VĂN
VIỆT
Bị
kê biên không đúng quy định pháp luật, Nhà máy chè Trạng Nguyên ở xã Đạm Bri,
Bảo Lộc phải đóng cửa khi vừa xây dựng xong nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền công
nghệ chế biến sản phẩm chè ô long.
Không chỉ thiệt hại vật chất hữu hình, việc
kê biên kéo dài không đúng đối tượng tài sản ở đây đã ảnh hưởng đến việc thu
hút đầu tư chế biến nông sản ở Lâm Đồng.
Doanh
thu từ 9- 12 tỷ đồng mỗi năm…nằm trên phương án
Hạ tuần tháng 01/2019, phóng viên đến Nhà máy
chè Trạng Nguyên, tọa lạc số 19/6, thôn 3, xã Đạm Bri, Bảo Lộc giữa tình trạng
cơ sở vật chất nhà xưởng cửa đóng then cài, tường sơn, gạch nền bong tróc, sân
bãi cỏ dại mọc um tùm, máy móc dán chặt niêm phong. Nhìn từ cánh cổng sắt rỉ
sét nhiều chỗ bên ngoài đường lớn, anh Hồ Tất Và, Giám đốc Nhà máy chè Trạng
Nguyên đưa tay bao quát một khuôn hình chữ nhật với tổng diện tích khoảng
9.000m2, nằm bên cạnh những thửa vườn chè ô long của nông dân địa
phương đang chờ đợi hợp đồng liên kết ổn định theo chuỗi giá trị sản phẩm. “Tính
đến ngày 22/01/2019, Nhà máy chè Trạng Nguyên đã hơn 3 năm bị niêm phong bởi
quyết định của Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Lúc đó, dây chuyền máy móc đã lắp
đặt hoàn thành và hệ thống nhà làm việc đã trang bị nội thất đầy đủ, nhưng
không thể đi vào hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh vì các đối tác từ phía
Đài Loan đã hủy ngay hợp đồng đầu tiên về tiêu thụ sản phẩm chè ô long mang tên
thương mại Trạng Nguyên vừa được đăng ký... ”, Giám đốc Hồ Tất Và kể lại.
Cụ thể, toàn bộ dây chuyền thiết bị của Nhà
máy chè Trạng Nguyên bị kê biên ở thời điểm tháng 12/2015 với tổng giá trị hơn
8 tỷ đồng. Đây là dây chuyền công nghệ mới nhất nhập về từ Đài Loan, công suất
danh định từ 6 tấn đến 8 tấn chè ô long nguyên liệu tươi mỗi ngày, chế biến
thành 1,2 tấn đến 1,8 tấn chè ô long sấy khô thành phẩm chất lượng cao. Hạch
toán mỗi ngày với giá chè ô long thành phẩm vào tháng 01/2019 trung bình
200.000 đồng/kg, nhân thành tổng doanh thu 24 triệu đồng đến 26 triệu đồng. Và Vùng
nguyên liệu sản xuất chè tươi ô long đáp ứng chế biến cho Nhà máy chè Trạng
Nguyên khoảng 60ha với 60 nông hộ ở xã Đạm Bri và các xã lân cận thuộc địa bàn
thành phố Bảo Lộc, trong đó chiếm tỷ lệ không ít hộ gia đình đồng bào dân tộc
thiểu số địa phương.
Tìm hiểu nông dân ở xung quanh khu vực xã Đạm
Bri, Bảo Lộc cho biết, trung bình mỗi năm sản xuất chè ô long nguyên liệu cung
cấp cho các nhà máy chế biến trên địa bàn đạt gía trị thu nhập ổn định từ
150-200 triệu đồng/ha/năm. Tính ra, Nhà máy Chè Trạng Nguyên bị kê biên không
hoạt động trong 3 năm liên tục với 60ha diện tích chè ô long chưa thể đưa vào
liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lâu dài, dẫn đến tổng thu nhập từ 9 tỷ
đồng đến 12 tỷ đồng hàng năm vẫn chỉ nằm trên hồ sơ phương án, quy trình kỹ
thuật trên lý thuyết…
Đủ
căn cứ để hủy kê biên
Theo xác định của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh
Lâm Đồng, toàn bộ công trình xây dựng, nhà xưởng, dây chuyền máy móc…của Nhà
máy chế biến chè ô long Trạng Nguyên tại thôn 3, xã Đạm B’ri, thành phố Bảo Lộc
nói trên thuộc sở hữu hợp pháp của Công ty TNHH Trạng Nguyên do ông Tăng Đăng
Lập, một nhà đầu tư đến từ Đài Loan làm Giám đốc. Đáng tiếc từ ngày 17/12/2015
đến nay, tất cả dây chuyền máy móc này đều bị Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng áp
dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên, nên Công ty TNHH Trạng Nguyên không
thể vận hành sản xuất kinh doanh, ước tính thiệt hại trong 3 năm khoảng hơn 4
tỷ đồng. Cụ thể các khoản thiệt hại gồm: khấu hao tài sản do máy móc xuống cấp,
tiền lương cho quản lý và nhân viên bảo quản tài sản, lãi suất ngân hàng…
Việc kê biên vừa nêu được thực hiện sau quyết
định thụ lý số 18, ngày 02/10/2015 về vụ kiện đòi 650.000 USD của ông Từ Tiến
Trinh đã chuyển khoản từ Đài Loan sang Việt Nam cho ông Tăng Đăng Lập trước đó.
Tuy nhiên “đối tượng tài sản đang tranh chấp là tiền USD, chứ không phải tài
sản là công trình xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị…mà Công ty TNHH Trạng
Nguyên đang sở hữu hợp pháp… ”, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng khẳng
định.
Rõ ràng theo chúng tôi, việc kê biên Nhà máy
chè Trạng Nguyên ở xã Đạm Bri, Bảo Lộc là không đúng đối tượng tài sản, không
đúng quy định pháp luật, ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư chế biến nông
sản, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm liên kết của tỉnh Lâm Đồng. Đáng nói hơn,
vụ kiện đòi tiền USD của nguyên đơn Từ Tiến Trinh đã quá thời hạn giải quyết,
nên thiết nghĩ, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cần sớm chỉ đạo giải
quyết hủy bỏ kê biên, khôi phục đầy đủ quyền sở hữu tài sản hợp pháp của Nhà
máy chè Trạng Nguyên để chính thức đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp
phần xây dựng nguyên liệu chè ô long phát triển ổn định, bền vững của cao
nguyên Lâm Đồng.
THÁNG 01/2019