Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

Đơn Dương với “cây trồng 05”


VĂN VIỆT
Hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết  05-NQ/TU, ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, huyện Đơn Dương với những giải pháp chuyển đổi, tổ chức sản xuất liên kết, đã tăng năng suất cây trồng từ 3- 5% mỗi năm.

Tăng tỷ lệ nông sản tiêu thụ theo hợp đồng
Đi vào triển khai Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, huyện Đơn Dương xác định chương trọng tâm, trọng điểm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Trước hết công tác triển khai quy hoạch được thực hiện trên 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tiếp theo hàng năm, huyện Đơn Dương chỉ đạo đồng bộ các nhóm giải pháp hỗ trợ sản xuất thông qua từng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển giao khoa học công nghệ, hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu đặc trưng…Trên cơ sở này, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trực thuộc đã cụ thể hóa phù hợp đặc điểm tình hình, nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng khí hậu, đất đai sản xuất nông nghiệp chất lượng cao ở địa phương, qua đó bố trí đủ nguồn lực tương xứng để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Theo đó, tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt trên các vùng sinh thái huyện Đơn Dương tập trung trước hết với cây rau chủ lực ứng dụng công nghệ cao. Tiếp theo phát triển cây hoa và còn lại là mớ rộng diện tích các loại cây ăn quả, nấm, dược liệu, dâu tây…
Kết quả sau 3 năm chuyển đổi “cây trồng 05”, diện tích sản xuất rau trên toàn huyện Đơn Dương tăng từ 8.900ha lên 27.060ha, năng suất tăng từ 335 tạ/ha lên 338 tạ/ha. Trong đó có 500ha chuyển đổi từ cây lúa 1 vụ và các cây trồng kém hiệu quả khác. Tổng hợp diện tích rau, hoa ứng dụng công nghệ cao cũng tăng khá nhanh - từ 3.600ha lên 10.486ha, chiếm 89% tổng diện tích canh tác. Ngoài ra các loại cây khác có giá trị kinh tế cao được trồng mới hàng năm (giai đoạn năm 2016- 2019) như: 140- 160ha các loại hoa lay ơn, cát tường, địa lan, lily, hồng môn, cầm chướng..; hơn 1.400ha cây ăn quả (dứa cayen, cam, quýt, bơ, hồng, chuối…); 25ha dược liệu đương quy…
Đáng kể một trong những biện pháp sản xuất tiên tiến được đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng trên các vùng nông nghiệp Đơn Dương là canh tác trên giá thể để tận dụng lợi thế khí hậu, thời tiết thuận lợi trong khu vực, từ đó nâng hệ số sử dụng đất lên 3- 3,5 lần/năm. Và nhờ vậy, doanh thu trên diện tích rau, hoa ứng dụng công nghệ cao ở Đơn Dương đạt bình quân từ 250- 300 triệu đồng/ha/năm; ngoài ra ngày càng xuất hiện nhiều mô hình đạt doanh thu từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.
Tính riêng trong năm 2019, huyện Đơn Dương tiếp tục hỗ trợ xây dựng mới, nâng tổng số lên 28 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản các loại ở các xã Đạ Ròn, Pró, Quảng Lập, Lạc Lâm. Năng suất “cây trồng 05” tăng bình quân 3- 5%/năm, tỷ lệ tiêu thụ theo hợp đồng mỗi năm đạt hơn 30% trên tổng sản lượng.   
95% đến 100% rau, hoa ứng dụng công nghệ cao
Đánh giá chung cho thấy: Thông qua tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Đơn Dương phát triển cả về số lượng và chất lượng, ứng dụng khá đồng bộ giải pháp khoa học kỹ thuật ở các khâu sản xuất. Thực tế ngày càng nhiều nông hộ trên địa bàn toàn huyện Đơn Dương nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng- đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định trên từng đơn vị diện tích đất.
Phát huy những kết quả đạt được, huyện Đơn Dương vừa thông qua mục tiêu đến năm 2025 phát triển nông nghiệp công nghệ cao với tỷ lệ 100% diện tích cây rau (tương ứng 38.000ha), 95% diện tích cây hoa (tương ứng 700ha). Riêng trong năm 2020 đạt tỷ lệ ít nhất 40% sản lượng nông sản tiêu thụ theo hợp đồng.
Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yêu được huyện Đơn Dương xác định tổ chức phối hợp thực hiện hiệu quả trong 5 năm tới là: “ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ, kết hợp xây dựng và phát triển thương hiệu”. Theo đó huyện Đơn Dương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học, nhất là nhân rộng mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ sinh học.
Đồng thời phát triển mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với nông dân, nhằm hình thành chuỗi nông sản chất lượng cao, có giá trị trên toàn cầu. Ngoài ra còn tiếp tục tạo cơ chế thuận lợi, khuyến khích đầu tư đổi mới dây chuyền thiết bị công nghệ trong bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản gắn với việc đẩy mạnh sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”…/.
THÁNG 12/2019