Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

Phát triển 1.600ha hữu cơ- giải pháp trong 5 năm

VĂN VIỆT

Để đạt mục tiêu phát triển 1.600ha trồng trọt hữu cơ trong 5 năm tới, ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục xác định các vùng quy hoạch tập trung để từng bước xây dựng và nhân rộng mô hình.

Xây dựng 16 mô hình sản xuất các loại cây trồng hữu cơ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trên cơ sở điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, điều kiện canh tác, tiềm năng phát triển…, Lâm Đồng đặt vấn đề xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp đối với từng vùng, từng địa phương, khu vực và từng loại cây trồng khác nhau. Đó là cà phê vối ở Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đức Trọng. Cây rau, củ, quả Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm. Cà phê chè ở Đà Lạt, Lạc Dương. Cây chè tại Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đà Lạt, Lâm Hà. Cây ăn quả Đạ Huoai, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đơn Dương, Đam Rông, Đạ Tẻh. Cây mắc ca Di Linh, Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm, Bảo Lộc. Cây lúa huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông. Cây dược liệu Đà Lạt, Lâm Hà, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng.

Cụ thể với mục tiêu phát triển khoảng 1.600ha diện tích trồng trọt hữu cơ nêu trên, Lâm Đồng dự kiến phân bổ quy hoạch diện tích từng loại cây trồng đặc trưng thế mạnh trên từng địa bàn vừa nêu. Đó là 400 ha cà phê; 250 ha rau, củ, quả; 200 ha chè với tổng sản lượng hàng năm lần lượt khoảng 700 tấn, 6.500 tấn và  950 tấn. Tiếp theo gồm 200 ha cây ăn quả; 200 ha cây mắc ca đạt sản lượng hàng năm khoảng 1.300 tấn và 400 tấn. Còn lại là 150 ha lúa nếp, lúa tẻ (580 tấn); 150 ha cây dược liệu (khoảng 1.150 tấn/năm) và  50 ha nấm hữu cơ  (khoảng 100 tấn/năm).  

Ngoài ra trong quá trình triển khai thực hiện có thể mở rộng sản xuất hữu cơ đối với các đối tượng cây trồng khác. Nhưng tất cả phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ quốc tế như: USDA (Mỹ); EU Farming (Châu Âu);  Naturland (Đức), JAS (Nhật Bản), FIPA EFAPA (Hàn Quốc)…Và chứng nhận Bộ Tiêu chuẩn TCVN 11041 Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.


Được biết, đối tượng tham gia phát triển 1.600ha cây trồng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được hướng đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình hoặc nhóm hộ sản xuất, kinh doanh, trong đó đặc biệt ưu tiên các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây trồng các loại…

Theo đó, đến năm 2025, toàn tỉnh Lâm Đồng xây dựng khoảng 16 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với từng đối tượng sản phẩm cây trồng đã xác định như trên. Ở đây dự kiến mức hỗ trợ tối đa cho mô hình 250 triệu đồng/500m2 cây nấm; 125 triệu đồng/ 0,5 ha rau, củ, quả; 100 triệu đồng/0,5ha cây dược liệu;  60 triệu đồng/ha cây mắc ca, cây cà phê và cây chè; 50 triệu đồng/ha cây ăn quả; 20 triệu đồng/ha lúa…

Hoàn thiện quy trình sản xuất hữu cơ trên từng loại cây trồng

Giải pháp trước hết, ngành nông nghiệp Lâm Đồng khuyến khích người dân, doanh nghiệp chuyển đổi một phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ khi đủ điều kiện và có thị trường đầu ra đảm bảo. Tiếp theo cần sớm xây dựng hoàn thiện quy trình sản xuất hữu cơ đối với từng loại cây trồng phù hợp với các tiêu chuẩn để khuyến cáo người dân, doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả vào sản xuất.


Đặc biệt với nhóm giải pháp về xây dựng và nhân rộng các mô hình, tạo chuỗi liên kết hợp tác sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hữu cơ, toàn tỉnh Lâm Đồng khuyến khích hình thành và phát triển mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã làm nòng cốt chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp để tổ chức sản xuất theo quy mô hàng hoá, thuận tiện trong việc cơ giới hoá trên vùng nguyên liệu tập trung. 

 Bên cạnh đó cần đẩy mạnh các hình thức liên kết giữa người sản xuất và đối tác tiêu thụ; giữa người sản xuất với đơn vị cung ứng vật tư đầu vào; liên kết giữa ngành nông nghiệp Lâm Đồng với các địa phương thuộc khu vực thị trường tiêu thụ chính để phối hợp quản lý chặt chẽ, thuận tiện trong truy xuất nguồn gốc các chuỗi sản phẩm hữu cơ.

Đồng thời tích cực triển khai, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Thông qua công tác dự báo nhu cầu thị trường và dự ước nguồn cung sản phẩm hữu cơ ngay từ khi xuống giống.. để thông tin kịp thời cho sản xuất; phát triển các hình thức đóng gói mẫu mã và nhận dạng sản phẩm hữu cơ để hỗ trợ người tiêu dùng lựa chọn sử dụng.


“Xác định doanh nghiệp, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong xây dựng mô hình, chuyển giao công nghệ, thu mua và tiêu thụ nông sản hữu cơ. Do đó, cần tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư hiệu quả vào nông nghiệp hữu cơ bằng cách ưu tiên hỗ trợ theo các chính sách đặc thù sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương trên địa bàn đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng thông qua…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhấn mạnh về nhóm giải pháp chính sách.

tháng 9/2020