VĂN VIỆT
Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể
trong giai đoạn 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã phát triển đáng kể số
lượng và quy mô hoạt động của HTX trên lĩnh vực nông nghiệp, góp phần hình
thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản ổn định lâu dài.
Cụ thể tính đến đầu tháng 2/2020, toàn tỉnh Lâm Đồng đã phát
triển 18 Liên hiệp HTX và 245 HTX nông nghiệp với 7.150 thành viên, tổng nguồn vốn
điều lệ hơn 292 tỷ đồng. Các lĩnh vực hoạt động của tổ chức HTX nông nghiệp ở
Lâm Đồng gồm: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…trên tổng diện tích đất
hộ thành viên trực tiếp quản lý, sản xuất gần 18.000ha. Chưa kể gần 5ha đất
chuyên dùng của HTX sử dụng xây trụ sở, nhà xưởng sơ chế, chế biến nông sản.
Kết quả đến nay, Lâm Đồng đã xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu
mới, quy mô hoạt động mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao như: HTX
Tiến Huy ở Đức Trọng liên kết sản xuất ổn định với 22 hộ thành viên, đạt sản lượng
2.000 tấn rau /năm; HTX Tân Tiến ở Đà Lạt tiêu thụ mỗi năm 2.600 tấn rau của 60
nông hộ thành viên. Doanh thu bình quân của 2 HTX này đạt từ 18- 22 tỷ đồng/năm.
Hiện tại mô hình kinh tế tập thể đã hình thành hầu hết trên địa
bàn các xã trong tỉnh Lâm Đồng. Trong đó một số xã đã có đến 10 HTX nông nghiệp
đang duy trì hoạt động.
“Tuy nhiên việc hình thành và phát triển liên kết tại các HTX
trong thời gian qua ở Lâm Đồng vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Đó là
8% HTX hoạt động yếu kém, ngưng hoạt động hoặc loại hình dịch vụ thiếu đa dạng,
phong phú, chỉ mới phục vụ cho các các hộ thành viên, chưa hỗ trợ nhiều cho
nông dân trong vùng, còn giới hạn khả năng kết nối với thị trường… ”, Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhìn nhận. Bởi vậy bên cạnh tiếp tục tạo
cơ chế thuận lợi để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh
nông sản thì việc đào tạo nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành của đội
ngũ cán bộ HTX ở Lâm Đồng vẫn luôn là nhóm giải pháp cần thiết nhất.
THÁNG 2/2020