Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

“Cây trồng hiệu năng”- những trăn trở mới (bài 2)

Lan tỏa danh phận nhà nông

Ghi chép VĂN VIỆT

Đi qua nhiều giai đoạn chuyển đổi nguồn giống cây trồng mới, kỹ thuật công nghệ, phương thức canh tác hiện đại, tiếp cận đa dạng thị trường…,ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã dần dần hiện thực hóa nhiều giải pháp chính sách giúp nhà nông thực hành, lan tỏa danh phận không chỉ lao động sản xuất đơn thuần mà còn ở tư cách chủ thể, vị trí đối tác, các “diễn giả”, “chuyên gia” truyền cảm hứng khởi nghiệp, chia sẻ những trăn trở đối với thế hệ nhà nông mới tiếp bước xây dựng mô hình “cây trồng hiệu năng” trên cánh đồng…

Tìm thấy giá trị cốt lõi của cà phê đặc sản

Trở lại câu chuyện của chủ nhân Trang trại Cà phê Pacamara Nguyễn Văn Sơn càng thấy thêm rõ nét hình ảnh một nhà nông tâm huyết, kiên nhẫn và luôn tràn đầy năng lượng đồng hành với tương lai hứa hẹn của cà phê đặc sản của cao nguyên Đà Lạt. Còn nhớ từ năm 2005, người đàn ông Nguyễn Văn Sơn vào khu vực bìa rừng thông Đà Lạt khởi nghiệp nghề nông với 4ha cà phê Katimor, một chi của giống cà phê Arabica định canh lâu đời ở đây. Thời điểm này, cây cà phê Katimor của trang trại đã gần 30 năm tuổi; còn ông Sơn thì đã chạm ngưỡng tuổi 43. Góc nhìn kinh tế nông nghiệp của ông Sơn là tái canh trồng mới các giống cà phê Arabica đã sinh trưởng cả trăm năm nơi độ cao trên dưới 1.500m của thành phố Đà Lạt so với mặt biển. Nhưng thay vì theo tuần tự 4 yếu tố “nước, phân, cần, giống” theo quy trình canh tác cũ, bước đi đầu tiên của ông Sơn là thay thế toàn bộ các nguồn cây giống cà phê Arabica được chọn tạo, tác động của biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến để cho ra đời thế hệ mới đạt “hiệu năng” tối ưu nhất. Tư duy phát triển cây trồng giá trị cao trên đơn vị diện tích vừa lóe lên đã nhanh chóng hối thúc ông Sơn đi khảo sát, kiếm tìm khắp các vùng đồi núi cao chuyên canh cà phê  trong nước, kết quả đã quyết định chọn mua 15.000 cây giống cà phê Arabica các loại từ một khu vườn ươm cà phê đầu dòng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại tỉnh Đắk Lắk đưa về trồng cùng một lúc thay thế cây phê đã cạn kiệt nhựa sống trên tất cả 4ha Trang trại Cà phê Pacamara ngày nay.

Vậy là hàng ngày ông Sơn gần gũi thân thiện, thấu cảm đặc tính sinh trưởng của từng cây, từng hàng cà phê Arabica thế hệ mới để điều chỉnh các chế độ chăm sóc tối ưu nhất trên vùng sinh thái cà phê Arabica thế hệ lâu đời của thổ nhưỡng ôn đới Đà Lạt. Vụ mùa thu hoạch nối bước đi qua, ông Sơn tổ chức thu hái, rang xay cà phê nhân quy mô thủ công tại chỗ và thưởng thức chậm rãi, nghe giác quan của mình xét đoán đây những hương vị “cà phê trái cây” có một không hai ở vùng chuyên canh cà phê Arabica Đà Lạt. Nhờ lợi thế của vùng đất thiên đường du lịch, các chuyên gia cà phê trên thế giới đã lên Đà Lạt nghỉ dưỡng và đã khám phá ra thông tin có khu vườn cà phê Arabica đặc hữu và động viên nông dân Nguyễn Văn Sơn đem sản phẩm xúc tiến thương mại tại một hội chợ quốc tế ở thành phố Buôn Mê Thuộc, tỉnh Đắk Lắk. Hội chợ bế mạc, các chuyên gia cà phê quốc tế xác định cà phê Arabica của nhà nông Nguyễn Văn Sơn gồm các chi, họ có nguy cơ tuyệt chủng nguồn gen, nhưng đang đơm hoa kết trái với chất lượng đặc sản của thế giới. 

Đó là các dòng tên sáng giá của giống “cà phê mẹ” Arabica gồm: Pacamara, Bourbom, Typica,  Caturaa, Catuai…Không bỏ lỡ cơ hội, nhà nông Nguyễn Văn Sơn đã gửi các mẫu cà phê ở Đà Lạt này sang Hiệp hội Cà phê đặc sản Hoa Kỳ phân tích các thành phần chất lượng. Không lâu sau, Hiệp hội này công bố kết quả “chấm thi” đạt 80- 90/ 100 điểm- thuộc tiêu chuẩn cà phê đặc sản chất lượng cao trên thế giới…

Lạc bước vào khu vườn cà phê robusta đa tầng thực vật

Bây giờ chủ nhân Trang trại Cà phê đặc sản Pacamara Đà Lạt Nguyễn Văn Sơn hàng ngày bận rộn thêm công việc “diễn giả” cho khá nhiều khách du lịch trải nghiệm, nghiên cứu khoa học, sinh viên, học sinh thực tập, người lao động khắp nơi tiếp nhận về làm việc nơi đây. Tương tự với nhà nông đồng niên Nguyễn Văn Sơn, nhà nông Trịnh Tấn Vinh ở vùng cà phê Robusta ở Đinh Lạc, huyện Di Linh nhiều năm qua thường “đăng đàn” đánh giá, phân tích, nhận định dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn sản xuất hữu cơ trên nhiều diễn đàn hội thảo nông nghiệp, chương trình OCOP cùng các hội chợ quy mô quốc gia và quy mô các nước trong khu vực. Phóng viên trở lại khu vườn cà phê hữu cơ 1ha của ông Vinh thuộc khu vực Tân Phú 2, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh sau những ngày mưa cuối tháng 5/2021, được lạc bước trong một quần thể thiên nhiên tái tạo êm dịu, đa tầng thực vật. Thời điểm này trên bề mặt khu vườn diện tích 1ha đang trải thảm xanh mơn mởn của cây đậu (lạc) dại lặng lẽ giữ đất tơi xốp, khơi thông thoáng không khí, ổn định môi trường thân thiện cho vi sinh vật có lợi phát triển, cho rễ cây thương phẩm tha hồ tiếp nhận chất dinh dưỡng hàng ngày. Trên tầng cây ở giữa với chiều cao trên dưới 3m là không gian cộng sinh của hơn 1.000 cây cà phê Robusta với khoảng 150 cây mắc ca đang vào thu bói. Và chiều cao từ 5m trở lên phân bổ 40 cây sầu riêng thực sinh đang kết từng chùm trái non tơ trên cành, hứa hẹn thêm một mùa bội thu trong vài tháng tới. Đặc biệt với toàn bộ hơn 1.000 cây cà phê Robusta 25 năm tuổi định canh trong vườn, nhà nông Trịnh Tấn Vinh đã giữ lại để bồi bổ, ghép cải tạo với mầm chồi đầu dòng cà phê Robusta mới, ổn định năng suất trên dưới 3 tấn nhân/năm, giảm tỷ lệ hơn 30% năng suất khi chưa áp dụng quy trình canh tác cộng sinh này, nhưng lợi nhuận được tích hợp theo giá trị gia tăng chiến lược vững bền. 

Điều này nhà nông Trịnh Tấn Vinh diễn giải với phóng viên: “ Sau một thời gian trồng cây lạc trên vườn cà phê đã tạo một lớp thảm thực vật che phủ đất. Lớp thảm phủ này không những giúp giảm đáng kể sự rửa trôi và xói mòn đất; mà còn làm cho đất tơi xốp và thông thoáng, nâng cao độ pH và chất dinh dưỡng của đất. Cùng với đó, việc tăng cường sử dụng phân hữu cơ, men sinh học đã làm cho đất khỏe và màu mỡ hơn… ”

Nhà nông Trịnh Tấn Vinh chỉ đường phóng viên sang khu vườn cà phê Robusta canh tác bằng biện pháp hóa học của chủ nhân ở bên cạnh để đối chứng. Qua đó dễ dàng cảm nhận như lời thuyết minh tiếp sau đó của “chuyên gia” Trịnh Tấn Vinh “ Trạng thái đa tầng cây trên 1ha khu vườn chúng tôi đã tạo ra môt buồng phổi xanh khổng lồ làm cho không khí êm dịu và đất đai giàu độ ẩm; nhiệt độ hàng ngày xuống thấp hơn rất nhiều so với nhiệt độ khu vườn của chủ nhân bên cạnh trồng thuần cà phê Robusta không có thảm phủ đất và cây che bóng…” Tìm hiểu sâu hơn được biết, nhà nông Trịnh Tấn Vinh bắt đầu phá thế sinh trưởng riêng lẻ của cây cà phê Robusta từ mười ba năm trước- khi được ngành nông nghiệp Lâm Đồng “xét tuyển” tập huấn dài ngày thuộc một dự án sản xuất cà phê bền vững đến từ châu Âu. Trăn trở với giải pháp canh tác mới khu vườn sau những ngày làm học viên, nhà nông Trịnh Tấn Vinh hăm hở thực hành danh phân là một kỹ thuật viên cắt cành, tỉa tán, tạo sự quang hợp cân đối cho cành lá bên trên; vun bồi thảm thực vật xanh khép tín từng gốc cây bên dưới.

Cần mẫn, miệt mài, sáng tạo ra từng công đoạn kỹ thuật tương ứng sau mỗi thời vụ, kết quả khu vườn cộng sinh sản xuất cà phê Robusta hữu cơ của nhà nông Trịnh Tấn Vinh “hiển thị” thêm những phát hiện bất ngờ mới- phát hiện hương vị mật ong trong hạt nhân cà phê sơ chế, chế biến. Từ nhận biết này đã làm cho danh nghĩa, chức phận và địa vị của nhà nông Trịnh Tấn Vinh lan tỏa từ vùng chuyên canh cà phê Robusta Lâm Đồng đến lĩnh vực công nghiệp chế biến và hiện diện trên các kênh thương mai điện tử trong và ngoài nước…/.

THÁNG 6/2021

BÀI 3/ ĐỂ “CÂY TRỒNG HIỆU NĂNG” KHÔNG LỠ NHỮNG “CHUYẾN TÀU”