VĂN VIỆT
Ngày 21/12, trong chương trình Festival Hoa Đà Lạt lần thứ
VIII năm 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S và Giám đốc Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Sơn cùng chủ trì Hội thảo chủ đề “Thúc đẩy
liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản gắn với thu hút đầu tư vào
nông nghiệp”.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Văn Hiệp; đại diện Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố
Hà Nội và các tỉnh Thanh Hóa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông cùng hơn 200 doanh
nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tham dự.
Theo đánh giá tại Hội thảo, đến nay toàn tỉnh Lâm Đồng có 145
chuỗi liên kết với sự tham gia của 90 doanh nghiệp, 87 HTX, THT, cơ sở nhỏ lẻ và
15.800 hộ nông dân. Tổng sản lượng tham gia liên kết gần 500.000 tấn, trong đó
gồm cây rau (gần 243.500 tấn), tiếp đó là cà phê (gần 60.000 tấn), cây ăn quả
(hơn 37.000 tấn), hoa (68 triệu cành)…Phần lớn nông sản liên kết được sơ chế,
chế biến trước khi đưa ra thị trường, nên giá bán tăng cao hơn 15- 20% so với
trước đây.
Tuy nhiên tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi liên kết còn thấp
so với tiềm năng, thế mạnh của Lâm Đồng. Cụ thể như mới đạt 8,2% (cây rau), gần
2% (cây hoa), gần 11,6% (cây cà phê), hơn 18,% (cây chè)…Một số chuỗi liên kết
còn thiếu tính bền vững, hạn chế khả năng mở rộng thị trường…
Trong lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp, toàn tỉnh Lâm Đồng thu
hút 1.425 doanh nghiệp trong nước đầu tư vào trồng trọt và chăn nuôi. Riêng
doanh nghiệp nước ngoài có 72 đơn vị đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp công
nghệ cao, đặc biệt là nhân giống rau, hoa cao cấp…Khó khăn của doanh nghiệp hiện
nay thiếu quỹ “đất sạch” tập trung, phần lớn phải tự thỏa thuận chi phí đền bù
giá cao, ảnh hưởng đến quá trình thu hút đầu tư của tỉnh Lâm Đồng.
Các tham luận trình bày tại Hội thảo gồm: Dự báo thị trường
nông sản Việt Nam (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản); Đòn bẩy
chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn (Viện Chính sách và chiến lược phát
triển nông nghiệp); Hệ thống chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho TP Hồ Chí
Minh (Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM)…
Qua Hội thảo, Lâm Đồng tiếp tục nghiên cứu, vận dụng phát triển
các mô hình, cách thức liên kết phù hợp với từng loại hình, từng chủng loại
nông sản và đặc điểm của địa phương, phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 50% nông sản
tiêu thụ ổn định qua hợp đồng với sự tham gia khoảng 65% số hộ nông dân trên địa
bàn.
Hội thảo đã tổ chức ký kết tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh
nghiệp trong nước với doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân ở Lâm Đồng.
THÁNG 12/2019