Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Trồng mắc ca- hiệu quả ban đầu, khó khăn còn nhiều


VĂN VIỆT
Bên cạnh những kết quả ban đầu mang lại về năng suất thu hoạch, giá trị lợi nhuận, cây mắc ca Lâm Đồng đang gặp những vướng mắc, khó khăn cần những biện pháp tháo gỡ trước mắt và lâu dài.

97% diện tích mắc ca xem canh
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã phát triển tổng diện tích mắc ca hơn  4.863ha, trong đó diện tích mắc ca kinh doanh gần 1.180ha, đạt tổng sản lượng quả khô gần 2.160tấn. Các hình thức canh tác mắc ca chiếm tỷ lệ hơn 97% diện tích xen canh chủ yếu với cây cà phê, chè; gần 3% trồng thuần trên đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp. Hạch toán tại thời điểm tháng 8/2020 cho thấy: Đối với cây mắc ca trồng xen canh, trừ tổng chi phí đầu tư trồng mới, kiến thiết cơ bản, vật tư phấn bón, công lao động chăm sóc… khoảng 60 triệu đồng/ha đến năm thứ 6, lợi nhuận bình quân đạt hơn 12,5 triệu đồng/ha. Từ năm thứ 7 trở đi, lợi nhuận bắt đầu hơn 70triệu đồng/ha trở lên, dự kiến sau đó tăng thêm lợi nhuận hàng chục triệu đồng/ha mỗi năm.
Với cây mắc ca trồng thuần, khi cây bước sang tuổi năm thứ 5 và thứ 6- trừ chi phí đầu tư giống, vật tư, phân bón, kiến thiết cơ bản…tổng cộng gần 165 triệu đồng/ha- còn lại lợi nhuận đạt bình quân hơn 85triệu đồng/ha. Từ năm thứ 7 trở đi là thời kỳ kinh doanh của cây mắc ca, mang về lợi nhuận ổn định từ 300 triệu đồng/ha/năm trở lên.
Qua thực tế sản xuất, các giống mắc ca đã và đang khẳng định hiệu quả thích nghi thổ nhưỡng của từng tiểu vùng khí hậu của Lâm Đồng như: A38, QN1, OC, 246, 816, Daddow, 842, 849, 741, 800, 695…Đây là những giống mắc ca ghép đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Năm 2017 và năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã thẩm định, cấp chứng nhận 2 vườn ươm giống mắc ca với 1.550cây đầu dòng của Công ty TNHH Him Lam Mắc ca ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tọa lạc trên tổng diện tích hơn 115.340m2, khả năng khai thác 848.800 mầm, chồi/năm.  Hàng năm, Công ty TNHH Him Lam Mắc ca sản xuất khoảng 600.000 cây giống mắc ca ghép đạt tiêu chuẩn chất lượng để cung ứng cho nhu cầu nông dân trồng thuần và trồng xen canh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Ngoài ra toàn tỉnh Lâm Đồng còn có 14 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống mắc ca với số lượng 877.000 cây/năm (14.000 cây thực sinh và 863.000 cây ghép). Trong đó có 11 cơ sở công bố tiêu chuẩn cơ sở chất lượng cây giống trước khi xuất vườn; còn lại 3 cơ sở đang được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng hướng dẫn thực hiện quy trình công bố này...
Vượt hơn 2.363ha diện tích quy hoạch
“Việc sử dụng các nguồn giống mắc ca đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để trồng phần lớn diện tích xen canh với cây chè, cà phê…ở Lâm Đồng vừa tạo ra nguồn thu nhập ổn định trên một đơn vị diện tích đất, vừa mang lại hiệu quả che bóng, chắn gió, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái cho toàn bộ cho vườn cây công nghiệp hàng năm...”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá.
Tuy nhiên nếu so với quy hoạch giai đoạn 2016-2020 thì cây mắc ca toàn tỉnh Lâm Đồng đã vượt diện tích hơn 2.363ha. Và tính chung trong gần 5 năm qua, diện tích mắc ca Lâm Đồng đã tăng thêm 3.883ha. Trong khi đó, tại Đà Lạt, Lạc Dương, Đạ Tẻh, Cát Tiên là những địa phương không nằm trong quy hoạch phát triển mắc ca của tỉnh Lâm Đồng, nhưng người dân đã tự phát trồng mới đến nay hơn 263,25ha. Ngược lại ở một số tiểu vùng trong tỉnh Lâm Đồng đang phát triển mắc ca theo quy hoạch, song năng suất vẫn còn hạn chế vì áp dụng các biện pháp canh tác chưa thực sự phù hợp. Hiện tại trong các vùng quy hoạch trồng mắc ca trong tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa xây dựng được mô hình mẫu quy mô lớn để tổng kết đánh giá, chuyển giao đầy đủ quy trình canh tác từ giai đoạn xuống giống theo mật độ trồng thuần, trồng xen đến giai đoạn chăm sóc, phòng trừ bệnh hại, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch…
Trước nhiều khó khăn, vướng mắc nêu trên, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng xác định giải pháp thường xuyên tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất mắc ca theo đúng các tiểu vùng quy hoạch; tập trung khuyến cáo nông dân chọn giống mắc ca chất lượng cao, thích nghi với vùng sinh thái của địa phương để ghép cải tạo, nhằm khắc phục nhược điểm của những giống mắc ca trước đây đã trồng cho quả ít, quả nhỏ…
Về phía cơ quan chuyên trách cần tăng cường quản lý chặt chẽ các nguồn giống mắc ca cung ứng ra thị trường phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và được kiểm soát theo chuỗi giống cây lâm nghiệp quy định tại Thông tư số 30/2018/TT-BNNPTNT, ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Riêng các đề tài, đề án khuyến khích tập trung nghiên cứu giải pháp tổng hợp về sản xuất, chế biến và tiêu thụ mắc ca trên địa bàn, ưu tiên các doanh nghiệp đề xuất phương án đầu tư trọng điểm giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến định hướng phát triển mắc ca tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2030.
tháng 9/2020