Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

Thiên tai cả nước diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường

 VĂN VIỆT

· Lâm Đồng chủ động các nhóm giải pháp ứng phó thiên tai những tháng còn lại trong năm 2021

Sáng ngày 4/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng chủ trì hội nghị.

Tại đầu cầu Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S và Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Văn Sơn cùng chủ trì hội nghị với sự tham dự của các sở, ngành chức năng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 năm 2020, thiên tai trên thế giới đã diễn ra hết sức phức tạp và dị thường với gần 500 đợt quy mô quốc gia và khu vực; 30 cơn bão xuất hiện trên Đại Tây Dương. Hậu quả làm 8.200 người chết, mất tích, tổng thiệt hại hơn 210 tỷ USD.

Ở trong nước, thiên tai vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền với 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới, 265 trận giông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long…làm 357 người chết, mất tích. Tổng thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng.  

Công tác chỉ đạo ứng phó thiên tai của Chính phủ, Ban Chỉ đạo và các cấp, các ngành kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, bám sát yêu cầu thực tiễn, đi vào chiều sâu và hiệu quả. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã trực tiếp đến khu vực bị ảnh hưởng của lũ, bão để chỉ đạo công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn. Lãnh đạo Ban Chỉ đạo đã chủ trì 27 cuộc họp, triển khai 16 đoàn công tác đến các địa phương chỉ đạo ứng phó và khắc phục hiệu quả thiên tai.

Ngoài ra Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid 19 chỉ đạo các bộ, ngành địa phương triển khai các phương án đảm bảo an toàn về phòng chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh…

Sau các đợt thiên tai, Ban Chỉ đạo hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát tổng hợp thiệt hại và cùng các cơ quan đã trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 8.681 tỷ đồng, gần 23.000 tấn gạo, 6.400 tấn lúa giống các loại; 14 triệu viên hóa chất lọc nước; 20 xuồng cao tốc; 23.146 phao cứu sinh các loại; 8 máy phát điện cho các địa phương bị thiệt hại.

Ngoài sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ, các tổ chức xã hội, đoàn thể đã quyên góp hàng trăm tỷ đồng tiền mặt, hàng hóa cứu trợ các địa phương bị thiệt hại. Các tổ chức quốc tế ADB, JICA, AHA, UNDP…và một số nước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc…thông qua Ban Chỉ đạo đã hỗ trợ tiền và hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 25 triệu USD. Các tổ chức tài chính quốc tế WB, ADB xúc tiến 2 dự án ODA hỗ trợ khoảng 550 triệu USD cho người dân miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai…

Trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng trong ănm 2020 xảy ra 17 đợt mưa lớn, 1 đợt mưa đá, 18 đợt lốc xoáy, 4 vụ sét đánh, 1 vụ sương muối, 4 vụ sạt lở đất…làm 8 người chết và bị thương, thiệt hại 208 căn nhà, 477ha hoa màu, 456ha cây lâu năm, 38ha nhà kính, nhà lưới…ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng, giảm 185 tỷ đồng so với năm 2019.

Riêng 3 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra 4 đợt mưa lớn, mưa đá và lốc xoáy, 2 vụ sét đánh, thiệt hại 170ha lúa, 80 căn nhà với tổng giá trị khoảng 10 tỷ đồng.  

Những tháng còn lại năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chủ động các giải pháp phòng chống thiên tại gồm: đảm bảo an toàn hệ thống công trình kênh mương, hồ chứa, thủy lợi; tổ chức trực ban 24/24 giờ nắm chắc tình hình diễn biến thiên tai để kịp thời chỉ đạo xử lý; kịp thời sửa chữa, khắc phục các tuyến đường xung yếu, các đoạn đường đèo thường xảy ra sạt lở, gây ách tắc giao thông; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời ứng phó, cứu nạn, cứu hộ, đưa người dân đến nơi an toàn…

Hội nghị đã nghe đại diện các tỉnh Hà Giang, Quảng Nam, Cà Mau, các Bộ Công thương, Lao động và Thương binh Xã hội, Cơ quan đại diện Liên Hiệp quốc tại Việt Nam đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, rút ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và những đề xuất kiến nghị giải pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại trong thời gian tới…

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận, biểu dương kết quả công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong cả nước đã nhanh chóng ổn định đời sống người dân. Điều này thể hiện sự vào cuộc tích cực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu quân đội, công an, báo chí.

Đồng thời Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng lưu ý những tồn tại về nguồn lực đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu, còn thiếu các phương tiện chuyên dùng, dẫn đến thiệt hại do thiên tai năm 2020 vẫn còn lớn. Việc hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau thiên tai ở một số địa phương còn chậm. Nguyên nhân khách quan do các loại hình thiên tai diễn ra bất thường, khốc liệt trong thời gian dài, khó dự báo. 

Nguyên nhân chủ quan do công tác lãnh đạo, chỉ đạo một số nơi chưa kịp thời, cương quyết, còn phản ứng chậm, lúng túng. Việc nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phòng, chống thiên tai còn hạn chế; có thời điểm chưa phát huy đầy đủ và hiệu quả cao đối với vai trò lực lượng xung kích địa phương.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ ra bài học kinh nghiệm thứ nhất đối với công tác dự báo cần chính xác hơn, nhất là dự báo các khu vực ngư dân đi biển. Thứ hai là vai trò người đứng đầu phải sâu sát thực tế, triệt để chỉ đạo thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ” để hạn chế những thiệt hại tối thiểu nhất.

Yêu cầu phòng ngừa, ứng phó thiên tai cần quan tâm toàn diện hơn, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid- 19, đòi hỏi Ban Chỉ đạo Trung ương và địa phương phải chủ động các phương án ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh các cơ quan Trung ương và địa phương nâng cao hơn nữa năng lực dự báo kịp thời, chính xác, ưu tiên đầu tư trang thiết bị đáp ứng hiệu quả triển khai phòng, chống thiên tai. Tập trung xử lý các công trình trọng yếu đê điều, từng bước chuyển đổi nghề cho người dân ở các khu vực nguy hiểm do thiên tai. Thúc đẩy hợp tác quốc tế đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, vận hành công cụ hỗ trợ công tác điều hành phòng, chống thiên tai mang lại hiệu quả kịp thời, chuẩn xác hơn.

Với mục tiêu lấy sự an toàn của người dân làm thước đo hiệu quả chính trong phòng, chống thiên tai, phân công Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thương trực. Xác định lực lượng quân đội, công an là chủ công, tuyến đầu. Phát huy tối đa phương châm “Bốn tại chỗ”, trong đó chú trọng xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai trong tình hình dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp. 

Các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương tăng cường thông tin kịp thời diễn biến thiên tai để người dân và chính quyền địa phương có giải pháp phù hợp. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, rà soát, bổ sung các quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai để thực hiện phù hợp, hiệu quả hơn. Phải quyết tâm thật cao mới mong muốn hạn chế thấp nhất thiệt hại thiên tai gây ra trong năm 2021 này…