Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

Cây trồng chủ lực – những kết quả chuyển đổi


VĂN VIỆT
Phát huy lợi thế so sánh từng vùng sinh thái trên địa bàn, ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục chuyển đổi cơ cấu các loại cây trồng chủ lực phù hợp, gắn sản xuất với sơ chế, chế biến và tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, năm 2020 trước bối cảnh khó khăn chung về thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch covid- 19, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã triển khai các chính sách hỗ trợ các loại giống cây trồng chủ lực, xây dựng mô hình liên kết, chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng giá trị nông sản thu hoạch. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, diện tích nông nghiệp công nghệ cao toàn tỉnh Lâm Đồng tăng hơn 660ha. Và ước cả năm 2020, đạt tổng diện tích nông nghiệp công nghệ ở Lâm Đồng khoảng 60.200ha, tăng 2.486ha so với năm 2019. Riêng cây trồng đạt chứng nhận GlobalGAP, VietGAP, 4C, UTZ, Rainforest…với tổng diện tích gần 78.000ha, tăng 336ha so với cùng kỳ. Ngoài ra trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng đã công nhận 2 vùng và 4 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Như vậy đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có tất cả 4 vùng và 12 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
 Cũng ước tính cả năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng gieo trồng tổng diện tích 390.039ha, tăng 1,6% kế hoạch năm và 2,2% so với năm 2019.  Trong đó cây hằng năm và cây lâu năm đều tăng 3,7% so với năm 2019. Sản lượng các loại cây chủ lực năm 2020 phần lớn tiếp tục tăng với các tỷ lệ tương ứng so với năm 2019 như: 2,63triệu tấn rau (tăng 5,9%); 3,68 tỷ cành hoa (tăng 3,1%); 527.700 tấn cà phê nhân (tăng 2,5%); 16.900 tấn hạt điều (tăng 26,9%)…
Kết quả nêu trên tiếp tục ghi nhận việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng các loại cây chủ lực phù hợp đặc trưng với từng tiểu vùng khí hậu trong tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương đã chuyển đổi lên đến 2.000ha nhiều nhiều loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng rau, hoa theo hướng công nghệ cao, nâng hệ số sử dụng đất lên 3- 3,5 lần/năm. Trên tổng diện tích trồng rau, hoa lần lượt trong năm 2020 là 63.000ha và 9.115ha thì chiếm tỷ lệ trung bình hơn 90% ứng dụng công nghệ cao.
Đáng kể với cây điều tiếp tục xác định là cây chủ lực của tỉnh Lâm Đồng nói chung, các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên nói riêng. Tính chung trong 2 năm qua, tại 3 huyện này đã bình tuyển 37 cây điều đầu dòng đạt năng suất, chất lượng cao. Qua đó đã khai thác nguồn giống khá lớn để chuyển đổi tái canh trồng mới và ghép cải tạo khoảng 2.622ha, kết thu hoạch tăng năng suất so với các mô hình đối chứng từ 3,5- 6tạ/ha. Đến nay, diện tích điều toàn tỉnh Lâm Đồng gần 28.215ha, trong đó chiếm 78,5% diện tích điều kinh doanh với năng suất bình quân năm 2019 đạt 5,4tạ/ha; năm 2020 ước đạt 8,2 tạ/ha.
Tương tự toàn tỉnh Lâm Đồng đã chuyển đổi tổng cộng 6.000ha chè hạt già cỗi, năng suất thấp sang trồng các giống chè cành cao sản  như: TB14, LĐ97  (4.000ha), kim tuyên, tứ quý, olong (2.000ha), đạt năng suất bình quân 11,5- 12 tấn/ha/năm. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng có tất cả 8.830ha chè ứng dụng công nghệ cao, tương ứng với 40% tổng diện tích chè hiện có. Trên địa bàn huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc đã hình thành 3 vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao với quy mô 600ha. “Việc hình thành các vùng sản xuất chè cao sản và chè ô long với quy mô tập trung gắn với công nghiệp chế biến, nhằm góp phần nâng cao hơn nữa giá trị nông sản chủ lực của Lâm Đồng. Trong đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc, dây chuyền thiết bị hiện đại để chế biến tăng tỷ trọng sản phẩm chè ô long, chè xanh chất lượng cao, giảm tỷ trọng sản phẩm chè đen theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu… ”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, thị trường sản phẩm rau, hoa trong nước hiện chiếm tỷ lệ khoảng 90%. Cụ thể phân bổ thị trường các khu vực gồm: 60-63% Đông Nam bộ; 12-15% miền Tây Nam bộ; 12-15% Miền Trung và 7-10% Hà Nội. Thị trường rau, hoa xuất khẩu chiếm tỷ lệ khoảng 10% tổng sản lượng. Với cây cà phê trên địa bàn tỉnh có 33 nhà máy và 192 cơ sở chế biến với công suất đáp ứng 80-90% sản lượng. Cây chè có 152 doanh nghiệp và 90 cơ sở với quy mô chế biến hàng năm lần lượt 29.871 tấn và 17.437 tấn thành phẩm. Trong đó thông qua chuỗi liên kết trong tỉnh Lâm Đồng, các sản phẩm sơ chế, chế biến từ cây trồng chủ lực tiêu thụ tại các thị trường trong nước và xuất khẩu đạt giá trị gia tăng từ 20 - 25%...
Kế hoạch đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng tăng 1,8% cây trồng hàng năm và 0,1% cây trồng lâu năm so với năm 2020. Trong đó diện tích các loại cây trồng chủ lực đạt 74. 646 ha rau; 9.613ha hoa; 174.000ha cà phê; 11.502ha chè; 24.555ha điều. Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục xác định một trong những giải pháp trọng tâm là tập trung chuyển đổi những diện tích có giá trị sản phẩm dưới 50 triệu đồng/ha/năm sang trồng các loại cây trồng chủ lực, đạt giá trị kinh cao hơn nêu trên./.
THANG 9/2020