VĂN VIỆT
·
Lâm
Đồng trồng xen cây lâm nghiệp mỗi năm từ 4.000ha đến 6.400ha
Sáng ngày 9/7, tại Hội
trường Tỉnh ủy Lâm Đồng, Phó Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, Thứ trưởng
Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn và Phó Bí thư
Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Quận cùng chủ trì hội
nghị bàn giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống người dân sản
xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp vùng Tây Nguyên. Đại diện lãnh đạo 5 tỉnh
Tây Nguyên tham dự.
Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) Nguyễn Văn Tiến báo cáo tại hội
nghị cho biết, đến thời điểm cuối năm 2019, tổng diện tích đất sản xuất nông
nghiệp trên đất quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên là
344.554ha. Trong đó gồm Đắc Lắc (84.109ha), Gia Lai (74.509ha), Đắc Nông
(67.400ha) và Lâm Đồng (51.931ha). Các diện tích đất lâm nghiệp này phần lớn hình
thành do người dân sản xuất trong các lâm trường trước đây hoặc được các công
ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng giao khoán, nhưng sử dụng sai mục đích; phần diện
tích còn lại do dân di cự tự do và người dân địa phương lấn chiếm trái phép. Mục
tiêu đến năm 2025, toàn vùng Tây Nguyên phải xử lý dứt điểm 344.554ha rừng và đất
lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp vừa nêu.
Trình bày tham luận tại hội
nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, trong 10 năm qua, Lâm Đồng
tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng với nhiều thành phần kinh tế
tham gia gồm: 25 chủ rừng nhà nước, 312 tổ chức, doanh nghiệp tư nhân, 8 cộng đồng,
17.500 hộ gia đình…Hàng năm chi trả hơn 250 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng,
tạo sinh kế cho 17.500 hộ dân. Qua điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, tỉnh Lâm Đồng
đã giải quyết 16.146ha đất sản xuất cho người dân địa phương. Hiện tại còn
51.931ha đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp dàn trải trên địa bàn, phần lớn
lấn chiếm từ trước năm 2014 để trồng các loại cây lâu năm như cà phê, cao su, hồ
tiêu, cây ăn quả…Mục tiêu đến năm 2025, Lâm Đồng triển khai trồng xen cây lâm
nghiệp khôi phục môi trường rừng với tổng diện tích 20.000ha thí điểm tại 3 huyện
Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh. Còn lại hơn 32.000ha nhân rộng trồng cây lâm nghiệp
trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2030. Tính ra mỗi năm trồng xen cây lâm nghiệp từ
4.000ha đến 6.400ha.
Những nhóm giải pháp khôi
phục rừng ở Lâm Đồng trong thời gian tới tiếp tục rà soát hiện trạng đất lâm
nghiệp đang sản xuất nông nghiệp, tổ chức cho người dân quản lý bảo vệ rừng, triển
khai các phương án quản lý đất sau khi trồng xen cây lâm nghiệp trên đất sản xuất
nông nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo các cấp ủy Đảng, vai trò của chính quyền và
hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng xen
cây lâm nghiệp trên đất sản xuất của mình gắn với trách nhiệm phối hợp đơn vị
chủ rừng kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo vệ rừng…
Tại hội nghị, đại diện
lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, Trường Đại học Lâm nghiệp, bộ, ngành Trung ương
trình bày các tham luận về đánh giá thực trạng, trao đổi các giải pháp nâng cao
thu nhập của người dân sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp trên địa bàn
như vấn đề di cư tự do, cần bổ sung trồng xen các loại cây ăn trái, tăng cường
quản lý đất lâm nghiệp, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân, đặc biệt
là người đồng bào dân tộc thiểu số…
Kết luận hội nghị, Phó
Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát thống nhất nhận định đây là vấn đề lớn không chỉ về
quản lý bảo vệ phát triển rừng mà còn liên quan trực tiếp đến việc làm, thu nhập,
đời sống người dân, trong đó quan trọng là đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Tây Nguyên. Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ngành cũng
đã đưa ra nhiều chính sách giải quyết, thực tế đã có tác động tích cực, kiềm chế
phá rừng, ổn định dân di cư tự do. Tuy nhiên đến nay vấn đề này vẫn còn nhiều bức
xúc, cần có chính sách phù hợp hơn.
Mục tiêu phải ổn định đời
sống Nhân dân trên cơ sở sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp trên
địa bàn. Và giải pháp phải xác định đối tượng đang sử dụng đất lâm nghiệp đang
sản xuất nông nghiệp để làm căn cứ giải quyết. Cần rà soát 3 loại rừng gắn với
quy hoạch sử dụng đất. Phải có cơ chế chính sách giao khoán ổn định lâu dài đất
lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp cho người dân. Cần nghiên cứu thêm mô hình
và phương thức phù hợp đối với đất lâm nghiệp quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc
dụng; mô hình nông lâm kết hợp phù hợp từng nhóm đất thuộc từng địa hình khác
nhau, đảm bảo hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội. Tiếp thực hiện chính sách
ổn định dân di cư tự do. Từ nay về sau toàn vùng Tây Nguyên phải siết chặt công
tác quản lý bảo vệ rừng, những diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm phát sinh phải
cương quyết xử lý, thu hồi…
THÁNG 7/2020