Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2020

Thúc đẩy chế biến và phát triển thị trường nông sản


VĂN VIỆT
Ngày 10/7, tại Đà Lạt, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức hội nghị kết nối với địa phương, doanh nghiệp thúc đẩy chế biến và phát triển thị trường nông sản. Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp 18 tỉnh, thành khu vực miền Trung- Tây Nguyên tham dự.

Theo báo cáo tại hội nghị, khu vực miền Trung- Tây Nguyên hiện có khoảng 1.400 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản, ước giá trị chế biến chiếm 25% cả nước. Trong năm 2019, giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước đạt trên 41 tỷ USD, trong đó chiếm đến 30% ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Qua đó đã giải quyết việc làm cho 400.000 lao động chủ yếu là con em nông dân. Sản xuất nông sản toàn khu vực miền Trung- Tây Nguyên đã xuất khẩu sang phần lớn các nước trên thế giới, kể cả những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản…
Tuy nhiên trung bình mỗi tỉnh trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên hiện tại chỉ có 70 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản, chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, quy mô lớn còn rất ít. Tỷ lệ giá trị gia tăng của sản phẩm chế biến còn thấp- mới đạt từ 15-30%. Chủng loại sản phẩm chưa phong phú, còn tỷ lệ lớn tổn thất sau thu hoạch. Một số ngành còn nhiều dư địa, tiềm năng như rau, quả, thịt phần lớn chỉ sơ chế, chưa phát triển mạnh mẽ công nghệ chế biến…
Hội nghị đã thảo luận các giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông sản khu vực miền Trung- Tây Nguyên trong thời gian tới gồm: Coi trọng phát triển thị trường tiêu thụ nông sản phía Bắc với 50 triệu người tiêu dùng, đồng thời quan tâm đặc biệt đến thị trường tiềm năng Trung Quốc. Rà soát quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi. Phát huy lợi thế so sánh để xây dựng từng vùng nguyên liệu tập trung cho cơ sở chế biến đạt công suất thiết kế.
Đồng thời phát triển các cụm liên kết sản xuất-chế biến và tiêu thụ nông sản như: vùng trồng cây công nghiệp (cà phê, tiêu, điều, cao su, mía, đường…) tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên; vùng trồng rau và cây ăn quả tại các tỉnh Tây Nguyên…Ngoài ra cần tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng cao, góp phần chuyển dịch hiệu quả cơ cấu cây trồng…
Tháng 7/2020
*