Để không "lỡ chuyến tàu"
Ghi chép VĂN VIỆT
Trong xu thế tự do hóa thương mại toàn cầu, để không "lỡ chuyến tàu" cạnh tranh hội nhập sản phẩm"cây trồng hiệu năng" ra “biển lớn”, ngành nông nghiệp Lâm Đồng xác định các vùng nông sản chiến lược để đồng hành cùng nông dân chuyển đổi nguồn giống, kỹ thuât chăm sóc, thu hoạch sản phẩm hàng hóa tích hợp những giá trị kết tinh từ tài nguyên vàng địa phương, phù hợp với dự báo cân đối cán cân cung- cầu, nhằm phá vỡ nghịch lý được mùa mất giá tái diễn trong nhiều năm qua…
Chuyển đổi canh tác từ “cuốc xới” sang “vun bồi”
Tiếp tục chuyện kể về nhà nông Trịnh Tấn Vinh - “kỹ thuật viên” chăm sóc cà phê Robusta đang tầng thực vật ở khu vực Tân Phú 2, xã Tân Lạc, huyện Di Linh thu hoạch trong niên vụ 2020- 2021 đạt hơn 3 tấn hạt nhân. Trong đó tỷ lệ trái chín thu hái cà phê hương mật ong chiếm từ 45- 50%. Quy trình sơ chế, chế biến khá công phu và nghiêm ngặt tiêu chuẩn sạch từ khâu ngâm ủ, tách vỏ hạt lụa đến khâu sấy gió, hong khô ánh sáng trong nhà kính rồi đóng bao lưu trữ thoáng khí, khâu phân loại, xay xát hạt nhân, rang xay, đóng gói 2 dòng cà phê bột Robusta mật ong và cà phê Robusta mộc thương hiệu Thuần Trịnh, tổng cộng thời gian “vận hành” khoảng một tháng hơn. Đưa sản phẩm tiếp cận làm quen với thị trường cạnh tranh đa dạng, nhà nông Trịnh Tấn Vinh tiêu thụ đều đặn sản phẩm cà phệ mật ong Robusta và cà phê mộc Robusta Thuần Trịnh trên các kênh bán hàng trực tuyến toàn cầu, đồng thời duy trì kinh doanh qua các điểm tiếp thị, phân phối tại thị phần TPHCM. Kết quả sản lượng cà phê hơn 70% “gặt hái” trong đa tầng thực vật của nhà nông Trịnh Tấn Vinh chế biến tại chỗ; hơn 30% sản lượng còn lại bán cho thương lái ngoài hợp đồng với dạng hạt nhân. So với phương pháp canh tác độc canh thông thường thì phương pháp canh tác cà phê Robusta cộng sinh đa tầng cây của ông Vinh đã giảm toàn bộ chi phí đáng kể về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; đạt chất lượng sản phẩm hữu cơ đặc trưng vùng cao nguyên Di Linh. Nhờ đó ngày càng thu hút khách hàng nội địa, nước ngoài đón nhận, lựa chọn sử dụng giá thành sản phẩm thương hiệu Thuần Trịnh cao hơn gấp nhiều lần so với sản phẩm canh tác sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Theo “chuyên gia” Trịnh Tấn Vinh thì đây là phương thức canh tác chuyển đổi từ “cuốc xới” sang “vun bồi” bằng thảm cỏ, hữu cơ và vi sinh…“Vài năm nữa rồi vài chục năm nữa, đời con cháu chúng ta sẽ là những người gánh chịu hậu quả do môi trường ô nhiễm hay thụ hưởng hạnh phúc với môi trường trong lành ? Trả lời câu hỏi này tùy thuộc một phần vào mỗi nhà nông chúng ta có ứng xử thân thiện với cây trồng từ ngày hôm nay hay không… ”, nhà nông Trịnh Tấn Vinh trăn trở.
“Chuyến tàu” mới gắn kết các “toa tàu” khép kín sản xuất đến tiêu thụ
Cách khu vườn cà phê Robusta của “chuyên gia” Trịnh Tấn Vinh khoảng một cây số là khu vườn mắc ca xen canh cà phê của người phụ nữ 7X Mai Thị Dược đang xây dựng vị trí trên “chuyến tàu” đưa nông sản từ vườn nhà hướng ra thị trường hòa nhập. Khu vườn 0,5ha cà phê hơn 15 năm tuổi sinh trưởng xen canh khoảng 60 cây mắc ca của bà Dược tại thôn 8, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh hình thành định canh từ năm 2007. Đến năm 2017, quy trình chăm sóc cả 2 cây này của nông dân Mai Thị Dược đều “ưu ái” như nhau theo quy trình kỹ thuật tối ưu nhất của khuyến nông, đạt “lợi nhuận kép” trung bình mỗi năm 3 tấn nhân cà phê và 25kg quả mắc ca/cây. Cà phê thì có thương lái địa phương thu mua ngoài hợp đồng rồi thanh toán “giá sau”; còn mắc ca thì thị trường lúc đó rất “chật hẹp”, chủ yêu lưu thông quanh quẩn trên làng, dưới xóm, ngoài xã với thành phẩm rang thủ công trên lò điện nướng chế biến thức ăn trong gia đình.
Nhưng cũng chính trải nghiệm qua “thị trường làng, xã”, nông dân Mai Thị Dược đã “trưởng thành” bước ra khỏi khu vườn làm một thương nhân điều hành 10 điểm bán hạt mắc ca rang xay lò điện nhỏ tại mặt đường Quốc lộ 20 kéo dài vài trăm mét thuộc thôn 8, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh. Từ đó khu vực này quen thuộc trên những chuyến xe lữ hành du lịch đường xa dừng chân lại mua hạt mắc ca rang hạt nhân ăn tại chỗ hoặc làm quà đặc sản xứ Nam Tây Nguyên. Gắn kết nhanh từ đối tượng khách hàng ban đầu, thương nhân Mai Thị Dược “bắc cầu” đến những khách hàng chiến lược về các địa phương tỉnh, thành phía Nam. Rồi qua phản hồi, góp ý về kỹ thuật giữ lại hương vị tự nhiên của hạt nhân mắc ca; về kỹ thuật khứa nứt mắc ca; về bao bì sản phẩm…, nắm bắt qua các nguồn dữ liệu về nhu cầu thị trường bán lẻ mắc ca ở các điểm du lịch biển miền Trung, thương nhân Mai Thị Dược đã hiện thực hóa những trăn trở của mình với việc đầu tư mới dây chuyền máy móc sấy mắc ca bằng nhiệt điện liên tục trong 80 tiếng đồng hồ, tối đa hóa công suất mỗi tuần chế biến 700- 1.120kg nguyên liệu quả mắc ca tươi, sấy nhiệt xuất xưởng thành phẩm từ 500kg đến 800kg quả khô.
Đó thời điểm đầu năm 2019, để chính thức vận hành hệ thống dây chuyền thiết bị khép kín mới chế biến quả mắc sấy nhiệt, nông dân- thương nhân Mai Thị Dược đã đi nhiều “dặm trường” tiếp thị mặt hàng “mắc ca mẫu” đến các điểm du lịch vùng biển Vũng Tàu trở ra Ninh Chữ, Nha Trang, Phú Yên, Quy Nhơn, Đà Nẵng…để thỏa thuận giao ước hợp đồng đầu ra. Chưa hết, nông dân- thương nhân Mai Thị Dược còn xây dựng các nhóm bán hàng qua hệ thống thương mại điện tử, qua các kênh bán hàng trực tuyến uy tín trong nước và nước ngoài, làm căn cứ xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh theo từng giai đoạn. Và nhờ vậy, danh phận của nông dân Mai Thị Dược với vai trò mới- vai trò Giám đốc Công ty TNHH Mắc ca Mai Thao. Ngay sau đó, công ty tăng thêm diện tích trồng mắc ca nguyên liệu gồm 0,5ha trồng thuần (mật độ 375 cây/ha) và 0,5ha trồng xen với cà phê ( mật độ 120 cây/ha). Rồi với vị trí chủ doanh nghiệp, bà Mai Thị Dược lại “dặm trường” làm quen từ chục hộ đến hàng chuc hộ và lên đến hơn 100 hộ liên kết trồng mắc ca nguyên liệu chế biến, mỗi hộ trung bình chăm sóc từ 0,5- 1ha.
“Trong niên vụ mắc ca xen canh và chuyên canh vừa qua, Công ty TNHH Mắvc ca Mai Thao chúng tôi thu mua đến 70% sản lượng mắc ca của hộ nông dân liên kết . 30% sản lượng mắc ca còn lại, hộ liên kết được quyền tiêu thụ qua các đầu mối thương nhân khác. Lợi nhuận riêng từ cây mắc ca của hộ liên kết ước tính đạt khoảng 200 triệu đồng/ha. Trước thị trường đầu ra nhiều triển vịng, Công ty TNHH Mắc ca Mai Thao chúng tôi đang tiếp tục đầu tư mở rộng nhà xưởng, thiết bị chế biến tăng công suất gấp đôi, đáp ứng nhu cầu đặt hàng mới không chỉ trong nước mà đặc biệt trong hợp đồng khách hàng đến từ châu Âu… ”, chủ doanh nghiệp Mai Thị Dược cởi mở.
Phóng viên cũng đã về vùng nông nghiệp xã Nam Hà, huyện Lâm Hà khám phá những giá trị cốt lõi của “cây trồng hiệu năng” với nhiểu hình mẫu tương tự chủ thể nông dân Mai Thị Dược kể trên. Đó là nông dân Nguyễn Văn Đóa (sinh năm 1971) trở thành Giám đốc HTX Măng tây xanh Langbiang sau những ngày tháng tiên phong chuyển đổi trồng măng tây công nghệ cao gắn với thị trường. Tính đến giữa tháng 6/2021 mới gần 14 tháng thành lập, HTX đã hợp tác với 13 hộ mạnh dạn phá bỏ 12ha cà phê già cỗi sang trồng măng tây công nghệ cao từ khu vực Nam Hà xuống thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà, ước đạt doanh thu 10kg/1.000m2/6 tháng trồng, so sánh giá trị cao hơn gấp 10 lần trồng cà phê. Đó là nhà nông Trần Văn Diện (54 tuổi) từ 10 năm trước lặn lội xuống Bình Thuận học nghề trồng thanh long. Trồng sau 2 năm thu bói và sau 3 năm thu chính, ông Diên bình tuyển nguồn giống và tổng hợp quy trình tối ưu nhất áp dụng canh tác tại vùng đất Nam Hà, Lâm Hà. Đến nay khu vườn 1,6ha thanh long ruột đỏ hương vị ngọt hậu riêng biệt xứ Nam Tây Nguyên đều tiêu thụ hết ngay trong ngày thu hoạch, ước tính hiệu năng cao hơn 82,5% thu hoạch cà phê Robusta năng suất 4 tấn nhân/ha. Từ kết quả này, nhà nông Trần Văn Diên “kiêm nhiệm” vận động xây dựng mô hình HTX Cây ăn trái thanh long Nam Hà đến nay sản xuất 20ha (năng suất 40 tấn/ha/năm) với 21 hộ liên kết. Giám đốc HTX được bầu kế tục “đứng mũi chịu sào” là anh Trần Văn Dũng (sinh năm 1989)- con trai của nhà nông tiên phong Trần Văn Diên vừa nêu…
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đồng cảm những nỗi niểm trăn trở, vượt lên chính mình của nhà nông chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiêp; đồng thời đánh giá cao sự chủ động, tự tin của nhà nông thực hành tối ưu hóa sản xuất đạt giá trị tích hợp của cây trồng hiệu năng, góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Lâm Đồng vững vàng trong “chuyến tàu hội nhập” thị trường sôi động trong nước và thế giới.
Trăn trở của ngành nông nghiệp Lâm Đồng hiện nay vẫn còn tỷ lệ không nhỏ nông sản (khoảng 43%) của người nộng dân trên địa bàn cung ứng ra thị trường theo hình thức ngoài hợp đồng, còn phụ thuộc giá cả thanh toán sau thời gian nhận hàng từ phía các đầu mối tiêu thụ. Nguyên nhân cốt lõi do sản xuất nhiều vùng vẫn còn quy mô phân tán, sản phẩm thu hoạch chưa đồng đều về hình thái và chất lượng. Bởi vậy, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đang tập trung các giải chính sách khuyến khích xây dựng mô hình liên kết HTX bên cạnh việc thu hút đầu tư các doanh nghiệp đầu tàu cùng với nhà nông xây dựng và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng nông sản ổn định lâu dài.
“Mong muốn của ngành nông nghiệp Lâm Đồng trong thời gian tới sớm đạt mục tiêu đưa “chuyến tàu hội nhập” gắn kết các “toa tàu” sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản trên tổng diện tích 300.000ha đạt lợi nhuận ngày càng cao, trong đó chủ thể nắm giá trị cốt lõi thực chất phải thuộc về danh phận của người nông dân”, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Châu chia sẻ./.
tháng 6/2021