Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Thay thế vườn điều già cỗi ở Cát Tiên

VĂN VIỆT

Qua thời gian chuyển đổi nguồn giống mới kết hợp chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây điều theo hướng bền vững, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã giúp nông dân huyện Cát Tiên ổn đinh năng suất thu họach 1,5- 2 tấn/ha/năm

Cây điều trồng tại Lâm Đồng từ năm 1986 tập trung chủ yếu tại 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Bên cạnh góp phần tích cực cải thiện đời sống kinh tế hộ gia đình, cây điều Lâm Đồng còn có chức năng phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng nhiều diện tích sản xuất kinh doanh điều gặp khó khăn về thu nhập do cây bị già cỗi, năng suất thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn.

Để giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, từng bước khôi phục năng suất vườn điều, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã xây dựng và triển khai có kết quả mô hình thâm canh cây điều năm 2 và trồng điều thay thế tại huyện Cát Tiên kéo dài trong 8 tháng vừa qua. Cụ thể quy mô thâm canh cây điều bền vững năm 2 với tổng diện tích 40ha và trồng điều thay thế 10ha tại xã Phước Cát và xã Nam Ninh, tổng số 50 hộ tham gia.   

Được biết đây là mô hình năm thứ 2 đối với 40 nông hộ thâm canh cây điều bền vững; năm đầu tiên đối với 10 hộ  trồng điều thay thế. Mỗi hộ được chọn tham gia mô hình đều có diện tích tối thiểu 1ha đất trồng điều, thu hoạch năng suất dưới 700kg/ha trong 3 năm liền, nhưng không có khả năng ghép cải tạo và thâm canh để phục hồi. Đồng thời có đủ số lượng lao động tiếp thu nhanh và thực hiện tốt các khâu kỹ thuật của quy trình canh tác mới do Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng chuyển giao.

Bước vào thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng phối hợp Phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho 40 nông hộ thâm canh bền vững cây điều với các giải pháp như: thường xuyên vệ sinh vườn;  cắt cành, tỉa tán; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; bón phân cân đối, đúng kỹ thuật...Đối với 10 hộ trồng điều thay thế trên diện tích 10ha được chọn các loại cây giống ghép đang trồng phổ biến đạt năng suất ổn định ở Lâm Đồng là BO1, PN1, MH4/5, MH 5/4…

Cụ thể cây làm gốc ghép từ 3-4 tháng tuổi; xuất vườn kể từ khi ghép hơn 45 ngày tuổi; chiều cao tính từ mặt bầu đất 20-25cm; phát triển hoàn chỉnh đạt 1-2 tầng lá; đường kính gốc hơn 8mm; chiều cao chồi ghép hơn 10cm; thân mọc thẳng; không bị nhiễm sâu bệnh, dị hình; kích thước bầu đất 15 x 33cm hoặc 15 x 25cm…

Quy cách đào hố trồng cây điều thay thế theo hình hộp có kích thước 50 x 50 x 50cm hoặc 60 x 60 x 60cm. Đào hố xong, trộn lớp đất mặt  với 10-20kg phân chuồng hoai và  0,5kg phân lân để bón lót. Việc trộn phân lấp hố phải hoàn tất trước khi trồng ít nhất từ 20 -25 ngày. Trồng xong nếu không gặp mưa, cần tiến hành tưới nước khoảng 20 - 30 lít/hố để rễ và đất trong bầu liên kết hấp thu dinh dưỡng. Trồng dặm ngay khi thấy cây con chết để đảm bảo mật độ sinh trưởng đồng đều của vườn cây. Trong 2 năm đầu, cây còn nhỏ dễ bị gió mạnh  làm long gốc, nghiêng cây và gãy cành, nên trồng các loại cây chắn gió tạm thời như cây muồng hoa vàng vào giữa 2 hàng điều. Trong thời gian cây còn nhỏ cần làm sạch cỏ ngay  trong gốc và cách mép tán từ  30-50 cm, thường làm sạch cỏ 3 đến 4 đợt/năm. Ít nhất 3 năm đầu khi vườn điều chưa khép tán, nên trồng xen cây ngắn ngày cách gốc điều từ 1 - 1,5m. Khi vườn điều kinh doanh đã khép tán, làm cỏ 1 năm 2-3 lần vào đầu, giữa và cuối mùa mưa…

 Với quy trình kỹ thuật mới của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng chuyển giao nêu trên, 10 hộ nông dân ở  xã Phước Cát 2 và xã Nam Ninh, huyện Cát Tiên đã trồng thay thế trên 10ha diện tích cây điều sau 8 tháng sinh trưởng và phát triển tốt, cây cao 1-1,2 mét, đường kính thân từ 2-3 cm. Riêng cây điều sau 5 tháng trồng thay thế đạt tỷ lệ sống 98%. Đặc biệt cùng thời gian này với 40 hộ thâm canh 40ha theo mô hình của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã đạt kết quả sinh trưởng tốt, phần lớn đang phát triển  ra lá non và hoa…

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng thì: “Mô hình triển khai theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt, nông dân tích cực hưởng ứng thực hiện. Nhờ kịp thời phun thuốc bảo vệ thực vật và chế phẩm sinh học, nên cây điều đã sinh trưởng và phát triển tốt, cây bung đọt đều, dịch hại bọ xít muỗi và bệnh thán thư đã giảm nhiều. Hiện các nông hộ tiếp tục theo dõi và thực hiện mô hình đúng quy trình để cây điều hồi phục nhanh và đạt mục tiêu đề ra…” Qua đây, ngành nông nghiệp Lâm Đồng cần tiếp tục tính toán, chuyển đổi những diện tích điều già cỗi, năng suất kém sang những giống điều cao sản mới thích hợp với từng tiểu vùng khí hậu, nhằm giúp nông dân gia tăng thu nhập, ổn định kinh tế gia đình…

THÁNG 3/2021