Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

“Săn tìm” cá tầm vùng xa Rô Men

VĂN VIỆT

Phát hiện nguồn nước lạnh quý hiếm trên đồi núi cao thuộc địa bàn thôn 2, xã Rô Men, huyện Đam Rông, nhiều hộ nông dân địa phương đã "săn tìm" được nguồn giống cá tầm châu Âu chất lượng đưa về thả nuôi tạo thu nhập đột phá cho kinh tế hộ gia đình trong nhiều năm vừa qua.

Phóng viên về xã vùng xa Rô Men, huyện Đam Rông “săn tìm” cá tầm vào giữa tháng 3/2021 khi mùa khô Tây Nguyên bắt đầu “chạm ngõ” đến từng khu vườn đất nông nghiệp hộ gia đình. Tại gia trại của anh Đào Văn Vịnh, Giám đốc Văn phòng Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Gia Phát, tọa lạc khu trung tâm thôn 2, xã Rô Men, phóng viên tiếp cận lần lượt với 8 cái ao nước lạnh, nhưng thật khó “săn tìm” một vài đàn cá tầm thương phẩm. Thì ra với 8 cái ao chứa nguồn nước lạnh này đã vừa xuất bán khoảng 6 tấn cá tầm cho khách hàng các tỉnh, thành phía Nam “săn tìm” đặt mua trước ngay từ đầu năm thả nuôi con giống chỉ to bằng chiếc đầu đũa. Trọng lượng trung bình mỗi con cá tầm thương phẩm xuất bán trên dưới 2kg, thịt săn chắc, thơm ngon đặc trưng của môi trường thủy sản nước lạnh vùng xa Rô Men. Giám đốc Vịnh thuyết minh: “Mỗi năm khi mùa mưa từ đầu tháng 5 năm trước, 11 hộ gia đình của Hợp tác xã Nông nghiệp Gia Phát chúng tôi cùng “săn tìm” mua nguồn giống cá tầm đạt chất lượng cao về thả nuôi trong từng cái ao tại khu vực thôn 2, xã Rô Men, huyện Đam Rông, diện tích mặt nước từ 50- 100m2. Và từ tháng 1 đến tháng 2 năm sau, từng ao nuôi quy mô hộ gia đình bước vào thu hoạch. Còn lại tháng 3 và tháng 4 kế tiếp chủ yếu chăm sóc chế độ đặc biệt đối với một tỷ lệ nhỏ số lượng cá còn lại để đủ trọng lượng cung cấp ra thị trường…”

Cận cảnh một đoạn đường ống dẫn nước lạnh từ đầu nguồn con suối trên đồi cao kết nối về ước khoảng chiều dài 1.000m, phóng viên đo được đường kính khoảng hơn một gang tay. Theo anh Vịnh, thời điểm xuống cá giống và chăn nuôi kéo dài  hơn 8 tháng nói trên ở vùng đất Rô Men, huyện Đam Rông là khoảng thời gian thường xuyên có mưa, lượng nước lạnh dồi dào tuôn chảy từ con suối đồi cao dẫn về ao nuôi, tạo môi trường thuận lợi để cá tầm sinh trưởng, tăng trọng nhanh mỗi ngày. Cụ thể gia trại của Giám đốc Văn phòng HTX Nông nghiệp Gia Phát xã Rô Men, anh Đào Văn Vịnh với 8 cái nuôi nuôi cá tầm, mỗi ao 50m2 diện tích mặt nước, mỗi lứa nuôi khoảng 6.000 con. Kết quả lứa nuôi trong năm vừa qua, với giá xuất bán 130- 150.000 đồng/kg, gia trại cá tầm của Giám đốc Vịnh thu lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng trên tổng diện tích 400m2 mặt nước. Trong khi 3 năm trước đó, thâm canh cây cà phê trên diện tích 400m2 này đạt năng suất cao nhất khoảng 150 kg nhân, doanh thu chưa tới 5 triệu đồng.

Đúc kết quy trình nuôi cá tầm hiệu quả của mình, Giám đốc Đào Văn Vịnh đã nhiệt thành chia sẻ kinh nghiệm kết hợp vận động tất cả 11 hộ gia đình vừa nêu cùng tham gia thành viên HTX Nông nghiệp Gia Phát. Trong đó quy mô hộ gia đình nuôi cá tầm nhiều nhất với 9 ao, mỗi ao có diện tích mặt nước 100m2. Hộ nuôi ít nhất 4 ao, diện tích mặt nước 50m2/ao. Toàn bộ diện tích nuôi cá tầm đều chuyển đổi từ diện cây cà phê bắt đầu từ năm 2017 đến nay. Mô hình liên kết nuôi cá tầm bước đầu được HTX cung ứng nguồn giống “săn tìm” chất lượng đảm bảo, nguồn thức ăn dinh dưỡng dồi dào, chuyển giao kỹ thuật nuôi đạt tỷ lệ tăng trọng cao, từng bước “săn tìm” kết nối ổn định với khách hàng tiêu thụ trong nước. Phía hộ gia đình thành viên HTX chủ động áp dụng kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá tầm phù hợp với điều kiện về đất đai, nguồn vốn, vị trí ao nước lạnh với nhiệt độ ổn định hàng ngày. Tiêu biểu các thành viên HTX Nông nghiệp Gia Phát nuôi cá tầm đầu tiên trong năm vừa qua đạt hiệu quả tương đối khá ở thôn 2, xã Rô Men, huyện Đam Rông như: hộ gia đình anh Võ Minh Thông chuyển đổi 1.200m2 diện tích cà phê sang nuôi 11 ao cá tầm, thu về 600 triệu đồng; hộ gia đình anh Bạch Tiến Du xây dựng 11 ao nuôi nuôi cá tầm với tổng diện tích 1.000m2, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng…

Anh Vũ Duy Văn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phát (Văn phòng chính tại thôn 6, xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm) cho biết, trong năm 2021, HTX chọn sản phẩm cá tầm ở thôn 2, xã Rô Men, Đam Rông để xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh và hướng đến cấp quốc gia. Để đạt mục tiêu này, HTX đề xuất ngành nông nghiệp Lâm Đồng sớm quan tâm khảo sát, xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi cá đạt tiêu chuẩn, chất lượng và năng suất cao trên cơ sở khoa học để chuyển giao cho hộ gia đình trong và ngoài thành viên HTX. Bởi lẽ đến nay, quy trình nuôi cá tầm của HTX này vẫn chỉ là những kinh nghiệm mày mò từ thực tế của từng hộ gia đình thành viên, dẫn đến giá trị kinh tế đạt được chưa tương xứng với tiềm năng nguồn nước lạnh đặc trưng nơi vùng xa Rô Men, Đam Rông thuộc Nam Tây Nguyên./.

THÁNG 3/2021