Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

Để mở rộng diện tích tưới tiết kiệm

VĂN VIỆT

Để nâng cao hiệu quả diện tích các loại cây trồng áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, các vùng nông nghiệp Lâm Đồng cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa những nhóm giải pháp tín dụng, liên kết sản xuất, gia tăng giá trị hàng hóa nông sản, khuyến khích ngày càng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình mở rộng đầu tư …

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, đến nay, tổng diện tích tưới tiết kiệm trên các vùng nông nghiệp trên địa bàn khoảng 37.900 ha. So sánh tăng 17.841ha diện tích tưới tiết kiệm so với năm 2015, tương ứng tăng bình quân mỗi năm khoảng 3.500 ha.

Trong đó phổ biến các loại hình tưới tiết kiệm như: tưới phun mưa (2.070 ha rau, 1.048ha hoa, 14.600ha cà phê, 4.600ha chè, 702ha cây ăn quả, 100ha cỏ chăn nuôi, 55ha dâu tằm); tưới phun sương tiết kiệm trong nhà lưới, nhà kính (rau màu 13.123ha, hoa 1.043 ha); tưới thủy canh hồi lưu (50ha); tưới nhỏ giọt (500 ha)…

Tính chung toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có gần 60.000ha diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ cao, trong đó đạt tỷ lệ 20% diện tích áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm. Ngoài 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận (Thái Phiên, Vạn Thành, thành phố Đà Lạt), hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đang hỗ trợ hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ đề nghị công nhận 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm 2 vùng sản xuất rau tại xã Xuân Thọ – Đà Lạt; xã Lạc Xuân – Đơn Dương và 1 vùng sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao tại xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai….

Qua rà soát cho thấy, với các giải pháp chủ động tưới tiêu khác nhau, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện đạt diện tích cây trồng được tưới 164.031ha/258.317ha, bằng tỷ lệ 63,5% trên tổng diện tích. Bên cạnh những diện tích gieo trồng được chủ động tưới từ hệ thống công trình thủy lợi (chiếm 23,13% so với diện tích cần tưới); số diện tích gieo trồng được tưới còn lại (93.686ha) do người dân tự khai thác nguồn nước từ các sông suối, khe lạch, ao, hồ nhỏ và các nguồn nước khác để bơm tưới, nên vào những năm thời tiết hạn hán kéo dài, thiếu nước tưới, dẫn đến nhiều loại cây trồng giảm năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế…

Lâm Đồng là tỉnh đi đầu trong cả nước áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm vào sản xuất nông  nghiệp ở các vùng trồng rau, hoa thành phố Đà Lạt và các huyện phụ cận như Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương. Về công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước cũng rất đa dạng như: Béc tưới tự động và hệ thống dẫn nước tưới tự động nhập khẩu chủ yếu từ Israel, Úc, Tây Ban Nha, Hà Lan, Hoa Kỳ …”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá.  Theo đó, từ năm 2015 đến nay, Lâm Đồng có gần 45 Hợp tác xã nông nghiệp áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước với tổng diện tích khoảng 6.977ha. Bên cạnh đó có khá nhiều doanh nghiệp như: Lang Biang Farm, Rừng Hoa, Biofresh, Trường Hoàng, Vincom, Công ty TNHH Đà Lạt GAP… đầu tư mở rộng hệ thống tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt tự động tiên tiến nhất từ các nước Israel, Úc, Tây Ban Nha, Hà Lan, Hoa Kỳ…để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Dây chuyền, thiết bị vận hành tự động dẫn nước vào bể chứa thông qua hệ thống lọc rồi bơm vào hệ thống ống dẫn đến các khu vườn. Tùy vào từng giống cây trồng và giai đoạn sinh trưởng cần bao nhiêu lượng nước, phân bón được các chuyên gia lập trình sẵn trong máy tính, khi cây trồng có nhu cầu, máy tự động phun nước và tưới phân bón nhỏ giọt phù hợp. Đặc biệt qua ứng dụng hệ thống cảm biến IoT điều chỉnh ánh sáng, ẩm độ đất, ẩm độ không khí để điều chỉnh quy trình phân bón, tưới nước, hệ thống phun thuốc tự động cho cây trồng, nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tạp thể và hộ gia đình ở Lâm Đồng đã giảm được ít nhất tỷ lệ 30% lượng phân bón, 30- 50% lượng nước tưới so với biện pháp tưới thông thường…


Theo nhận định của người dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã, việc đầu tư hệ thống công nghệ hiện đại, không chỉ đạt hiệu quả tiết kiệm nước và phân bón từ 30- 50% nói trên, mà còn giảm đáng kể công chăm sóc, chi phí quản lý vận hành, thuận tiện cho việc cơ giới hóa và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng, tăng chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập của người dân, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước góp phần bảo vệ môi trường, tránh được xói mòn rửa trôi đất trong khu vực canh tác.

Bởi vậy, ngành nông nghiệp Lâm Đồng cần tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả công nghệ tưới tiết kiệm trên từng vùng sinh thái, phù hợp với từng đối tượng cây trồng khác nhau, từ đó đề xuất triển khai các giải pháp chính sách phát huy nội lực, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình.. mở rộng đầu tư chuyên canh sản xuất, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm, đảm bảo nguồn nước tưới quanh năm cho các loại cây trồng có lợi thế, có giá trị kinh tế cao trên địa bàn./.

THÁNG 9/2020