VĂN VIỆT
Thêm một năm phát triển mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu
thụ, những mô hình kinh tế hợp tác xã đã triển khai nhiều giải pháp tích cực
cùng nông dân chuyển đổi cơ cấu thời vụ, mang lại giá trị gia tăng cho từng sản
phẩm cây trồng.
Liên kết theo mô hình HTX kiểu mới
Ở HTX Dịch vụ nông
nghiệp tổng hợp Tân Tiến, Đà Lạt vừa kết thúc năm kế hoạch 2019 với tổng doanh
thu khoảng 22 tỷ đồng, trong đó hộ thành viên HTX trừ tất cả chi phí còn lại đạt
thu nhập bình quân 300 triệu đồng/ha/năm. Giám đốc HTX này, anh Mai Văn Khẩn-
một điển hình nông dân xuất sắc toàn quốc năm 2018- nhớ lại: “Năm 2009, chúng
tôi thành lập Tổ Hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ rau ở phường phường 12,
Đà Lạt với 15 hộ thành viên, mỗi hộ sản xuất vài ngàn mét vuông các loại rau.
Đến năm 2012, chúng tôi mở rộng quy mô hoạt động thành HTX Dịch vụ nông nghiệp
tổng hợp Tân Tiến. Và năm 2016, chúng tôi chuyển đổi mô hình hoạt động kiểu mới
theo Luật HTX, tăng lên 20 hộ thành viên… ”
Theo đó, HTX Tân Tiến,
Đà Lạt đã liên kết với 20 hộ thành viên trong thành phố Đà Lạt sản xuất ổn định
hơn 40ha rau nhà kính công nghệ cao theo chuỗi khép kín từ khâu chọn giống gieo
trồng đến khâu thu hoạch, tiêu thụ theo hợp đồng. Cụ thể HTX đã thực hành lien
kết sản xuất hiệu quả gồm 5 giải pháp: Cải tạo đất bằng các chế phẩm sinh học
hữu cơ; mở rộng hệ thống tưới nhỏ giọt; đảm bảo vườn ươm cây giống sạch từ vật
liệu giá thể, nguồn nước đến các thiết bị, máy móc vận hành; nâng cao kiến thức
và kỹ thuật sản xuất cho người lao động; thường xuyên tập hợp hộ thành viên để
chuyển giao quy trình sản xuất công nghệ cao gắn với thị trường. Kết quả, HTX
Tân Tiến đạt tổng sản lượng rau các loại từ 1.900 tấn (năm 2017) tăng lên 2.100
tấn ( năm 2018) và hơn 2.500 tấn (năm 2019). Thị trường tiêu thụ rau sản xuất
liên kết tại HTX Tân Tiến đã và đang phát triển tại các hệ thống siêu thị như
Mega Market, KFC, Siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối ở các đô thị
lớn trong nước…
“Mua chung sản phẩm đầu vào, bán chung sản phẩm
đầu ra”
Xuống huyện Lâm Hà có
HTX Nông nghiệp Hùng Thắng với mô hình liên kết “mua chung sản phẩm vật tư nông
nghiệp đầu vào và bán chung sản phẩm đầu ra từ cây mắc ca, cà phê… ”, sau một năm hoạt động đã ổn định vùng
nguyên liệu 12ha của 12 hộ thành viên tại các xã Tân Hà, Liên Hà, Đan Phượng
gắn với chế biến và tiêu thụ, đạt tổng doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng. Và cũng trong
năm 2019, HTX Hùng Thắng được Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hỗ trợ đầu tư mới 2 dây chuyền máy móc chế
biến mắc ca, đi vào hoạt động đã nâng công suất thiết kế lên 100kg/mẻ sấy/máy, tăng giá bán thành phẩm lên 200.000 đồng đến
250.000 đồng/kg. “Hiện tại Ban Quản trị HTX Hùng Thắng, Lâm Hà gồm 3 người đều
có trình độ cao đẳng và đại học. Tổng số lao động thường xuyên 18 người, lao
động thời vụ 10 người, thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng ”, theo Giám đốc HTX Trương Thị Minh Phương.
Ở huyện Cát Tiên, địa
bàn xa nhất của tỉnh Lâm Đồng có HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Tư Nghĩa đã
và đang phát triển theo hướng bền vững, ổn định với 40ha (gần 30 hộ thành viên)
liên kết sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm, gạo sạch, các sản phẩm từ gạo và
cây dược liệu trên địa bàn theo tiêu chuẩn VietGAP.…. Thành lập từ năm 2015 đến
nay, HTX Tư Nghĩa với 5 thành viên Hội đồng quản trị, 500 triệu đồng nguồn vốn ban
đầu, 180m2 diện tích kho xưởng, văn phòng, đã cùng với 30 hộ thành
viên từng ngày tích cực đầu tư khoa học kỹ thuật sản xuất, mở rộng kinh doanh, góp
phần nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu “Lúa gạo Cát Tiên”.
Mô hình kiểu mới của HTX
Tư Nghĩa được ghi nhận theo chuỗi khép kín. Bên HTX ứng trước phân bón, lúa
giống chất lượng cao, hỗ trợ khoa học kỹ thuật canh tác và bao tiêu, sơ chế,
chế biến toàn bộ sản phẩm của hộ thành viên. Phía hộ thành viên có đất sản
xuất, công lao động, sau mỗi vụ mùa lúa thu hoạch được khấu trừ nguồn vốn ứng
trước của HTX tương ứng với mức giá cao nhất trên thị trường. Tính riêng trong
năm 2019, HTX đã bao tiêu 580 tấn lúa của hộ thành viên, trong đó sơ chế 300
tấn và chế biến 280 tấn. Bình ra mỗi tháng, HTX cung cấp 17 tấn gạo sạch chế
biến tại chỗ theo hợp đồng với nhiều doanh nghiệp, cửa hàng trong và ngoài tỉnh
Lâm Đồng.
Giám đốc HTX Nông nghiệp
và Dịch vụ tổng hợp Tư Nghĩa, Lê Quang Cảnh trình bày: “Là địa bàn vùng xa của
tỉnh Lâm Đồng, ban lãnh đạo HTX đã nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển
của Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng để đầu tư phát triển sản xuất, sơ chế lúa, chế
biến gạo sạch. Trong năm 2019, HTX đạt tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng, tạo việc làm
cho 45 lao động thường xuyên và 15- 20 lao động thời vụ tại địa phương với mức
thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng… ”
Theo Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn Lâm Đồng, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện đang phát triển gần 45
mô hình HTX liên kết với hơn 2.600 hộ thành viên sản xuất ổn định, bền vững với
hơn 2.600ha các loại cây trồng như: rau, hoa các loại, cà phê, chè, lúa, trái
cây, dược liệu, dâu tằm, ca cao, mắc ca. Trong đó có 3 HTX Tân Tiến, Hùng Thắng
và Tư Nghĩa nói trên đang được tiếp tục đánh giá, tổng kết kinh nghiệm để nhân
rộng phù hợp trên từng vùng chuyên canh cây trồng của tỉnh Lâm Đồng. /.
THÁNG 01/2020