Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

Trò chuyện với "thạc sĩ tảo xoắn"


VĂN VIỆT
"Thạc sĩ tảo xoắn" Nguyễn Thị Bích Trâm vừa có buổi trò chuyện với phóng viên sau khi đăng ký gian hàng trưng bày sản phẩm tảo xoắn trong dịp Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII - năm 2019. 

Thạc sĩ Trâm khẳng định sau những năm nuôi tảo xoắn thử nghiệm: "Thôn đồng bào dân tộc thiểu số K'Nai, xã Phú Hội, Đức Trọng có tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng và môi trường trong lành để phát triển sản phẩm tảo xoắn thương mại gắn với loại hình du lịch cộng đồng… "

Mấy năm nay, bạn hàng trong nước và nhiều nhóm thanh niên sinh viên khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng hay gọi Nguyễn Thị Bích Trâm (sinh năm 1989) là “thạc sĩ tảo xoắn” vì đã học và tốt nghiệp thạc sĩ tại Pháp (năm 2013- 2015) về chuyên ngành quản trị du lịch, nhưng khi ra trường lại đưa giống tảo xoắn về khởi nghiệp tại nơi định cư của mình ở thôn K’Nai, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Đến nay những gặt hái đáng kể qua các cuộc thi khởi nghiệp tảo xoắn được thạc sĩ Trâm chia sẻ gồm: Giải Nhất cuộc thi "khởi nghiệp kinh doanh Pernod Ricard" tổ chức tại Lâm Đồng và Giải Ba cuộc thi "mô hình và ý tưởng khởi nghiệp trong thanh niên" do Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức vào năm 2017.  Đến năm 2018 đoạt giải Ba cuộc thi "tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên" được tổ chức tại Bình Định. Và năm 2019 đề tài tảo xoắn của thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Trâm nằm trong "top 17 dự án tiềm năng" của tỉnh Lâm Đồng. Riêng vào tháng 2/2019, Công ty TNHH Tảo xoắn Spinténaas chính thức ra đời tại thôn K’Nai, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng.
Hành trình thành công bước đầu chưa đầy 5 năm nói trên, thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Trâm đã phải vượt qua những thử thách không nhỏ. Đó là với 0,5 lít giống tảo xoắn đầu tiên đưa về nuôi trong chiếc bể 40m2 liên tục bị “chết trắng” sau 3 lần thử nghiệm trong năm 2015, mỗi lần nuôi kéo dài khoảng 2 tuần. Với ý chí khởi nghiệp không chùn bước, thạc sĩ Bích Trâm cũng đã tìm ra nguyên nhân gây chết tảo xoắn từ kỹ thuật lắp đặt nhà kính chưa phù hợp về ánh sáng, nhiệt độ, môi trường, từ đó nhanh chóng bổ sung, hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật tối ưu từ những lứa nuôi tảo xoắn mới đạt hiệu quả từ cuối năm 2015 đến nay.
Theo đó với 1 chiếc bể thiết kế diện tích 40m2, chiều sâu 20cm nuôi tảo xoắn sau 2 tuần thu hoạch khoảng 2kg thành phẩm, đưa vào bảo quản cấp đông trước khi bán cho khách đặt hàng từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/kg. Nhiệt độ phát triển hiệu quả tảo xoắn xê dịch từ 250C đến 370C, nên ở vùng khí hậu thôn K’Nai, xã Phú Hội, Đức Trọng mỗi năm sản xuất kéo dài trong 9 tháng từ mùa xuân đến mùa hạ và mùa thu. 3 tháng mùa đông nhiều mưa, nhiệt độ xuống thấp nên năng suất tảo xoắn không cao. Theo hạch toán, tổng số 4 chiếc bể nuôi tảo xoắn có tổng diện tích 150m2, chiều sâu mực nước khoảng 20cm, mỗi năm nếu nuôi liên tục hết lứa này tiếp nối lứa khác, Công ty TNHH Tảo xoắn Spinténaas của thạc sĩ Trâm ước tính tổng sản lượng đạt được khoảng 1.500kg.
Tảo xoắn tươi được thu hoạch trực tiếp bằng cách lấy váng tảo bề mặt – đảm bảo tảo tươi sống 100% không bị lẫn tạp chất đáy hồ, không lẫn tảo chết. Tảo tươi đạt chất lượng là tảo có mùi thơm nhẹ, không hôi tanh, có vị hơi mặn ngọt và béo ngậy. Trước khi đi vào cấp đông, tảo được rửa qua với nước lọc tinh khiết để loại bỏ bớt muối và đảm bảo sạch vi khuẩn tuyệt đối. Tảo được cấp đông ngay trong ngày và đưa đến người tiêu dùng thông qua các kênh phân phối uy tín trên khắp cả nước. Quý khách hàng có thể kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm chúng tôi thông qua mã code QR in trên bao bì..”, Thạc sĩ, chủ nhân Công ty TNHH Tảo xoắn Spinténaas Nguyễn Thị Bích Trâm cam kết.
Theo đó trên bao bì sản phẩm của Công ty TNHH Tảo xoắn Spinténaas có ghi hướng dẫn sử dụng tảo xoắn chế biến thức ăn hoặc pha chế từng viên cấp đông uống chung với các loại nước ép trái cây và các loại nước giải khát. Các tài liệu khoa học trên thế giới đã đúc kết các công dụng tốt nhất của tảo xoắn gồm: ức chế lây lan tế bào ung thư và HIV; ngăn chặn lão hóa; chống viêm, điều hòa huyết áp; giảm cholesteron; tăng cường hệ miễn dịch, thải độc kim loại nặng…
Cụ thể nhiều khách hàng trong nước sử dụng tảo xoắn của Công ty TNHH Tảo xoắn Spinténaas đã phản hồi tích cực như: người già ăn ngon, ngủ ngon; làm tóc đen và làm da đẹp đối với phụ nữ trung niên trở lại; đàn ông giảm chứng bệnh đau bao tử…Nhưng lượng khách hàng trong nước sử dụng tảo xoắn của thạc sĩ Trâm hiện vẫn còn khiêm tốn. Vì vậy thạc sĩ Trâm đăng ký gian hàng trưng bày tại Festival hoa Đà Lạt nói trên nhằm giới thiệu thêm nhiều hơn nữa khách hàng trong nước, quốc tế, đặc biệt là khách hàng Lâm Đồng tiếp cận, sử dụng sản phẩm tảo xoắn địa phương.
Xa hơn nữa, “thạc sĩ tảo xoắn” Nguyễn Thị Bích Trâm hướng đến mục tiêu chuyển giao, xây dựng thành làng nghề tảo xoắn K’Nai, Phú Hội quê hương của mình gắn với phát triển du lịch đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc địa phương…/.
THANG 12/2019