VĂN VIỆT
Sau 80 ngày trồng khảo nghiệm nguồn giống cà chua NT8 do Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa (Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam) chọn tạo, nhiều hộ nông dân ở vùng rau Đơn Dương đã thu hoạch đạt năng suất cao hơn gấp đôi so với các giống cà chua thông thường.
Tại khu vườn 1.000m2 diện tích cà chua NT8 ngoài trời đang
bước vào thời điểm thu hoạch sau 80 ngày xuống giống trồng, chăm
sóc theo kỹ thuật hướng dẫn của Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa, chủ
vườn là ông Nguyễn Công Du cho biết năng
suất đạt mỗi cây từ 3- 4kg quả. Với mật độ trồng 2.700cây/1.000m2,
ông Du ước tính thu hoạch sản lượng khoảng 8 tấn, tăng hơn 4 tấn so với giống
cà chua thông thường trồng đối chứng trên diện tích 1.000m2 tọa lạc
trên cùng thửa đất thuộc thôn Suối Thông B, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương.
Chưa kể nguồn giống hạt cà chua NT8 đầu tư giá mua thấp hơn 50% so với nguồn giống
cà chua ghép thông thường trên thị trường.
“Qua sản xuất trong vòng 60 ngày sau khi trồng giống cà chua ghép
thông thường, kiểm tra thường thấy xuất hiện các loại bệnh virus gây héo rũ
vàng lá, quả chín sớm. Trong khi đó, giống cà chua NT8 gieo trồng bằng hạt vẫn sinh
trưởng cành lá tốt tươi, quả chắc cứng, chứng tỏ khả năng đề kháng mạnh mẽ đối
với các loại bệnh gây hại… ”, chủ vườn
Nguyễn Công Du chia sẻ.
Được biết, trước khi trồng cà chua NT8 trên diện tích 1.000m2
ở thôn Suối Thông B, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương vừa nêu, ông Nguyễn
Công Du trồng rau bắp cải ngoài trời. Nếu tính đơn giá cà chua ở thời điểm đạt
mức 10.000 đồng/kg trong năm 2020 thì lợi nhuận tăng khoảng 3- 4 lần so với trồng
cây bắp cải. Hơn nữa việc trồng cà chua NT8 luân canh với rau bắp cải đã góp phần
đáng kể phục hồi vi sinh vật có ít trong đất, không chỉ đảm bảo dinh dưỡng cho
cây trồng mà còn ngăn chặn và phòng trừ hiệu quả nấm bệnh, côn trùng phát sinh
trong các mùa mưa, nắng trong năm.
Sau khi tham quan, tìm hiểu mô hình trồng cà chua NT8 của hộ ông
Nguyễn Công Du đạt năng suất và chất lượng cao nói trên, ông Nguyễn Duy Phước ở
cùng địa bàn thôn Suối Thông B, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương bày tỏ dự định:
“ Trong tháng 3/2021, hộ gia đình chúng tôi thu họach xong 4.000m2
diện tích xà lách trong nhà lưới sẽ chuyển sang trồng toàn bộ giống cà chua thực
sinh NT8 ngoài trời, tổng số 12.000 cây…”
Theo ông Lê Công Thôn, một nhà nông sản xuất cà chua kinh nghiệm lâu năm ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng đánh giá, giống cà chua NT8 của Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa đã thể hiện đặc tính thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng ở huyện Đơn Dương nói riêng, ở Đà Lạt và vùng phụ cận nói chung. Kết quả thu hoạch cà chua NT8 bên cạnh đạt năng suất vượt trội còn đậu quả hình dạng căng tròn, khi chín có màu sắc tươi đỏ, bắt mắt người tiêu dùng…
Đáng kể với ông Nguyễn Hồng Phong, chủ Doanh nghiệp Phong Thúy ở
thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng cho rằng, giống cà chua NT8 trồng khảo nghiệm
thành công ở Đà Lạt, Đơn Dương và các vùng phụ cận đạt kết quả cao về năng suất,
kích thước quả chín khá đồng đều, quả cứng, ít hao hụt khi vận chuyển tiêu thụ
đường dài, triển vọng cạnh tranh tích cực trên thị trường. Đặc biệt khi phổ biến
rộng rãi đến nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận trồng trên những cánh đồng lớn,
giống cà chua NT8 sẽ góp phần giúp ngành nông nghiệp cả nước chủ động nguồn giống
nội địa chất lượng cao, giá thành thấp, xuất đầu tư “phồ thông” cho nhiều vùng
nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng và của cả nước.
Trao đổi với phóng viên, thạc sỹ Nguyễn Thế Nhuận, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa cho biết, trên địa bàn huyện Đơn Dương đã nhân rộng có kết quả 4ha cà chua NT8. Riêng Đà Lạt và Đức Trọng, mỗi địa bàn cũng đã trồng khảo nghiệm thành công 1.000m2 NT8 với năng suất trung bình 75- 80 tấn/ha. Nguồn giống cà chua NT8 của Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất hạt giống từ năm 2016 và đưa ra khảo nghiệm tử năm 2018 đến nay. Mục tiêu của Trung tâm này là chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận nhân rộng ngày càng nhiều diện tích cà chua giống NT8 cạnh tranh tích cực trên thị trường. /.