Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

Quản lý vật tư nông nghiệp- cần tăng cường hơn


VĂN VIỆT
Công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng đã có những bước chuyển nhất định, nhưng so với yêu cầu cần phải tăng cường nhiều giải pháp đồng bộ, hữu hiệu hơn nữa trong thời gian tới…

Kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm
Theo số liệu tập hợp của phóng viên, trong một năm vừa qua, các cơ quan chức năng trong ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã thực hiện thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp gồm 636 cơ sở phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và 162 cơ sở giống cây trồng. Kết quả đã phát hiện và xử phạt gần 565 triệu đồng đối với 69 trường hợp vi phạm, tịch thu hơn 1,5 tấn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, ngoài danh mục.
Điển hình, Đoàn Kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh Lâm Đồng ( do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng chủ trì) đã kiểm tra 45 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Đạ Huoai và thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc. Qua đó đã xử phạt 12 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 190 triệu đồng. Những hành vi vi phạm chủ yếu như: Không có hoặc hết hạn Giấy Chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; buôn bán hàng hóa không ghi đầy đủ nội dung trên nhãn, chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố.
Với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng thực hiện 4 cuộc kiểm tra đối với 10 doanh nghiệp, 36 đại lý cấp I kinh doanh phân bón thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện và xử lý kịp thời 10 trường hợp vi phạm như: buôn bán phân bón không được phép lưu hành tại Việt Nam; không duy trì đầy đủ các điều kiện về buôn bán phân bón; buôn bán hàng giả, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, có nhãn hàng hóa sai quy định... Ở các cơ quan chức năng cấp huyện trong tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra, xử phạt 220 triệu đồng đối với 36 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vi phạm. Đồng thời tiến hành phân tích 178 mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện 12 mẫu có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Ngoài ra trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cùng các cơ quan chức năng cấp huyện đã kiểm tra tổng cộng 162 cơ sở, xử phạt 11 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 30 triệu đồng. Hành vi vi phạm phổ biến ở đây là: không công bố chất lượng cơ sở, không ghi nhãn hàng hóa.
Đáng ghi nhận qua kiểm tra 80 cơ sở sản xuất rau, hoa, chè, dâu tây và 20 cơ sở nhập khẩu giống cây trồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng chưa phát hiện hành vi vi phạm nào. “Qua công tác thanh tra, kiểm tra kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn quy trình kỹ thuật cho người nông dân, đặc biệt đối với người nông dân sản xuất tại các trang trại có quy mô lớn. Từ đó, người nông dân ngày càng quan tâm sử dụng phân bón đúng cách, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng nồng độ, liều lượng, tuân thủ thời gian cách ly, có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam; ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo mộc…  ”, theo đánh giá của Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng.
Thanh tra, kiểm tra cần chủ động hơn
Tuy nhiên- cũng theo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trên địa bàn Lâm Đồng hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ để sót, lọt những hành vi vi phạm trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp. Cụ thể với kết quả thanh tra, kiểm tra nói trên mới đạt tỷ lệ 20- 36,7% cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng; 1- 3% số lượng mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…Chưa kể những giống cây trồng có thời gian sản xuất theo thời vụ ngắn (25- 35 ngày) chưa được kiểm tra thường xuyên.
Bởi vậy, công tác thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp trong thời gian tới ở Lâm Đồng cần chủ động phối hợp với với các quan chức năng từ cấp tỉnh, huyện đến địa phương xã, thị trấn. Theo đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cần chủ động tập huấn lấy mẫu phân bón, giống cây trồng khi có yêu cầu thanh tra, kiểm tra. Đối với UBND cấp huyện, thành phố giao nhiệm vụ cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế chủ trì xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng…đạt hiệu quả cao hơn.
“Nhiệm vụ chính từ nay đến cuối năm 2020 tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước kết hợp tuyên truyền pháp luật sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.  Kịp thời nắm bắt thông tin, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này, các cơ quan chức năng trong ngành nông nghiệp Lâm Đồng phải kịp thời thanh tra, kiểm tra, xử lý tất cả các hành vi vi phạm theo quy định”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhấn mạnh./.
Tháng 2/2020