỉ đạo các cơ sở Đảng trực thuộc bám sát thực tiễn để xây dựng Nghị quyết với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp.  

Lúa chất lượng cao doanh thu tăng 70% sau 5 năm xây dựng Nghị Quyết

Để xây dựng Nghị quyết chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, phát huy nội lực, tranh thủ đầu tư, phấn đấu xây dựng xã An Nhơn cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới gắn với xã văn hóa vào năm 2015”, Đảng ủy xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh đã căn cứ kết quả phân tích, đánh giá toàn diện thực tiễn trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, những nguyên nhân đạt được và cả những nguyên nhân tồn tại, yếu kém cần khắc phục. Theo đó, công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2010- 2015, Đảng ủy xã An Nhơn đã chỉ đạo Chi bộ 11/11 thôn trực thuộc về nâng cao chất lượng sinh hoạt, năng lực lãnh đạo của cấp ủy, Bí thư, Phó Bí thư. Đã cử 15 Đảng viên đi học Đại học, trung cấp chuyên môn, lý luận chính trị. Kết quả chuẩn hóa 18 chức danh cán bộ xã. Mỗi năm trung bình kết nạp 9 Đảng viên mới, trong đó chiếm 60% là Đảng viên nông thôn. Hàng năm có 70- 80% tổ chức Chi bộ trực thuộc đạt “Trong sạch vững mạnh”, không có chi bộ yếu kém. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đến năm 2010, diện tích lúa chất lượng cao toàn xã An Nhơn đạt 400ha, doanh thu 65- 70 triệu đồng/ha, tăng 70% so với năm 2005 và giá trị tăng cao hơn sản xuất lúa thường 8- 10 triệu đồng/ha/năm. Tỷ lệ shin hóa đàn bò gần 53%, nạc hóa đàn heo gần 74%. Duy trì giao khoán cho Nhân dân quản lý bảo vệ rừng 1.495ha, đảm bảo độ che phủ rừng đạt 64%. 

Tổng vốn đầu tư xây dựng kiên cố hóa kênh mương, đập Tố Lan, đường điện trung, hạ thế, trường, trạm, giao thông nông thôn gần 26 tỷ đồng. Toàn xã có 900 hộ dân, trong đó khoảng 70% là người đồng bào dân tộc thiểu số không còn hộ đói; hộ khá giàu năm 2010 tăng 20- 30% so với năm 2005. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ” đạt 4 thôn văn hóa, 5 khu dân cư tiên tiến, 70% số hộ gia đình văn hóa, 11/11 thôn có quy ước khu dân cư đã được phê duyệt…

Kết thúc nhiệm kỳ 2010- 2015, Đảng ủy An Nhơn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém “Các chi bộ còn lúng túng trong vai trò hạt nhân lãnh đạo, sức chiến đấu chưa được nâng lên, năng lực lãnh đạo của một số Chi ủy, Bí thư, Phó Bí thư ở Chi bộ nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu; nội dung sinh hoạt còn nghèo nàn, việc quản lý, phân công nhiệm vụ cho Đảng viên chưa cụ thể, việc tự phê bình và phê bình của Đảng viên chưa mạnh dạn. Công tác bố trí sắp xếp cán bộ còn bất cập, việc quy hoạch cán bộ còn lúng túng, vừa thiếu, vừa yếu, chưa có tính bền vững… ” Hoặc trên lĩnh vực nông nghiệp, Đảng ủy xã An Nhơn chỉ ra những tồn tại từ thực tiễn là: Sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng 93,2% trong cơ cấu kinh tế, nhưng giá trị sản xuất, giá trị tăng thêm vẫn chưa cao. Ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại ở địa phương chậm phát triển. Nguồn vốn đầu tư tăng mạnh, nhưng chủ yếu trên lĩnh vực xây dựng, chưa đáp ứng kịp với nhu cầu phát triển sản xuất bền vững…

Từ căn cứ trên, Đảng ủy xã An Nhơn xác định nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 2010- 2015 với 6 chương trình trọng tâm là: Mở rộng diện tích lúa chất lượng cao; chuyển đổi mùa vụ các vùng sản xuất có điều kiện; phát triển kinh tế rừng; xây dựng xã nông thôn mới gắn với xã văn hóa; phát triển giáo duc và y tế; xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Và 3 công trình trọng điểm gồm: Triển khai thực hiện định hướng quy hoạch trung tâm cụm xã; đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, kênh mương nội đồng, nước sạch giai đoạn 1 đề án nông thôn mới 2010- 2015; đường vành đai chống lũ xã An Nhơn- thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh.    

Năng suất lúa tăng 4,8% so với Nghị quyết

Hiện thực hóa Nghị quyết vào năm 2015, xã An Nhơn đạt các tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới của huyện Đạ Tẻh. Tiếp tục tổng kết thực tiễn, Đảng ủy xã An Nhơn đã xây dựng và thực hiện có kết quả đáng kể những chỉ tiêu Nghị quyết thông qua giai đoạn năm 2015- 2020. 

Cụ thể về công tác xây dựng Đảng đã kết nạp 33 Đảng viên mới, đạt 132% so chỉ tiêu. Trong cả nhiệm kỳ này, Đảng bộ xã An Nhơn giữ vững Trong sạch vững mạnh. Trong đó năm 2018 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 90% Chi bộ trực thuộc đạt Trong sạch vững mạnh, vượt chỉ tiêu 10%. Chính quyền, Mặt trận Tổ Quốc và các đoàn thể chính trị xã hội đạt vững mạnh 5 năm liền, trong đó có 3 đoàn thể xuất sắc. Đặc biệt các chỉ tiêu về phát triển kinh tế đã tăng lên đáng kể so với Nghị Quyết đề ra. Tiêu biểu như diện tích gieo trồng hàng năm đạt 2.618ha, bao gồm diện tích lúa nước lên đến 1.565ha, tăng lần lượt so với Nghị quyết là 5,1% và 1%. Tương ứng năng suất đạt 52,4 tạ/ha, sản lượng quy thóc đạt 9.027,5 tấn, tăng tỷ lệ 4,8% và 6,2% Nghị quyết. Cũng so với Nghị quyết đến cuối năm 2020, toàn xã An Nhơn đã chuyển đổi mùa vụ sản xuất đạt 161ha, tăng 7,3%; thu nhập bình quân đầu người 46 triệu đồng, tăng 30 triệu đồng sau 5 năm xây dựng Nghị quyết. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1%, giảm 2,45% so Nghị quyết.

Đặc biệt kết quả thực hiện các chương trình trọng tâm và công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đảng ủy xã An Nhơn triển khai năm 2015- 2020 đáng ghi nhận. Đó là Chương trình chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa với 1 vụ màu và dưa hấu đạt 161ha; chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả khác sang trồng cây ăn trái, dâu tằm, tràm, tre tầm vông…hàng năm gần 147ha. Chương trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cánh đồng lớn theo quy trình VietGAP 326ha; cánh đồng hữu cơ GlobalGAP 9,5ha; tăng 5,1% giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích sản xuất. Chương trình phát triển kinh tế- xã hội thôn đồng bào dân tộc thiểu số Tố Lan hàng năm xây dựng nâng cấp đường trục thôn, đường điện thắp sáng, hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu để chăm sóc 5ha cà phê; phát triển tổng diện tích tre tầm vông 47,8ha/43 hộ. Và đó là 3 công trình trọng điểm được xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả theo Nghị quyết đề ra giai đoạn 2015- 2020 gồm: Hoàn thiện giai đoạn 2 công trình bố trí khu dân cư tránh lũ với kinh phí 1 tỷ đồng; công trình kè bờ chống sạt lở mương tiêu úng hồ Đạ Hàm từ thôn 5B đến thôn 2 với kinh phí 4 tỷ đồng đã đưa vào sử dụng; nhà nước hỗ trợ gần 3 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp  hơn 1,5 tỷ đồng với tất cả 6 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng ổn định…

“Thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ 2015- 2020 đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt. Tuy nhiên trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ chưa phát triển mạnh. Việc đầu tư sản xuất, chăn nuôi chưa thực sự đảm bảo theo hướng hàng hóa. Đời sống một bộ phận người đồng bào thiểu số còn khó khăn… ”, Đảng ủy xã An Nhơn nhận định. Và từ căn cứ thực tiễn giai đoạn này, Đảng ủy xã An Nhơn thông qua Nghị quyết phấn đấu đến năm 2025 đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Lâm Đồng, trong đó xác định các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện hiệu quả 3 chương trình trọng tâm và 2 công trình trọng điểm là: 

Chương trình sản xuất lúa hữu cơ, GlobalGAP; Chương trình trồng, chăm sóc, mở rộng diện tích tre tầm vông vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng chất lượng cao; công trình đầu tư kết cấu hạ tầng vùng sản xuất 300ha lúa chất lượng cao; công trình đường tránh lũ ngập lụt Đạ Mí…

tháng 10/2021

Bài 2/ Cụ thể hóa Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống