Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

Tăng thu nhập bình quân đầu người ở Đam Rông


VĂN VIỆT
Với giải pháp tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp gắn với việc chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất mới cho người nông dân, huyện Đam Rông đã tăng thu nhập bình quân đầu người gấp hơn 1,6 lần trong vòng 3 năm qua; mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn địa bàn từ 5- 6%.

Từ nguồn vốn lồng ghép 210 tỷ đồng
Số liệu tập hợp cho biết, trong 5 năm vừa qua, huyện Đam Rông đã triển khai khoảng 210 tỷ đồng nguồn vốn lồng ghép để đầu tư hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng và hỗ trợ trực tiếp thực hiện tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đạt những kết quả đáng kể. Cụ thể với cây cà phê, huyện Đam Rông đã triển khai tái canh trồng mới và ghép cải tạo khoảng 1.700ha, tăng năng suất thu hoạch bình quân lên 2,7 tấn/ha trong vụ mùa vừa qua (trong đó có nhiều diện tích đạt năng suất từ 4- 5 tấn/ha). So sánh cùng kỳ năm 2015 thì năng suất cà phê sau tái canh ở Đam Rông cao hơn 20,2%. Đặc biệt huyện Đam Rông đã tận dụng gần 240 ha cà phê trồng mới tái canh để trồng xen các loại cây ăn quả có giá trị cao như sầu riêng, bưởi, bơ ghép hoặc trồng cây mắc ca trên 130ha diện tích đất lâm nghiệp và đất cà phê trồng thuần, đã tăng thu nhập gấp 4- 5 lần trên cùng một diện tích đất. Riêng ở các xã Đạ K’Nàng, Phi Liêng, ngành nông nghiệp huyện Đam Rông đã vận động nông dân chuyển đổi 70ha diện tích cà phê già cỗi sang trồng cây dược liệu, chuối Laba xuất khẩu, rau các loại công nghệ cao, kết quả tăng thêm thu nhập nhân lên từ 4- 5 lần.
Ngoài ra khu vực đất ven sông, suối ở 3 xã Đầm Ròn và xã Liêng Srônh, bà con nông dân đã tích cực chuyển đổi 100ha trồng bắp năng suất thấp để trồng dâu nuôi tằm, đạt lợi nhuận cao hơn 3- 4 lần. Đồng thời đưa vào sản xuất đồng trà đồng vụ hơn cả trăm hecta lúa và bắp lai chất lượng cao trên toàn huyện Đam Rông, đạt năng suất 46,2 tạ/ha lúa và 48 tạ/ha bắp, tăng tỷ lệ lần lượt so với 5 năm trước là 9,5% và 3%. Đáng kể trên lĩnh vực chăn nuôi, so với 3 năm trước, nông dân huyện Đam Rông đã tăng đàn gia súc, gia cầm từ 2- 3%. Trong đó đàn heo đạt gần 14.700 con, đàn gia cầm 82.000 con, đàn bò lai sind hơn 1.700 con.  

Tăng 1,6 lần thu nhập bình quân đầu người
“Đến nay, bộ mặt nông thôn huyện Đam Rông có nhiều đổi thay rõ nét, trong đó xã Đạ R’Sal được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Đặc biệt thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đã làm thay đổi thói quen canh tác cũ của người nông dân. Ngay càng có nhiều nông hộ mạnh dạn vay vốn đầu tư, áp dụng quy trình khoa học kỹ thuật về sản xuất giống, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với các đơn vị kinh tế tập thể trên địa bàn như HTX Rau Đạ K’Nàng, HTX Chuối Laba Đạ K’Nàng, HTX Nông nghiệp Đạ R’Sal…Năm 2018 thu nhập bình quân đầu người huyện Đam Rông đạt 32 triệu đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2015 và giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5- 6%/năm…”, UBND huyện Đam Rông đánh giá.
Cũng theo UBND huyện Đam Rông, tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa chương trình tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong năm 2019 và hoàn thành mục tiêu giai đoạn đến năm 2020, tăng thu nhập bình quân đầu người, huyện Đam Rông xác định 4 giải pháp trọng tâm triển khai đồng bộ trên địa bàn. Thứ nhất, nhân rộng các mô hình sản xuất vật nuôi, cây trồng đạt giá trị kinh tế cao như: nuôi bò cái lai sind, nuôi heo đen trong hàng rào, trồng rau thương phẩm và chuối Laba trên diện tích chuyển đổi cây cà phê già cỗi, trồng cây ăn quả xen canh trong vườn cà phê….Thứ hai, củng cố, mở rộng mối liên kết bền vững theo chuỗi sản xuất và tiêu thụ giữa hợp tác xã với nông hộ. Thứ ba, triển khai hiệu quả các nguồn vốn lồng ghép đầu tư, nguồn vốn tín dụng ưu đãi, tăng cường khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Thứ tư, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi nội đồng, đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng phát triển theo hướng bền vững, giá trị cao trên địa bàn. /.
*THÁNG 02/2019