Thứ Hai, 13 tháng 7, 2020

Bài 2/ Khi tín dụng phục vụ sản xuất


VĂN VIỆT
Hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân (QTDND) trực thuộc Liên minh HTX Lâm Đồng đã thường xuyên đổi mới phương thức huy động và cho vay vốn sản xuất và sinh hoạt, trong đó đặc biệt tiên phong hỗ trợ vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, góp phần thay đổi tích cực đời sống nông thôn mới ngày một khởi sắc đi lên.

Mở rộng địa bàn cho vay sản xuất nông nghiệp
Nhìn lại trong 5 năm qua, QTDND Liên Hiệp đã hướng hoạt động cho vay trực tiếp phục vụ sản xuất cho nông dân không chỉ ở địa bàn các xã Liên Hiệp, N’Thol Hạ, Hiệp Thạnh, Hiệp An, thị trấn Liên Nghĩa của huyện Đức Trọng mà còn mở rộng sang địa bàn thị trấn Thạnh Mỹ của huyện Đơn Dương. Trong đó ở huyện Đức Trọng, Quỹ đặt trụ sở chính tại xã Liên Hiệp và Phòng Giao dịch tại xã Hiệp An; ở huyện Đơn Dương có Phòng Giao dịch tại thị trấn Thạnh Mỹ. 5 năm qua, tổng doanh số huy động đạt 2.979 tỷ đồng, trong đó doanh số đến cuối năm 2019 tăng gấp 2,5 lần so với cuối năm 2014. Đồng thời Quỹ đã giải ngân cho 13.314 lượt hộ thành viên vay 2.039 tỷ đồng. Với quy mô và hiệu quả như vậy, Liên minh HTX Lâm Đồng đánh giá: “ Giai đoạn 2015- 2019, QTDND Liên Hiệp đã đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội tại địa phương. Đơn vị có tích lũy đáng kể để phát triển… ” Theo đó, hàng năm QTDND Liên Hiệp luôn được Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lâm Đồng xếp loại I; Khối QTDND Lâm Đồng xếp loại xuất sắc. Ngoài ra có nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của 3 cấp Trung ương, tỉnh và huyện. Riêng trong năn 2019, Quỹ được Cục thuế tỉnh Lâm Đồng tặng Giấy khen vì đã có thành tích thực hiện tốt chính sách pháp luật về thuế.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Giám đốc QTDND Liên Hiệp nhận định: “ QTDND Liên Hiệp có 23 cán bộ, nhân viên đều có trình độ đại học, được phân công đảm nhận công việc ổn định tại các vị trí phù hợp với chuyên môn của từng người. Nhờ luôn chú trọng công tác rà soát, hoàn thiện quy trình tín dụng, các quy định nội bộ, nâng cao chất lượng tín dụng, nên trong nhiều năm liền, QTDND Liên Hiệp không phát sinh nợ quá hạn, không xảy ra rủi ro tín dụng đến mức phải xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ vay… ” Cụ thể trong 5 năm qua, mỗi năm, QTDND Liên Hiệp đạt tăng trưởng tín dụng từ 10,5% đến 26,1%; tổng dư nợ cho vay tăng gấp 2 lần, trong đó phần lớn phục vụ sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống nông thôn địa phương.
Cùng xếp loại xuất sắc trong Khối QTDND tỉnh Lâm Đồng, QTDND Liên Nghĩa đã “thu hoạch” khá nhiều kinh nghiệm đưa tín dụng phục vụ hiệu quả nhu cầu của Nhân dân trên địa bàn. Trước hết trong quá trình hoạt động, QTDND Liên Nghĩa phân công nhiệm vụ tách bạch, rõ ràng đối với các bộ phận, cá nhân. Tiếp theo Quỹ luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa phương thức huy động vốn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trên từng địa bàn. Đặc biệt nguồn vốn cho vay của Quỹ tập trung phục vụ chủ yếu phát triển trồng trọt, chăn nuôi, mở mang nghề truyền thống, ngành nghề phụ, xây dựng nông thôn mới; một phần vốn còn lại cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng của Nhân dân địa phương.
Phát triển “An toàn- Hiệu quả- Bền vững”
Theo ông La Văn Bảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị QTDND Liên nghĩa, hiệu quả giải quyết vốn vay phục vụ sản xuất nêu trên là bài học kinh nghiệm thiết thực sau 25 năm thành lập của QTDND Liên Nghĩa với những thăng trầm, vượt qua để từng bước phát triển ổn định và bền vững. Cụ thể từ 259 thành viên với 2 tỷ đồng số vốn góp ban đầu, đến cuối năm 2019, QTDND Liên Nghĩa đã tăng lên 7.791 thành viên với tổng nguồn vốn 628 tỷ đồng. Riêng trong 5 năm qua, doanh số cho vay của Quỹ tăng tương đối khá- từ hơn 422 tỷ đồng lên 792 tỷ đồng, thu nhập bình quân một người lao động mỗi tháng từ 7 triệu đồng lên 13 triệu đồng, thực hiện nghĩa vụ thuế mỗi năm từ hơn 1,2 tỷ đồng đến gần 2 tỷ đồng.
“ Từ những chỉ số tăng dần năm sau cao năm trước, bên cạnh hoạt động tín dụng phục vụ sản xuất và đời sống, QTDND Liên Nghĩa cũng đã tham gia tích cực công tác xã hội với tổng số tiền hơn 4,1 tỷ đồng trong 5 năm vừa qua như: ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Quỹ khuyến học, xây nhà đại đoàn kết, ủng hộ chiến sĩ hải quân biển đảo, các chương trình thiện nguyện khác… ”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị La Văn Bảo trình bày thêm.   
Phân tích chi tiết hơn, ông Lại Năng Thủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị QTDND Lộc Sơn nêu các tỷ lệ tăng trưởng trong 5 năm qua của đơn vị mình gồm: 60% tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế; 52% huy động vốn; 43% nộp ngân sách… “Thực hiện hiệu quả chức năng huy động vốn tại chỗ để cho vay tại chỗ, QTDND Lộc Sơn đã góp phần đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất cho thành viên nói riêng và Nhân dân tại các vùng nông thôn mới ở Bảo Lộc nói chung. Từ đó chung tay giảm tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen tại địa phương…”, ông Thủy nhấn mạnh.
Cùng điều hành hoạt động tín dụng trên địa bàn thành phố Bảo Lộc, bà Đỗ Thị Yên, giám đốc QTDND phường II chia sẻ rằng, đơn vị của mình đã giải ngân các nguồn vốn vay phục vụ sản xuất nông nghiệp chiếm 52%; còn lại 44% cho vay kinh doanh và 4% cho vay tiêu dùng. Bà Yên nhận xét: “QTDND phường II luôn cải tiến quy trình thủ tục vay vốn, hỗ trợ vốn kịp thời, giải quyết nhanh chóng, không gây phiền hà, sách nhiễu thành viên, đặc biệt là các hộ nghèo… ”
Giải pháp phát triển “An toàn- Hiệu quả- Bền vững” trong thời gian tới, QTDND phường II, Bảo Lộc tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho vay vào các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, phần còn lại cho vay phục vụ chế biến, sửa chữa cơ khí nhỏ, xây dựng, vận chuyển, kinh doanh dịch vụ; hạn chế cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản…/.
Bài 3/ Tiên phong từng lĩnh vực- nguồn động lực mới

THÁNG 7/2020