Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản


·        Số vụ vi phạm, diện tích, khối lượng lâm sản thiệt hại đã giảm dần
VĂN VIỆT
Sáng ngày 7/7, Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 30- CT/TU, ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và quản lý lâm sản” gắn với đánh giá 3 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
 
Chủ trì Hội nghị tại đầu cầu Hội trường Tỉnh ủy Lâm Đồng (Số 10, Lê Hồng Phong, Đà Lạt) có các đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Đức  Quận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng; Trần Văn Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh ủy. Tham dự còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh Lâm Đồng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn trong 5 năm qua đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ý thức trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, cán bộ, đảng viên và Nhân dân ngày càng nâng lên, hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đã được tăng cường, số vụ vi phạm, diện tích, lâm sản thiệt hại giảm dần qua từng năm. Tuy nhiên một số địa phương, các chủ rừng vẫn chưa làm hết trách nhiệm của mình, còn để xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiệm trọng. Bởi vậy Hội nghị cần tập trung phân tích những nguyên nhân tồn tại, hạn chế, từ đó thống nhất các giải pháp quản lý bảo vệ rừng sâu sát với tình hình thục tế, đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.       
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, giai đoạn 2015- 2019, các lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện và lập hồ sơ 6.018 vụ vi phạm, thiệt hại 506ha diện tích rừng và 23.853m3 lâm sản. Số vụ vi phạm, diện tích, khối lượng lâm sản thiệt hại đã giảm dần qua các năm. Các đơn vị chủ rừng nhà nước và chính quyền địa phương đã tổ chức giải tỏa 1.200ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và tổ chức trồng lại 879ha rừng.
Tính chung toàn tỉnh Lâm Đồng đã trồng được 11.563ha rừng trong 5 năm qua. Trong đó trồng rừng thay thế 2.365ha, trồng rừng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước 1.553ha, trồng rừng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước 7.645ha…
Kết quả UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt rà soát, điều chỉnh quy hoạch và cơ cấu 3 loại rừng giai đoạn 2016- 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp 596.476ha, đất có rừng 525.262ha, đất chưa có rừng 71.214ha…  
Bài học kinh nghiệm cho thấy: “Phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn dân thì công tác quản lý, bảo vệ rừng mới thực sự hiệu quả. Địa phương, đơn vị chủ rừng nào thực hiện tốt trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, kiên quyết xử lý vi phạm, xử lý trách nhiệm đối với các sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức liên quan thì công tác quản lý bảo vệ rừng ở địa phương đó, đơn vị đó mới đạt hiệu quả…”  
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn trình bày tóm tắt Đề án “Ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2020- 2025 định hướng đến năm 2030 ”, trong đó nêu thực trạng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2015- 2020, nhiệm vụ và giải pháp đến năm 2025, định hướng năm 2030. Cụ thể gồm các nội dung như: nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý, bảo vệ rừng; ổn định dân di cư tự do; khôi phục độ che phủ rừng trên đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp ổn định; quyết tâm truy tìm đối tượng vi phạm để xử lý; nhanh chóng giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để trồng lại rừng…
Phát biểu ở đầu cầu các huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng đã khẳng định vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; việc xử lý đối với tổ chức, cá nhân không làm tròn trách nhiệm hoặc vi phạm quản lý, bảo vệ rừng; công tác chỉ đạo điều tra, triệt phá các đối tượng cầm đầu hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; tăng cường quản lý đất lâm nghiệp, xử lý tình trạng mua bán, sang nhượng và hợp thức hóa quyền sử dụng đất do phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép…
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đánh giá sự nỗ lực, quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, các sở, ngành, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đạt những kết quả đáng kể. Tuy nhiên công tác quản lý bảo vệ rừng ở Lâm Đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rừng vẫn bị phá, đất lâm nghiệp vẫn còn tiếp tục lấn chiếm trái phép, đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận người dân sống vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, áp lực xâm hại tài nguyên rừng vẫn còn ở mức nguy cơ cao…
Để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa từ nhận thức đến hành động quản lý bảo vệ rừng trong thời gian tới, Bí thư Tinh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các sở, ngành, các đơn vị chủ rừng và lực lượng chức năng cần tăng cường trước hết trong công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng.  
Tiếp theo cần sự quyết tâm cao, phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành thường xuyên tuần tra, kiểm tra, xác định những địa bàn trọng điểm, kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm minh những vi phạm về quản lý bảo vệ rừng, xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra phá rừng trên địa bàn quản lý, bảo vệ…Cương quyết thu hồi và yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với những dự án đầu tư để mất những diện tích rừng được giao.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến cũng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới với mục tiêu không để diện tích rừng bị phá, diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, tăng độ che phủ rừng và nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng, đảm bảo đời sống của người dân nhận khoán quản lý bảo vệ rừng…   
*Tháng 7/2020