Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2019

Đa dạng liên kết để phát triển


VĂN VIỆT
Kinh tế hợp tác xã Lâm Đồng với những giải pháp chính sách phù hợp đã tạo ra bước phát triển đa dạng, phong phú hình thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ổn định trên địa bàn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh lâm Đồng đã xây dựng 145 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tham gia bên cạnh 87 doanh nghiệp và 15 cơ sở sản xuất kinh doanh còn bao gồm 75 hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT). Đặc biệt có 10 HTX tham gia chuỗi liên kết có thành viên là những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trên thương trường. Và đáng kế có 68/145 chuỗi liên kết được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm an toàn.
Qua phân loại chuỗi liên kết sản xuất cây trồng như: rau các loại lên đến 71 chuỗi với 26 HTX (545 thành viên) sản xuất trên diện tích 848ha. Tiếp theo là 19 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê với 6 HTX (160 thành viên, 229ha); 9 chuỗi trái cây (4 HTX, 173 thành viên, 255ha); 6 chuỗi hoa (305 hộ, 147ha).  Còn lại gồm cây lúa, ca cao, mắc ca, dược liệu, dâu tằm, mỗi loại cây đang phát triển 1- 4 chuỗi liên kết tương ứng với 1- 4 HTX tham gia, diện tích từ 10ha đến 855ha. Ngoài ra toàn tỉnh Lâm Đồng đang mở rộng 10 chuỗi liên kết với 822 hộ chăn nuôi 248.500 heo; 26 hộ nuôi 315.000 con gà đẻ; 20 hộ nuôi 2.125 thùng ong mật; 8 hộ nuôi 800 tấn cá hồi.
Đánh giá chung “ trong những năm gần đây, việc liên kết sản xuất- tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng có nhiều bước tiến với hình thức đa dạng, phong phú, góp phần giúp người nông dân định hướng phù hợp trong tổ chức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giải quyết đầu ra ổn định…” Theo đó với hình thức liên kết trách nhiệm HTX cung cấp vật tư, cây giống, kỹ thuật sản xuất cho THT. THT chịu trách nhiệm tổ chức sản xuất, thu hoạch, cung ứng toàn bộ sản phẩm cho HTX tiêu thụ. Tiếp theo là mô hình liên kết giữa Liên hiệp HTX với các doanh nghiệp để cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng. Hoặc mô hình liên kết trực tiếp giữa HTX với hộ thành viên, trong đó HTX cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra theo các cơ chế giá thỏa thuận trước, giá thị trường cạnh tranh. Cụ thể hơn, các HTX Anh Đào, Tân Tiến, Xuân Hương ở Đà Lạt; HTX Tiến Huy ở Đức Trọng đã liên kết với hệ thống siêu thị trong nước tiêu thụ rau sạch hàng ngày cho hộ thành viên; HTX Phi Vàng ở Đơn Dương liên kết với Công ty Pepsico sản xuất và tiêu thụ khoai tây. Ngoài ra các HTX Đồng Phát, Tiến Phát (Bảo Lộc), Đồng Di Linh đã chủ động liên kết với doanh nghiệp phân bón Năm Sao, Bình Điền…để cung ứng vật tư đầu vào đảm bảo chất lượng và giá cả cạnh tranh cho hộ thành viên. Đây là mô hình liên kết xác định vai trò, trách nhiệm của từng bên tham gia như: doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, tìm kiếm thị trường. HTX thu mua sản phẩm, sơ chế đóng gói, gắn nhãn mác, thương hiệu của mình…
Để tiếp tục phát triển đa dạng, phong phú và hiệu quả hơn nữa các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trong thành phần kinh tế hợp tác, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã và đang tiếp tục triển khai gần 18 dự án trên địa bàn. Phân bổ chi tiết gồm: ở huyện Di Linh với 7 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đối với cây cà phê ( HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Nghĩa), cây bơ (HTX Bơ Vũ Linh), sầu riêng (HTX Sản xuất sầu riêng hữu cơ Đinh Trang Hòa), bưởi da xanh (THT Trái cây Đinh Trang Thượng), mắc ca (HTX Macadamia Di Linh), rau các loại (HTX Hiệp Thành), chăn nuôi heo (HTX Tân Hiệp Phát). Ở thành phố Đà Lạt có 4 dự án rau, hoa, hồng sấy, khoai lang sấy với 6 HTX Đất Làng Cầu Đất; Trường Sơn, Trường Gia Phát, Phước Lộc, Thành Đạt, Vạn Thành 1 tham gia. Còn lại 3 huyện Đam Rông, Đơn Dương, Cát Tiên triển khai tổng cộng 7 dự án liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao, rau, sầu riêng, nuôi trùn quế…Tham gia gồm các HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Cát Tiên; HTX Hữu cơ Tân Hưng Phát; HTX Nông nghiệp Đạ K’Nàng; HTX Thủy lợi Đạ RSal; HTX Sơn Uyên, Thiện Thanh, HTX Phụ nữ nuôi trùn quế.
Với 18 dự án liên kết vừa nêu, hy vọng trong năm mới 2020, từng HTX tích cực phát huy lợi thế cạnh tranh của các loại nông sản đặc trưng từng vùng nông nghiệp Lâm Đồng, mở rộng sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên thương trường./.
THÁNG 12/2019